P.V: Thưa đồng chí, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mới đây có thông báo số 3206/EVN-TĐTT về tình hình cung cấp điện tháng 7, trong đó có cho biết: Nguồn điện cung ứng khả năng sẽ thiếu hụt trầm trọng. Vậy đâu là nguyên nhân?
Đ/c Lê Minh Đức (L.M. Đ): Theo tính toán, mỗi năm nhu cầu tiêu thụ điện ở nước ta tăng lên từ 15-20%, trong khi đó để xây dựng được nhà máy điện không chỉ tiêu tốn bạc tỷ mà thời gian ngắn nhất cũng phải vài năm hoặc hàngchục năm. Theo thông báo của EVN, bước sang tháng 7 là tháng nắng, nóng nhất của mùa hè lại đang là mùa mưa bão nên nhu cầu phụ tải dự báo sẽ tăng cao hơn so với tháng trước. Hơn nữa hàng loạt các nhà máy điện công suất lớn do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư, quản lý, vận hành và bán điện cho EVN, tách khỏi hệ thống, vận hành không đầy đủ theo chỉ đạo của Chính phủ.Trong đó, Nhà máy điện Cà Mau 1 công suất 750 MW đã ngừng vận hành theo yêu cầu của nhà máy từ ngày 15-6 đến nay và chưa rõ ngày vận hành trở lại. Nhà máy điện Cà Mau 2 công suất 750 MW mới bắt đầu chạy thử nghiệm, công suất phát không đáng kể. Nhà máy điện Nhơn Thạch 1 công suất 450 MW, hiện chỉ phát thí nghiệm một tổ máy công suất 150 MW. Nhà máy điện Uông Bí mở rộng công suất 500 MW, bị sự cố từ ngày 18-5 đến nay, chưa rõ ngày đưa vào vận hành. Tổ máy tuốc bin khí Nhà máy điện Phú Mỹ 2.2 bị sự cố từ ngày 30-6. Bên cạnh đó, các nhà máy thủy điện do đã phải chạy liên tục nên hiện nước ở hầu hết các hồ thủy điện đang ở mức thấp, dẫn tới công suất khả dụng thấp như: Ialy, Hàm Thuận, Trị An. Một số tổ máy nhiệt điện, tuốc bin khí đã vận hành liên tục, buộc phải tách ra để sửa chữa, bảo dưỡng do đã hết và vượt số giờ vận hành cho phép. Đó chính là những nguyên nhân đẩy tình trạng cung - cầu về điện có thể đến mức căng thẳng.
P.V: Vậy nguồn điện sẽ thiếu hụt là bao nhiêu?
Đ/c L.M. Đ: Với các lý do trên, EVN đã huy động tất cả các nguồn điện sẵn có kể cả nguồn điện có giá thành cao khi cần, nhưng tổng công suất khả dụng trong toàn hệ thống tháng 7 vẫn rất thấp. Công suất đỉnh đạt khoảng 12.500 -12.800 MW, với nhu cầu sử dụng điện hàng ngày khoảng 230 triệu KWh thì sẽ thiếu từ 1.500 -2.500 MW, trong khoảng thời gian từ 7h sáng đến 21h hàng ngày.
P.V: Xin đồng chí cho biết tình hình cung ứng và sử dụng điện trên địa bàn tỉnh Ninh Bình?
Đ/c L.M. Đ: Trong mấy năm gần đây, nhu cầu phụ tải điện trên địa bàn tỉnh tăng rất cao, nhất là những tháng đầu năm 2008. Trong 6 tháng đầu năm, sản lượng điện tiêu thụ là 322,254 triệu KWh, bằng 149,15% so với cùng kỳ năm 2007. ở các ngành công nghiệp, xây dựng điện năng sử dụng tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước do một số phụ tải công nghiệp lớn đi vào sản xuất: Công ty xi măng Duyên Hà, Nhà máy xi măng Hướng Dương; các nhà máy xi măng Tam Điệp, xi măng Vinakansai, xi măng Hệ Dưỡng, phân lân Ninh Bình tăng cường sản xuất để bình ổn giá cả.
Ở ngành thương nghiệp và dịch vụ, điện năng sử dụng cũng tăng cao do thị xã Ninh Bình trở thành thành phố nên các hoạt động dịch vụ phát triển, các điểm du lịch được đưa vào khai thác mở rộng, thu hút khách du lịch.
Với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2010 và những chủ trương phát triển kinh tế, nhất là việc xây dựng các khu, cụm công nghiệp thu hút đầu tư nhằm đưa công nghiệp và du lịch phát triển thì nhiều nhà máy, xí nghiệp, dự án lớn sẽ được triển khai xây dựng và đi vào hoạt động. Do vậy, nhu cầu phụ tải điện cũng tăng cao. Dự kiến lượng điện năng tiêu thụ trong năm 2008 lên tới 750 triệu KWh, tăng 53% so với năm 2007.
Công ty TNHH MTV Điện lực Ninh Bình là đơn vị kinh doanh, cung ứng dịch vụ điện trên địa bàn tỉnh, nhưng nguồn điện phụ thuộc vào sự phân bổ điều độ của EVN. Trước tình hình trên, nếu không có biện pháp kiên quyết thực hiện tiết giảm điện một cách triệt để dễ dẫn tới tình trạng thiếu điện nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
P.V: Để vượt qua những khó khăn trên, EVN và Công ty sẽ làm gì?
Đ/c L.M. Đ: Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ huy động tối đa các nguồn điện sẵn có, tạo điều kiện và giúp đỡ các nhà máy điện mới thí nghiệm thành công để nhanh chóng đi vào vận hành sản xuất năm 2008 và đầu năm 2009. Đồng thời yêu cầu các đơn vị phải đảm bảo cho sản xuất, sinh hoạt thiết yếu, kết hợp tiết kiệm 1,5% lượng điện thương phẩm (tương đương 1.034 triệu KWh). Phấn đấu giảm tổn thất điện năng toàn ngành xuống 9,6% (giảm 0,9% so với năm 2007), tương đương với lượng điện tiết kiệm là 615 triệu KWh
Đối với Công ty Điện lực Ninh Bình: Phòng Kinh doanh và điện nông thôn sẽ tham mưu cho lãnh đạo để báo cáo với UBND tỉnh về tình hình cung cấp điện và sử dụng điện của các đối tượng khách hàng trên địa bàn. Lập phương án tiết giảm điện năng khi thiếu nguồn trình UBND tỉnh. Thường xuyên theo dõi sản lượng điện đầu nguồn để có phương thức vận hành tối ưu. Kiểm tra việc thực hiện tiết giảm điện năng theo kế hoạch ở các đơn vị…
Phòng điều độ chủ trì theo dõi việc tiết giảm điện hàng ngày ở các chi nhánh. Phối hợp đồng bộ với các chi nhánh trong việc cắt phụ tải đỉnh (từ 7 - 21 giờ theo lệnh của Điều độ miền Bắc) và tiết giảm điện hàng ngày theo chỉ tiêu giao của Công ty.
Các Chi nhánh điện lực: Làm việc với các khách hàng lớn trên địa bàn yêu cầu giảm công suất vào giờ bình thường, không sản xuất vào giờ cao điểm. Các chi nhánh lập phương án tiết giảm điện luân phiên đảm bảo đúng công suất phân bổ và tính công bằng, có xét đến thứ tự ưu tiên đã được UBND tỉnh duyệt.
Đối tượng tiết giảm là các khách hàng sinh hoạt khu vực nông thôn, các khách hàng sinh hoạt khu vực thị xã tùy theo điều kiện cụ thể sẽ cấp điện luân phiên theo phương án được duyệt. Khách hàng sản xuất sử dụng điện qua trạm biến áp chuyên dùng, Công ty thực hiện nghiêm túc quy định về ngừng giảm cấp điện theo thông báo để chủ động trong sản xuất. Đối với khách hàng chiếu sáng công cộng, quảng cáo, đề nghị các cơ quan quản lý thực hiện phương thức vận hành hợp lý "đóng muộn, tắt sớm", điều chỉnh linh hoạt đóng, tắt theo mùa và giảm 50% đèn chiếu sáng quảng cáo ở các trục đường chính; giảm 70% đèn chiếu sáng quảng cáo tại các tuyến phố một cách hợp lý.
Các khách hàng là cơ quan hành chính sự nghiệp: Đề nghị thực hiện tiết kiệm tối đa, sử dụng hợp lý và có hiệu quả điện; tắt ánh sáng khi không cần thiết. Các khách hàng sản xuất tư nhân mà lĩnh vực sản xuất không thuộc diện ưu tiên, nên sản xuất vào giờ thấp điểm (ban đêm). Đối với khách hàng sản xuất công nghiệp, vận động tăng cường sản xuất vào giờ thấp điểm, khi ngừng cấp điện sẽ có thông báo theo quy định để không ảnh hưởng đến sản xuất. Trường hợp đặc biệt (sản xuất công nghiệp lớn), lãnh đạo Công ty làm việc trực tiếp, thỏa thuận cắt giảm phụ tải vào giờ cao điểm. Các trạm bơm nước phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng cường hoạt động vào giờ thấp điểm và lập lịch cụ thể để Ngành điện có kế hoạch cấp điện hợp lý cho việc vận hành bơm nước phục vụ sản xuất.
P.V: Đồng chí có ý kiến gì với các khách hàng và người tiêu dùng trong tình hình hiện nay?
Đ/c L.M.Đ: Trong tình trạng cung không đủ cầu thì ý thức sử dụng điện tiết kiệm của các khách hàng và người tiêu dùng có ý nghĩa rất lớn đối với EVN và Công ty. Không những thế sử dụng tiết kiệm điện còn làm giảm chi phí trong sản xuất và tiêu dùng của khách hàng. Chỉ sử dụng điện khi cần, sử dụng hợp lý, sử dụng có hiệu quả, sử dụng các thiết bị tiêu tốn ít điện năng… trong quá trình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt.
Công ty Điện lực Ninh Bình đã ký hợp đồng với nhà cung cấp bóng đèn compact là Công ty bóng đèn Điện Quang và Công ty Thiết bị điện - điện tử Việt Nhật, bước đầu mua 42.000 bóng đèn compact tiết kiệm điện gồm nhiều loại khác nhau. Công ty xây dựng 28 địa điểm bán đèn compact tại các huyện, thị trong tỉnh để nhân dân đến mua và sử dụng. Đây là chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, nâng cao ý thức cộng đồng về sử dụng đèn compact, tiết kiệm 80% điện năng so với đèn tròn nhưng đảm bảo độ sáng tương đương. Vì lợi ích Quốc gia và lợi ích của mỗi gia đình, thực hiện tiết kiệm điện là giải pháp hữu hiệu nhất giữ cho hệ thống điện vận hành an toàn.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Đinh Chúc (Thực hiện)