Đây là việc làm mang ý nghĩa chính trị-xã hội và nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, sự chung tay của toàn xã hội với công tác chăm sóc người có công. Do vậy, các đối tượng người có công cơ bản được hưởng đầy đủ, kịp thời chế độ ưu đãi theo quy định. Mức trợ cấp đã từng bước được nâng lên, đời sống vật chất, tinh thần người có công được cải thiện. Công tác quản lý đối tượng được tăng cường. Việc quản lý sử dụng kinh phí, chi trả chế độ khá chặt chẽ, đúng quy định. Phong trào Đền ơn, đáp nghĩa được đẩy mạnh và duy trì thường xuyên, mang lại hiệu quả và ý nghĩa thiết thực trong việc chăm lo đời sống người có công.
Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách đối với người có công trên địa bàn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế và khó khăn. Trong đó, nổi lên: Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, hướng dẫn chế độ, chính sách đối với người có công chưa thường xuyên dẫn đến một bộ phận cán bộ cơ sở và người dân không nắm đầy đủ chính sách của Nhà nước. Việc lập và xem xét hồ sơ ở cơ sở còn nhiều sai sót, thiếu thông tin, chưa chính xác, không đủ chứng cứ nên phải bổ sung làm lại nhiều lần. Tiến độ rà soát, xác minh thông tin về liệt sỹ, quân nhân từ trần, mất tin, mất tích, xét duyệt hồ sơ người hưởng chính sách như thương binh của cơ quan có thẩm quyền chậm, thời gian thẩm định kéo dài.
Một số địa phương hồ sơ cấp trên chuyển về nhưng không trả lại và giải thích rõ ràng dẫn đến đối tượng bức xúc. Công tác giải quyết chế độ, chính sách đối với người có công ở một số cơ quan, đơn vị còn chậm, chưa đảm bảo thời gian quy định, nhất là việc công nhận danh hiệu vinh dự Nhà nước Mẹ Việt Nam anh hùng. Công tác quản lý đối tượng có nơi chưa chặt chẽ, còn để tình trạng lợi dụng, cố tình kê khai sai để trục lợi, trong đó có cả cán bộ công chức làm công tác TBXH ở cấp cơ sở. Việc triển khai thực hiện hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở trên địa bàn tỉnh theo quy định của Thủ tướng Chính phủ còn chậm.
Thực trạng trên có nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan. Nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Trong đó có nguyên nhân về nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền; Về công tác quản lý Nhà nước; về ý thức trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ công chức, viên chức ngành Lao động, Thương binh và Xã hội; sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong giải quyết công việc chưa chặt chẽ, kịp thời...
Thời gian tới, cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp, các ngành, các tổ chức, đơn vị từ Trung ương đến địa phương, trong đó có các ngành liên quan trực tiếp như: Quân đội nhân dân Việt Nam, Lao động, Thương binh và Xã hội; các Trung tâm Điều dưỡng thương binh... có giải pháp kịp thời, cụ thể chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế, rà soát kiểm tra, chỉ đạo giải quyết theo thẩm quyền những vấn đề còn chậm, muộn, sai sót trong thực hiện chính sách người có công.
Tăng cường công tác quản lý Nhà nước và kiểm tra các đơn vị trực thuộc trong thực hiện chính sách người có công, phát hiện, xử lý kịp thời những vi phạm. Không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức, tác phong công tác của cán bộ, công chức, viên chức ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tập trung tháo gỡ khó khăn, trả lời đơn thư, giải thích kiến nghị của công dân nhanh chóng, đúng quy định, nhất là những hồ sơ đã quá hạn giải quyết. Quản lý chặt chẽ việc chi trả trợ cấp cho các đối tượng người có công đảm bảo đúng quy định của pháp luật...
Nguyễn Kim