Buổi chiều cùng ngày, các đại biểu làm việc tại tổ để tiến hành thảo luận về dự án Luật Tần số vô tuyến điện. Đồng chí Đinh Văn Hùng, UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh điều hành thảo luận tổ đại biểu 4 tỉnh: Ninh Bình, Hà Giang, Bạc Liêu và Đồng Nai.
Các ý kiến đã thảo luận, làm rõ vấn đề phí sử dụng tần số trong dự thảo Luật nêu là khoản thu do Nhà nước quy định, được xác định trên cơ sở giá trị kinh tế của phổ tần số sử dụng, mục đích sử dụng, mức độ chiếm dụng phổ tần số. Tuy nhiên, theo các đại biểu trong tổ, vấn đề này cần quy định việc quản lý tần số phải theo chính sách quản lý tài nguyên quốc gia, có thể quy định một khoản thuế nhất định để quản lý tần số. Nếu thực hiện được như vậy, Nhà nước sẽ hạn chế được tình trạng đầu cơ, đăng ký dải tần mà không đưa vào khai thác hoặc khai thác kém hiệu quả.
Đề cập đến công tác quy hoạch tần số vô tuyến điện, các ý kiến nêu rõ, công tác này được chú trọng và triển khai hiệu quả, tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập do cơ chế quản lý hành chính bao cấp, không phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường. Do đó, để đảm bảo hài hòa việc sử dụng tần số vô tuyến điện giữa các khối dân sự, an ninh, quốc phòng, các quy định về công tác phối hợp quản lý cần được cụ thể hóa hơn nữa.
Về quy định hình thức cấp phép mới được quy định trong dự thảo Luật là đấu giá và thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, các đại biểu đánh giá cao 2 hình thức cấp phép mới này sẽ cho phép lựa chọn những doanh nghiệp có khả năng khai thác, sử dụng một cách tốt nhất phổ tần số vô tuyến điện, góp phần mang lại lợi ích tối đa cho người tiêu dùng và cộng đồng. Các đại biểu cũng thống nhất cao việc quy định cơ quan quản lý Nhà nước đối với hoạt động tần số vô tuyến điện là Bộ Thông tin và truyền thông. Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan này sẽ do Chính phủ quyết định…
Bùi Diệu