PV: Xin ông cho biết những hoạt động hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam của tổ chức Hội trong thời gian qua? Ông Đỗ Xuân Chúc: Năm 2007, Hội Nạn nhân chất độc da cam (CĐDC) huyện Yên Mô được thành lập đã là tổ chức xã hội trực tiếp chăm lo và bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân chất độc da cam, đáp ứng tâm tư và nguyện vọng của nhiều người. Sau khi được thành lập, Hội đã sớm ổn định tổ chức và tích cực tuyên truyền, vận động các nạn nhân cũng như các cá nhân có nhiều tâm huyết tham gia vào tổ chức Hội. Đến nay, toàn huyện đã có 17/17 xã, thị trấn có tổ chức chi hội với gần 300 hội viên.
Trên thực tế, con số gần 400 nạn nhân chất độc da cam/điôxin đã được huyện thống kê thì vẫn còn không ít người vì mặc cảm... mà không dám thừa nhận mình là nạn nhân của chiến tranh. Vì thế, khi Hội nạn nhân chất độc da cam/điôxin huyện Yên Mô thành lập đã làm vơi đi mặc cảm cho các nạn nhân. Thời gian qua, Hội nạn nhân chất độc da cam huyện và các chi hội đã kêu gọi các cơ quan, đơn vị, các tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm và cộng đồng dân cư ủng hộ, giúp đỡ về vật chất, tinh thần, góp phần xoa dịu "nỗi đau da cam". 6 tháng đầu năm 2015, Hội nạn nhân chất độc da cam/điôxin huyện đã phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trên địa bàn thăm hỏi, tặng 878 suất quà cho nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền là trên 176 triệu đồng, góp phần chia sẻ khó khăn với các nạn nhân.
PV: Mặc dù đã được quan tâm hỗ trợ, nhưng như ông đã nêu, thực tế hiện nay nạn nhân chất độc da cam vẫn còn gặp nhiều khó khăn?
Ông Đỗ Xuân Chúc: Vâng, đúng như vậy. Hiện nay, Yên Mô có 371 nạn nhân chất độc da cam (193 người bị nhiễm trực tiếp). Bên cạnh sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, nhiều nạn nhân và gia đình đã có nhiều cố gắng, nỗ lực vươn lên, vượt qua nỗi đau bệnh tật. Tuy vậy, phần lớn trong số họ sức khỏe đã giảm sút, đau ốm liên miên, gia cảnh rất khó khăn. Hậu quả chiến tranh để lại đối với các nạn nhân chất độc da cam/điôxin là rất lớn. Những di chứng của nó không chỉ làm tàn phế một thế hệ mà còn ảnh hưởng đến nhiều thế hệ sau này với hậu quả khôn lường. Cứ nhà có 1 nạn nhân bị bệnh tật nặng thì phải mất 1 lao động để trông coi, chăm sóc, chưa nói nhiều nhà có tới 2 - 3 nạn nhân.
Hiện nay, áp với chuẩn nghèo theo quy định thì mức hỗ trợ của Nhà nước đối với hội viên hiện nay thì không có hội viên nghèo. Song, thực tế mức trợ cấp như hiện tại còn quá thấp, không đủ chi phí cho việc mua thuốc thang chữa trị bệnh thường xuyên. Mặt khác, hội viên có nhu cầu vay vốn để phát triển kinh tế cũng không đủ điều kiện yêu cầu của ngân hàng. Do vậy, đời sống của họ gặp nhiều khó khăn, bất cập.
PV: Để tiếp tục trợ giúp cho nạn nhân, trong thời gian tới, Hội sẽ tập trung vào những hoạt động trọng tâm nào?
Ông Đỗ Xuân Chúc: Chúng tôi xác định việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nạn nhân là nhiệm vụ hàng đầu của các cấp Hội. Vì vậy, thời gian tới, Hội nạn nhân CĐDC huyện Yên Mô cũng như các chi hội cơ sở tiếp tục phát huy vai trò, chức năng của mình, tích cực bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho các hội viên. Hiện nay, hướng tới kỷ niệm Ngày vì nạn nhân chất độc da cam, các cấp Hội ở Yên Mô đang tích cực kêu gọi các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm cùng chung tay xoa dịu nỗi đau da cam; vận động các địa phương tổ chức thăm hỏi, tặng quà, động viên gia đình các nạn nhân vượt qua nỗi đau, vươn lên trong cuộc sống. Bên cạnh đó, chúng tôi phối hợp với các cơ quan, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân để hiểu rõ hơn tính chất độc hại và nguy hiểm của chiến tranh hóa học do quân đội Mỹ gây ra cho nhân dân Việt Nam. Đồng thời, chúng tôi vận động, kêu gọi các tầng lớp nhân dân phát huy truyền thống của dân tộc "Uống nước nhớ nguồn, thương người như thể thương thân", để thường xuyên ủng hộ cả tinh thần lẫn vật chất để cùng nhau chia sẻ nỗi đau da cam, tạo cho họ có điều kiện hòa nhập với cộng đồng.
PV: Xin cảm ơn ông!
Mai Lan (Thực hiện)