Phóng viên (PV): Một hoạt động của ngành Y tế Ninh Bình trong năm qua được Bộ Y tế đánh giá cao chính là công tác y tế dự phòng với việc không để các dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn. Vậy kết quả cụ thể là gì, thưa bác sỹ?
Bác sỹ (BS) Phạm Thị Phương Hạnh: Trong thời gian qua, nhiều dịch bệnh nguy hiểm xuất hiện ở một số tỉnh, thành phố trên cả nước, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người dân, nhưng với tỉnh Ninh Bình, ngành Y tế đã chủ động, quan tâm chỉ đạo sâu sát, kiện toàn và củng cố hệ thống giám sát dịch từ tỉnh đến cơ sở, đảm bảo mọi thông tin về tình hình dịch bệnh được cập nhật, báo cáo thường xuyên 24/24h, để tỉnh và Bộ Y tế có sự chỉ đạo kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra.
Ngoài hệ thống giám sát dịch, ngành còn triển khai công tác giám sát nguồn nước, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường tại các khu dân cư… hướng người dân có thêm kiến thức, kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh nói riêng, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nói chung. Công tác điều tra dịch tễ, tìm đường lây, xử lý môi trường, đưa ra khuyến cáo cho người dân biết cách phòng chống dịch bệnh được thực hiện nghiêm túc, góp phần không để dịch bệnh có cơ hội lây lan, phát triển trong cộng đồng.
Đặc biệt, trong công tác phòng chống dịch COVID-19, ngành Y tế đã tập trung triển khai nhiều biện pháp, như tham mưu với UBND tỉnh thành lập BCĐ phòng chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh Ninh Bình, thành lập BCĐ phòng chống dịch bệnh COVID-19 của ngành Y tế, phân công nhiệm vụ, xây dựng kế hoạch hoạt động, kịch bản tình huống 4 cấp độ. Tổ chức điều tra, giám sát chặt chẽ các trường hợp mắc mới hoặc nghi ngờ mắc. Bố trí nhân lực, địa điểm thu dung điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 theo quy định. Thành lập các đội đáp ứng nhanh, sẵn sàng ứng phó với dịch. Mua sắm, bổ sung trang thiết bị, máy móc, hóa chất đảm bảo phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh...
Với việc triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng chống, cùng với các hình thức tuyên truyền phong phú, phù hợp, ý thức người dân về phòng chống dịch bệnh được nâng lên. Nhiều cá nhân, gia đình đã nâng cao ý thức và trách nhiệm trong việc tự bảo vệ và chăm sóc sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng. Kết quả, năm qua, trên địa bàn tỉnh không để dịch bệnh lớn xảy ra. Hầu hết các bệnh truyền nhiễm có số trường hợp mắc giảm hoặc không ghi nhận trường hợp mắc so với cùng kỳ năm 2019.
P.V: Hiện nay, ngành Y tế Ninh Bình không ngừng lớn mạnh về tổ chức bộ máy và nâng cao về chất lượng dịch vụ, từng bước đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Bác sỹ có thể đánh giá kết quả nổi bật trong năm 2020 là gì?
BS Phạm Thị Phương Hạnh: Năm 2020 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, ngành Y tế Ninh Bình đã đạt được những kết quả tích cực, hoàn thành đa số các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu. Trong đó, đáng chú ý là việc thực hiện vượt mức một số chỉ tiêu: Số bác sỹ trên vạn dân tăng 1,65 (2016) lên 12,5 (2020); tỷ lệ xã đạt tiêu chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2011-2020 lên 98,6%; 100% trạm y tế có bác sỹ làm việc; tỷ lệ dân số tham gia BHYT là 91,2%, cao hơn so với chỉ tiêu toàn quốc, mức giảm tỷ lệ sinh 0,15‰/năm...
Trong công tác khám chữa bệnh, mặc dù là một năm chịu nhiều ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng các cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh vẫn vừa phòng chống dịch vừa làm tốt công tác khám chữa bệnh cho nhân dân. Tổng số lần khám bệnh là 1.114.580 lượt, điều trị nội trú cho 159.525 lượt người bệnh. Số phẫu thuật loại 3 trở lên là gần 22 nghìn ca. Công suất sử dụng giường thực kê đạt trên 90%. Theo đánh giá cuối năm của Sở Y tế, điểm trung bình đánh giá chất lượng bệnh viện theo Bộ Tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam của các cơ sở tuyến tỉnh và huyện đạt 3,11/5 điểm, cao hơn so với năm 2019.
Để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, các bệnh viện tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, áp dụng các tiến bộ KHKT và triển khai nghiên cứu nhiều đề tài, sáng kiến khoa học. Các đề tài, sáng kiến, tiến bộ KHKT tập trung nghiên cứu trong lĩnh vực dự phòng, khám chữa bệnh và công tác quản lý, nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân. Sở Y tế cũng phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện hiệu quả việc ứng dụng CNTT trong việc phòng, chống dịch COVID-19, triển khai ứng dụng nCoV cho người dân. Đến nay, đã có gần 400.000 lượt khai báo trên ứng dụng, giúp ngành Y tế kiểm soát, quản lý tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn.
Cùng với đó, việc triển khai thực hiện các phong trào, hoạt động đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, xây dựng cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp, giảm thiểu chất thải nhựa, công khai tài chính, không ngừng nâng cao chất lượng bệnh viện.., hướng tới sự hài lòng của người bệnh được duy trì và đẩy mạnh. Kết quả đánh giá mức độ hài lòng của người bệnh tại các bệnh viện đều đạt trên 90%.
Ghi nhận những kết quả đạt được trong các hoạt động của ngành, các phong trào thi đua yêu nước những năm qua, đã có hàng nghìn tập thể, cá nhân được các cấp, các ngành tuyên dương, khen thưởng. Đặc biệt, trong công tác phòng chống dịch Covid-19, đã có hàng trăm tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc được tuyên dương, khen thưởng đột xuất. Đến nay, toàn ngành có 5 Thầy thuốc Nhân dân, 88 Thầy thuốc Ưu tú và nhiều tập thể, cá nhân được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, UBND tỉnh...
P.V: Để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân, ngành Y tế đặt ra những giải pháp gì trong năm 2021?
BS Phạm Thị Phương Hạnh: Năm 2021, là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021 - 2025. Trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 trên thế giới và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, tình hình kinh tế, xã hội, thời tiết, thiên tai, môi trường.., tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh dịch bệnh, nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng tăng cao, đòi hỏi ngành Y tế cùng với các ngành, địa phương phải phấn đấu nỗ lực để đạt các mục tiêu đề ra.
Trước yêu cầu thực tế đó, tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành Y tế Ninh Bình quyết tâm đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, đón trước và tiếp nhận những thành tựu khoa học công nghệ của thế kỷ XXI, nhanh chóng tiến kịp với các nước trong khu vực, hội nhập với nền y học hiện đại. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống y tế theo hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả và có khả năng thích ứng tốt với quá trình hội nhập quốc tế. Xây dựng đội ngũ cán bộ y tế có y đức, có năng lực chuyên môn vững vàng. Bảo đảm mọi người dân được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, mở rộng tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng.
Tăng cường kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong điều trị bệnh. Trau dồi phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp, không ngừng học tập, nghiên cứu khoa học, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật hiện đại vào khám, chữa bệnh. Đẩy mạnh thực hiện Thông tư 07/2014/TT-BYT về Quy tắc ứng xử và Quyết định số 2151/QĐ-BYT về đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, xứng đáng là một trong những ngành khoa học hàng đầu của tỉnh.
P.V: Xin cảm ơn bác sỹ!
Mỹ Hạnh (Thực hiện)