Phóng viên (PV): Xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật trong công tác Hội và phong trào nông dân của tỉnh nhiệm kỳ vừa qua?
Đ/c Đinh Hồng Thái: Nhiệm kỳ qua, công tác Hội và phong trào nông dân tỉnh Ninh Bình đã phát triển khá toàn diện, vững chắc, tạo nên sự chuyển biến quan trọng về nhiều mặt, đã hoàn thành 10/11 chỉ tiêu do Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ V đề ra, một số chỉ tiêu vượt cao.
Các cấp Hội tích cực đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, giáo dục; tổ chức, chỉ đạo các phong trào thi đua, đưa Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chủ trương của tỉnh đến với nông dân; động viên nông dân phát huy truyền thống yêu nước, ý thức tự lập, tự cường, năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất, kinh doanh.
Công tác xây dựng tổ chức Hội tiếp tục được quan tâm củng cố và phát triển; nội dung, phương thức hoạt động đổi mới tích cực, công tác lãnh đạo, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, hướng mạnh về cơ sở; công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường; đội ngũ cán bộ được trẻ hóa, năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; chú trọng xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình; mở rộng quan hệ phối hợp với các cấp, các ngành, các doanh nghiệp; đa dạng hóa các hình thức tập hợp nông dân, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh. 5 năm qua toàn tỉnh đã kết nạp được 15.626 hội viên mới, nâng số hội viên toàn tỉnh đến nay là 130.363 hội viên (chiếm 88% so với hộ nông dân). 100% chi Hội có quỹ, bình quân quỹ Hội đạt 98.000 đồng/hội viên. 88% cơ sở Hội xếp loại vững mạnh, 8/8 huyện, thành phố hàng năm đều được xếp loại vững mạnh trở lên.
Vai trò, trách nhiệm của Hội trong xây dựng giai cấp nông dân ngày càng được khẳng định; các phong trào thi đua do Hội phát động tiếp tục phát triển cả bề rộng và chiều sâu, nâng cao chất lượng. Trong đó phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng" được nông dân hưởng ứng tích cực, trở thành các phong trào cách mạng sâu rộng của nông dân trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế. Toàn tỉnh có 24.562 hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, nhiều hộ có thu nhập từ 500 triệu đồng đến trên 1 tỷ đồng/năm, hàng nghìn hộ nông dân đã được giúp đỡ và tự mình vươn lên thoát nghèo.
Hoạt động dịch vụ, tư vấn hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh được đẩy mạnh; nhận thức chính trị, kiến thức khoa học kỹ thuật và trình độ sản xuất, kinh doanh của nông dân được nâng lên. Hội đã chủ trì phối hợp cung ứng hàng chục nghìn tấn phân bón các loại theo phương thức trả chậm; tín chấp cho nông dân vay gần 1.900 tỷ đồng từ các ngân hàng, nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân với lãi suất ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất.
Trong nhiệm kỳ, Ban Thường vụ Hội nông dân tỉnh đã xây dựng và triển khai Đề án "Nông dân Ninh Bình nói không với thực phẩm bẩn giai đoạn 2016 - 2020" được hội viên nông dân tích cực hưởng ứng. Trên địa bàn tỉnh có hàng trăm mô hình "Nói không với thực phẩm bẩn". Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng được 4 cửa hàng Nông sản an toàn, qua đó góp phần cung cấp các sản phẩm nông sản an toàn cho người tiêu dùng, tạo động lực giúp nông dân trong tỉnh tăng cường sản xuất, nâng cao thu nhập. Phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn, xây dựng gia đình văn hóa, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trật tự ở nông thôn được triển khai sâu rộng.
Nhờ đó, vị thế, vai trò của Hội Nông dân ngày càng được thể hiện rõ, trở thành trung tâm và nòng cốt cho các phong trào nông dân; hoạt động của Hội Nông dân đã góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, an ninh, quốc phòng, thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội do Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, XXI đã đề ra.
P.V: Đồng chí nhận định như thế nào về những cơ hội và thách thức đối với nông dân và tổ chức hội trong thời gian tới?
Đ/c Đinh Hồng Thái: Trong nhiệm kỳ tới, bên cạnh những thuận lợi của toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tạo nhiều cơ hội cho phát triển sản xuất nông nghiệp; ngành nông nghiệp đang thực hiện tái cơ cấu theo hướng phát huy lợi thế cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng. Quá trình tích tụ ruộng đất sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn, cơ giới hóa nông nghiệp tăng nhanh, sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp ngày càng phát triển. Tình hình chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước và của tỉnh tiếp tục được giữ vững.
Tuy nhiên, một số vấn đề xã hội tác động đến nông nghiệp, nông dân cần được quan tâm giải quyết như: Môi trường bị ô nhiễm, nông nghiệp chịu áp lực cạnh tranh, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu, tăng trưởng nông nghiệp giá trị còn thấp; hiệu quả sử dụng đất đai, tài nguyên chưa cao. Ngoài ra, do tác động của đô thị hóa và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tỷ lệ nông dân sẽ ngày càng giảm đi.
Tình hình trên sẽ tạo ra cả những cơ hội và thách thức đối với sự phát triển của nông nghiệp, nông dân, nông thôn, của giai cấp nông dân và tổ chức Hội Nông dân tỉnh ta trong thời gian tới, đòi hỏi tổ chức Hội Nông dân các cấp phải vươn lên ngang tầm với nhiệm vụ, đáp ứng những yêu cầu mới của thực tiễn đặt ra.
P.V: Các cấp Hội nông dân trong tỉnh sẽ tập trung triển khai những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm nào ở nhiệm kỳ 2018-2023, thưa đồng chí?
Đ/c Đinh Hồng Thái: ở nhiệm kỳ mới chúng tôi đề ra những nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm: Tập trung xây dựng tổ chức Hội và giai cấp nông dân vững mạnh với việc tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nông dân, trọng tâm là tuyên truyền, phổ biến kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là chủ trương, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tập trung xây dựng, củng cố tổ chức Hội các cấp mạnh về chính trị, thống nhất về tư tưởng và tổ chức, chấp hành nghiêm túc chủ trương sắp xếp lại tổ chức, bộ máy. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, của địa phương, Điều lệ và nghị quyết của Hội.
Đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, thúc đẩy phong trào có bước phát triển mới, thu hút đông đảo hội viên, nông dân tham gia. Đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, hỗ trợ giúp nông dân phát triển sản xuất. Vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp...
Tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và bảo vệ môi trường. Các cấp Hội tổ chức tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân chủ động, tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy về "Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững giai đoạn 2016 - 2020". Tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định 140-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc phân công các cơ quan, đơn vị phụ trách và các doanh nghiệp kết nghĩa với xã có tính chất đặc thù.
Tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia BHYT hộ gia đình, BHXH tự nguyện, góp phần thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế và các chính sách an sinh xã hội. Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án "Nông dân Ninh Bình nói không với thực phẩm bẩn".
Trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, các cấp Hội sẽ thường xuyên nắm chắc tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị, đề xuất chính đáng của nông dân; những vướng mắc, bất hợp lý trong quá trình tham gia thực hiện các chủ trương, chính sách; chủ động và có chính kiến trong việc tham mưu, đề xuất; tham gia xây dựng chủ trương, cơ chế, chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn; các chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội ở nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Nâng cao hiệu quả hoạt động tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị. Tăng cường đối thoại với cán bộ, hội viên nông dân...
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tập trung thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, tăng cường công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế.
P.V: Đồng chí có đề xuất gì với các cấp, các ngành để tạo điều kiện cho Hội nông dân các cấp trong tỉnh thực hiện tốt những giải pháp trên?
Đ/c Đinh Hồng Thái: Trước hết chúng tôi đề nghị Nhà nước, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh có cơ chế thiết thực hỗ trợ các doanh nghiệp của địa phương đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đề nghị tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện việc cấp giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất cho nông dân sau khi hoàn thành việc dồn điền, đổi thửa. Đây là một trong những điều kiện rất quan trọng để nông dân lập phương án sản xuất, kinh doanh. Chúng tôi cũng đề nghị UBND các cấp trong tỉnh quan tâm hàng năm giao nhiệm vụ cho Hội nông dân bằng các chương trình, nhiệm vụ cụ thể với nguồn lực kinh phí kèm theo, như : Xây dựng mô hình phát triển kinh tế, chuyển đổi giống mới, sản xuất nông nghiệp sạch, xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm… Kinh nghiệm cho thấy, khi được giao nhiệm vụ cụ thể, có địa chỉ rõ ràng, có nguồn lực kèm theo thì việc triển khai sẽ đạt hiệu quả thiết thực.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Đào Duy