Phóng viên (P.V): Xin đồng chí cho biết, thời gian qua công tác gia đình ở tỉnh ta được quan tâm thực hiện như thế nào?
Đồng chí Trịnh Xuân Hồng: Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh luôn quán triệt sâu sắc quan điểm: Đầu tư cho gia đình là đầu tư cho sự phát triển bền vững, đã luôn ưu tiên, bảo đảm nguồn lực, đồng thời huy động sự đóng góp của toàn xã hội cho công tác gia đình.
Đặc biệt, sau khi có Chỉ thị số 49/CT-T.Ư ngày 21-2-2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX), Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Thông tri số 30-TT/TU về "Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước", UBND tỉnh phê duyệt Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xây dựng gia đình Việt Nam tỉnh Ninh Bình, công tác gia đình trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, các gia đình đã hiểu rõ hơn về vị trí, vai trò của gia đình và công tác gia đình; có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cấp, các ngành trong việc thực hiện các mục tiêu của Chiến lược gia đình. Đặc biệt các huyện, thành phố, thị xã, các xã, phường, thị trấn đã rà soát, bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các tiêu chí thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa và các mục tiêu của Chiến lược gia đình giai đoạn 2011-2015.
Cùng với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", trong đó nội dung xây dựng "Gia đình văn hóa" là cốt lõi, đã tạo nên chuyển biến sâu sắc nhận thức trong cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân. Các ban, ngành, đoàn thể đã cụ thể hóa nội dung phong trào trong việc thường xuyên lồng ghép với các nội dung thi đua của đơn vị như phong trào: Sản xuất, kinh doanh giỏi, xóa đói, giảm nghèo; "Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền", "Nuôi con khỏe, dạy con ngoan", "Gia đình, dòng họ hiếu học"... Các gia đình thường xuyên nhắc nhở các thành viên chăm lo xây dựng gia đình hòa thuận, đoàn kết tương trợ trong cộng đồng; sống kỷ cương, giao tiếp ứng xử văn minh, gương mẫu chấp hành quy ước, hương ước của địa phương.
Việc phát động, đăng ký và tổ chức bình xét danh hiệu "Gia đình văn hóa" hàng năm ở cơ sở diễn ra công khai, dân chủ. Số lượng và chất lượng gia đình văn hóa ngày càng được nâng lên, từ 73,1% (năm 2005) lên 82,4% (năm 2011). 3 mục tiêu và 14 chỉ tiêu của Chiến lược xây dựng gia đình đã được triển khai và thực hiện có hiệu quả là động lực quan trọng xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
P.V: Trong tình hình hiện nay, công tác gia đình ở ta cần được quan tâm giải quyết ở những vấn đề nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Trịnh Xuân Hồng: Trong thời kỳ CNH - HĐH, gia đình còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Mặt trái của nền kinh tế thị trường và lối sống thực dụng ích kỷ, đề cao tự do cá nhân… đã tác động mạnh đến giá trị truyền thống và lối sống tốt đẹp trong một số gia đình. Nhiều giá trị đạo đức của gia đình đang bị mai một, có biểu hiện xuống cấp. Tệ nạn xã hội đang xâm nhập vào gia đình. Trẻ em vi phạm pháp luật, tình trạng bạo lực trong gia đình còn diễn ra. Công tác xóa đói, giảm nghèo tuy có kết quả nhưng chưa vững chắc, nguy cơ tái nghèo còn cao. Vấn đề gia tăng dân số vẫn còn là nỗi lo, nhất là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Mạng lưới y tế, giáo dục thực sự chưa đủ khả năng đáp ứng cho việc nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình. Chính vì vậy, công tác gia đình hiện nay phải quan tâm khắc phục những khó khăn, thách thức nêu trên.
Để công tác gia đình có những chuyển biến tích cực, tiếp tục quán triệt sâu sắc Thông báo kết luận số 26-TB/T.Ư ngày 29-5-2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 49-CT/T.Ư của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về Xây dựng gia đình thời kỳ CNH, HĐH đất nước; Quyết định số 629/QĐ-TTg ngày 29-5-2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030"; Quyết định số 270/QĐ-UBND ngày 26-3-2012 của UBND tỉnh Ninh Bình Phê duyệt chương trình thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" tỉnh Ninh Bình đến năm 2015, định hướng đến năm 2020.
Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với việc nâng cao chất lượng phong trào xây dựng "Gia đình văn hóa"; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể ở cơ sở nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của văn hóa gia đình và công tác xây dựng "Gia đình văn hóa", coi đây là một trong những động lực quan trọng quyết định thành công sự phát triển bền vững KT- XH ở địa phương.
Cấp ủy, chính quyền các cấp đưa nội dung công tác xây dựng "Gia đình văn hóa" vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và chương trình kế hoạch công tác hàng năm của địa phương.
Chú trọng các biện pháp nhằm duy trì và nâng cao chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa. Lồng ghép công tác gia đình với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", trong đó trọng tâm thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng làng, bản, xóm, phố văn hóa.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới…
Tiếp tục giáo dục, kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam gắn với xây dựng những giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển, từ đó đề cao trách nhiệm của mỗi gia đình trong việc xây dựng và bồi dưỡng nhân cách cho mỗi thành viên trong gia đình.
Tiếp tục nghiên cứu xây dựng các mô hình gia đình văn hóa trong thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập. Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án "Tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình"; tổ chức hoạt động mô hình xây dựng gia đình phát triển bền vững, phòng, chống bạo lực gia đình ở cộng đồng dân cư. Coi trọng việc giới thiệu các nhân tố mới, điển hình tiên tiến; đồng thời biểu dương những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa. Tăng cường đầu tư các nguồn lực cho phong trào xây dựng gia đình văn hóa kết hợp với phương châm xã hội hóa, tạo nền tảng cho sự phát triển chung của toàn xã hội. Thường xuyên tổng kết, sơ kết phong trào, đánh giá kết quả phấn đấu xây dựng gia đình văn hóa từng giai đoạn kết hợp với các phong trào khác để đạt được hiệu quả thiết thực, đưa hoạt động này thành định kỳ thường xuyên của các cấp từ tỉnh đến cơ sở.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Hồng Vân (Thực hiện)