HTX Hợp Tiến, xã Khánh Nhạc (Yên Khánh) là một trong những HTX đi đầu và áp dụng 100% diện tích gieo cấy lúa bằng phương pháp gieo thẳng, gieo vãi. Ông Vũ Văn Quyết, Giám đốc HTX Hợp Tiến cho biết: Do rét đậm, rét hại, nhiều địa phương phải lùi tiến độ gieo cấy từ 5-7 ngày, riêng HTX Hợp Tiến, do áp dụng phương pháp gieo thẳng, gieo vãi nên đã hoàn thành gieo cấy vụ đông xuân trước ngày 25-2. Hiện thời tiết nắng ấm trở lại, bà con nông dân trong HTX đang tập trung chăm sóc lúa.
Mặc dù thời gian qua lượng mưa ít, song do có sự phối kết hợp chặt chẽ với Chi nhánh Khai thác công trình thủy lợi KTCTTL huyện Yên Khánh nên việc bơm nước, phục vụ gieo cấy và chăm sóc lúa của xã viên hiện nay khá thuận lợi.
Ông Trịnh Quốc Lập, nông dân xã Khánh Hòa (Yên Khánh) cho biết: Là gia đình làm nông nhưng gia đình tôi rất thiếu lao động khi vào thời vụ. Qua nhiều năm thực hiện phương pháp gieo thẳng trong sản xuất nông nghiệp cho thấy tính ưu việt của loại hình gieo cấy này.
Đối với gia đình ông, cấy một mẫu ruộng, nếu cấy bằng mạ thường phải mất hàng chục công lao động và thời gian kéo dài từ 10 ngày đến nửa tháng, nhưng khi áp dụng phương pháp gieo thẳng, chỉ cần 2-3 lao động có thể hoàn thành 1 mẫu lúa/ngày.
Vào mùa vụ, sử dụng phương pháp gieo cấy này, người nông dân giảm được nhiều công lao động và tranh thủ làm thêm các nghề phụ nâng cao thu nhập.
Đồng chí Đinh Văn Vọng, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Khánh cho biết: Thực hiện biện pháp gieo thẳng, những năm qua, nông dân trong huyện đã tiết kiệm chi phí đầu tư sản xuất hàng chục tỷ đồng do giảm công lao động lại giải quyết được tính thời vụ.
Hiệu quả sản xuất được nâng lên, do vậy vụ sản xuất đông xuân 2016, Yên Khánh phấn đấu mở rộng diện tích gieo thẳng đạt từ 60-70%.
Để đạt mục tiêu đề ra, huyện đã triển khai và cơ bản hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa. Sau chỉnh trang đồng ruộng, mặt bằng đất canh tác của các địa phương cơ bản ổn định, hệ thống giao thông, thủy lợi từng bước được tu bổ, nâng cấp, do vậy việc mở rộng diện tích gieo thẳng khá thuận lợi.
Trước đó, chuẩn bị cho vụ sản xuất đông xuân và để đạt mục tiêu 60% trở lên diện tích gieo thẳng, huyện Yên Khánh đã chủ động kiểm tra, khảo sát, chỉ đạo các địa phương mở rộng diện tích gieo thẳng ngay từ khi xây dựng đề án sản xuất.
Đồng thời, hướng dẫn các HTX dịch vụ nông nghiệp quy hoạch diện tích gieo thẳng thành các vùng tập trung, tạo thuận lợi trong gieo cấy, chăm sóc và bảo vệ lúa.
Đối với gieo thẳng, khâu điều tiết nước được coi là quan trọng nhất, do đó, huyện đã chỉ đạo các xã phối hợp chặt chẽ, linh hoạt với Chi nhánh KTCTTL huyện để vận hành nước hiệu quả phục vụ sản xuất, bám sát quá trình sinh trưởng, phát triển của lúa gieo thẳng, nhất là giai đoạn 20 ngày đầu sau gieo vãi.
Cùng với đó, yêu cầu các HTX dịch vụ nông nghiệp chuẩn bị chu đáo các loại vật tư nông nghiệp, phân bón cung ứng phục vụ xã viên sản xuất vụ đông xuân, tăng cường kiểm tra đồng ruộng, điều tiết đủ nước tạo thuận lợi cho xã viên gieo cấy và chăm sóc lúa xuân.
Đồng chí Phạm Văn Trung, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến lâm - Khuyến ngư tỉnh cho biết: Vụ đông xuân năm nay, trên địa bàn tỉnh, diện tích gieo thẳng, gieo vãi tăng đột biến, nguyên nhân là do phương pháp này có nhiều ưu điểm hơn so với cấy lúa truyền thống như nhanh, gọn, giảm chi phí.
Theo đó, đến thời điểm đầu tháng 3, toàn tỉnh có trên 12 nghìn ha lúa được thực hiện phương pháp gieo thẳng, gieo vãi, chiếm gần 30% diện tích lúa đông xuân.
Đồng chí Giám đốc Trung tâm Khuyến nông- Khuyến lâm - Khuyến ngư tỉnh cũng lưu ý và khuyến cáo bà con nông dân, trong khâu chuẩn bị gieo cấy và chăm sóc lúa gieo thẳng đòi hỏi phải thực hiện đảm bảo các biện pháp kỹ thuật.
Theo đó, quy trình gieo cấy theo phương pháp này cần phải làm ruộng nhuyễn, phẳng, bón lót phân bón, phun thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm… Đặc biệt, khâu chăm sóc, bón thúc và bảo vệ lúa sau khi gieo tới khi kết thúc cần được quan tâm và thực hiện công phu.
Trong khâu bón phân cần cân đối, hợp lý để lúa phát triển bộ rễ chống đổ cây sau này và kết thúc đẻ sớm nên thời kỳ cây 3-4 lá cần tỉa dặm và bón thúc sớm 50% lượng urê và kali để lúa đẻ khỏe, đẻ tập trung và trỗ chín sớm tập trung.
Bón đón đòng lượng urê và kali còn lại, kết thúc bón đạm sớm để rút ngắn thời vụ, đồng thời lúa cứng cây, đanh dảnh, chống đổ và sâu bệnh tốt hơn. Đặc biệt, ngay như khâu lấy nước, khác với gieo truyền thống, gieo vãi cần lấy nước khoa học, hợp lý để cây lúa sinh trưởng.
Với diện tích lúa gieo thẳng, khi lúa đã đạt 2 lá thì cần đưa nước vào để bón nhử. Với những diện tích mới gieo cần thường xuyên duy trì nước ở rãnh và đủ ẩm trên mặt. Sau khi lúa đã đạt 4-5 lá thì tiếp tục đưa nước vào để bón thúc cho lúa đẻ nhánh.
Bón thúc theo phương châm cân đối N-P-K và "nặng đầu, nhẹ cuối" để lúa đẻ nhánh tập trung. Khi kết hợp với bón thúc, bà con nông dân cần tiến hành dặm, tỉa đảm bảo mật độ cho lúa, tránh để quá dày sẽ tạo điều kiện cho các ổ bệnh phát sinh, nhất là với các giống mẫn cảm, giống chất lượng như BT7, HT1.
Thực tế các vụ sản xuất trước cho thấy, phương pháp gieo thẳng có sự ưu việt vượt trội so với cấy truyền thống, đặc biệt, nếu áp dụng đầy đủ các biện pháp kỹ thuật có thể cho năng suất cao không kém gì lúa cấy và điều quan trọng hơn là rút ngắn được thời vụ, lúa sẽ trỗ vào khung thời vụ, đảm bảo đạt năng suất, chất lượng và giá trị trên đơn vị diện tích canh tác.
Huy Hoàng