Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và công tác thu ngân sách nhà nước (NSNN) nói riêng. Cùng với việc hỗ trợ doanh nghiệp, người nộp thuế gặp khó khăn, thời gian qua Cục Thuế Ninh Bình đã tập trung triển khai các giải pháp quản lý chặt chẽ nguồn thu nhằm thu đúng, thu đủ các khoản thuế phát sinh vào ngân sách nhà nước (NSNN).
Thu thuế nội địa đảm bảo đà tăng trưởng
Theo ông Hà Văn Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, trong 6 tháng đầu năm Cục Thuế tỉnh triển khai nhiệm vụ công tác thuế trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước và của tỉnh gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh. Đặc biệt là dịch COVID-19 đã lan rộng làm hầu hết các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng, nhiều doanh nghiệp phải giảm công suất hoặc tạm dừng hoạt động do gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên, vật liệu đầu vào và thiếu thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh đó, việc triển khai Nghị định số 41/NĐ-CP của Chính phủ về việc gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Bộ Tài chính đề xuất nâng mức giảm gia cảnh của người nộp thuế thu nhập cá nhân… đã ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thu NSNN của cơ quan thuế.
Trước những khó khăn trên, Cục Thuế tỉnh đã chỉ đạo xây dựng và giao dự toán sớm, sát với tốc độ tăng trưởng kinh tế, gắn với thu hồi nợ đọng và chống thất thu ngân sách, tạo điều kiện để các đơn vị chủ động tổ chức triển khai thực hiện.
Đồng thời, thường xuyên thực hiện rà soát, phân tích, đánh giá tiến độ thu, chỉ ra những khoản thu, sắc thuế, những đơn vị, địa bàn tiến độ thu đạt thấp, phân tích rõ nguyên nhân, những khó khăn, vướng mắc, từ đó tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo nhiều giải pháp triển khai có hiệu quả. Ngành cũng tích cực triển khai gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho doanh nghiệp theo Nghị định 41 của Thủ tướng Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khắc phục khó khăn, nhanh chóng khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, đơn vị cũng chỉ đạo các phòng, các chi cục thuế khu vực triển khai có hiệu quả các giải pháp về nghiệp vụ như: tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế; công tác đôn đốc và xử lý nợ; công tác chống thất thu ngân sách....
Với sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, ngành, đặc biệt là ngành Thuế và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, người nộp thuế, số thu thuế nội địa vẫn đảm bảo đà tăng trưởng và Ninh Bình được đánh giá có tiến độ thu ngân sách đạt khá so với nhiều địa phương trong cả nước. Tổng thu nội địa do ngành Thuế quản lý trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm ước đạt 5.955 tỷ đồng, đạt 65,8% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng trưởng 25,5% so với cùng kỳ.
Trong đó, thu từ thuế, phí, lệ phí và thu khác ngân sách ước đạt 4.565 tỷ đồng, đạt 58,9% dự toán HĐND tỉnh, tăng trưởng 56,2% so với cùng kỳ; thu tiền sử dụng đất ước đạt 1.390 tỷ đồng, đạt 106,9% dự toán HĐND tỉnh, bằng 76,3% so với cùng kỳ. Có 5/15 khoản thu có tăng trưởng cao với cùng kỳ năm trước: Thuế công thương nghiệp và dịch vụ khu vực ngoài quốc doanh tăng hơn 90%; thu tiền cho thuê mặt đất, mặt nước tăng 159%; thu khác ngân sách tăng 52%; thu từ doanh nghiệp nhà nước địa phương tăng 36,9%; thuế thu nhập cá nhân tăng 11,7%.
Nỗ lực hoàn thành dự toán được giao
Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Hà Văn Hiếu cho rằng, trong bối cảnh ngành Thuế thực hiện nhiệm vụ kép vừa hỗ trợ người nộp thuế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, vừa đảm bảo số thu NSNN, thì nhiệm vụ thu NSNN trong 6 tháng cuối năm sẽ hết sức nặng nề.
Với mục tiêu phấn đấu hoàn thành, hoàn thành vượt so với dự toán NSNN HĐND giao năm 2020 là 9.050 tỷ đồng và hoàn thành chỉ tiêu phấn đấu Tổng cục Thuế giao là 11.752 tỷ đồng, Cục Thuế sẽ tập trung cao cho công tác quản lý thuế, chống thất thu, góp phần tăng thu ngân NSNN. Trong đó, ngành tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2020.
Đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế; triển khai chương trình áp dụng hóa đơn điện tử cho doanh nhiệp, đẩy mạnh việc hoàn thuế điện tử cho các doanh nghiệp đủ điều kiện, duy trì tỷ lệ doanh nghiệp kê khai thuế qua mạng và nộp thuế điện tử luôn đạt từ 98% trở lên... Công tác kê khai, kế toán thuế tiếp tục được tập trung triển khai để kịp thời phát hiện các trường hợp khai sai, phối hợp với doanh nghiệp để điều chỉnh kịp thời theo quy trình, đảm bảo 100% hồ sơ khai thuế được kiểm soát chặt chẽ, đúng quy định.
Đối với công tác thanh tra, kiểm tra thuế, ngành tập trung kiểm tra, rà soát số lượng doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, số lượng doanh nghiệp tạm nghỉ kinh doanh, ngừng hoạt động, đảm bảo đưa vào quản lý thuế đối với 100% doanh nghiệp có kinh doanh. Thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao về thuế, đặc biệt là chú trọng công tác kiểm tra sau hoàn thuế, hạn chế tối đa hiện tượng lợi dụng thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát để khai không đúng hồ sơ hoàn thuế GTGT nhằm chiếm đoạt số tiền hoàn thuế của nhà nước.
Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp của cả hệ thống chính trị trong việc quản lý, thu hồi nợ đọng thuế. Thực hiện rà soát, phân tích và phân loại nợ, từ đó triển khai đồng bộ các biện pháp đôn đốc, xử lý nợ; phân tích rõ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhằm động viên và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời theo dõi sát số tiền thuế được gia hạn để đôn đốc kịp thời số tiền đã hết thời hạn gia hạn nộp thuế.
Kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ thuế để thu hồi nợ đọng thuế, nỗ lực kéo giảm nợ thuế đến thời điểm 31/12/2020 không vượt quá 5% so với số tổng thu NSNN đúng theo tinh thần chỉ đạo của Tổng cục Thuế. Ngoài ra, ngành Thuế tập trung triển khai đầy đủ, kịp thời, có hiệu quả Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội về "khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước" có hiệu lực từ ngày 1/7/2020.
Cùng với việc quản lý chặt chẽ các nguồn thu, góp phần tăng thu ngân sách, Cục Thuế Ninh Bình tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP và Quyết định số 42/2020/QĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ.
Triển khai hỗ trợ, hướng dẫn người nộp thuế nộp giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất thông qua một trong các ứng dụng thuế điện tử và thực hiện gia hạn theo đúng quy định, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người nộp thuế đi vào hoạt động, sản xuất, kinh doanh. Cục Thuế tỉnh tiếp tục thực hiện tốt chỉ đạo của các cấp lãnh đạo về việc hạn chế tối đa các cuộc thanh tra, kiểm tra nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất sau dịch COVID-19.
Thực hiện rà soát chặt chẽ hồ sơ khai thuế của người nộp thuế trước khi tiến hành thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế, không tổ chức kiểm tra định kỳ trong năm 2020 đối với các doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm.
Hồng Giang - Anh Tuấn