Đồng chí Lê Thị Lựu, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, thành viên Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh cho biết: Thời gian qua Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ, các cấp, ngành đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức về công tác phụ nữ và bình đẳng giới, trong đó chú ý tới các đối tượng ở vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn của tỉnh. Đặc biệt, để bảo đảm bình đẳng giới trong đời sống gia đình, từng bước xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh đã phối hợp với các cấp, các ngành tăng cường tuyên truyền phổ biến và giáo dục pháp luật cho mọi tầng lớp nhân dân về Luật bình đẳng giới, Luật phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Trẻ em. Một số đơn vị, địa phương đã có nhiều cách truyền thông đa dạng, phù hợp như: các cấp Công đoàn tổ chức tuyên truyền, vận động người sử dụng lao động quan tâm đầu tư xây dựng nhà vệ sinh, phòng thay quần áo cho nữ, khám sức khỏe định kỳ, khám phụ khoa cho nữ CNLĐ, trích quỹ phúc lợi chi cho công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe bà mẹ, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội xây dựng và duy trì có hiệu quả hoạt động của 2 mô hình CLB phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới tại xã Khánh Nhạc (huyện Yên Khánh) và xã Mai Sơn (huyện Yên Mô); huyện Yên Khánh triển khai mô hình câu lạc bộ hỗ trợ phụ nữ có nguy cơ bị ép kết hôn với người nước ngoài tại xã Khánh Phú; huyện Yên Mô xây dựng mô hình điểm "địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh tại cộng đồng" tại xã Mai Sơn; các cấp Hội Phụ nữ thường xuyên tổ chức các diễn đàn "Là con gái thật tuyệt", "phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em"... Thông qua tuyên truyền đã từng bước nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trong cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể chính trị- xã hội và các tầng lớp nhân dân.
Hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ và thực hiện bình đẳng giới được thể hiện rõ nét trong việc thực hiện và hoàn thiện các chính sách hỗ trợ phụ nữ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, giáo dục, y tế... Theo đó, trong lĩnh vực chính trị, các sở, ngành, địa phương đã chủ động lồng ghép chỉ tiêu tăng cường sự tham gia của nữ giới vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, do đó tỷ lệ phụ nữ Ninh Bình tham chính ngày càng tăng, góp phần từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị. Đến nay, ở cấp tỉnh có 8/48 đồng chí là nữ cấp ủy, đạt 17% (tăng 1,3% so với nhiệm kỳ trước), có 2 đồng chí nữ/15 đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đạt 13,3 % (tăng 1 đồng chí so với nhiệm kỳ trước). Cấp huyện và tương đương có 15 nữ ủy viên thường vụ Đảng ủy, đạt 12% (tăng 1 ủy viên so với nhiệm kỳ trước). Cấp xã có 52 nữ ủy viên Ban Thường vụ, đạt 18%, trong đó có 6 nữ Bí thư, 29 nữ Phó Bí thư. Tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội, HĐND các cấp ngày càng có xu hướng tăng, chiếm từ 20-30,5%. Cán bộ nữ giữ các chức danh chủ chốt các cấp được tăng cường. Theo đó đã có 31/59 sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị cấp tỉnh có nữ trong Ban lãnh đạo chủ chốt; 30,3% cán bộ nữ là trưởng, phó các phòng, ban cấp huyện và nhiều đồng chí giữ cương vị chủ chốt cấp xã.
Trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, các cấp, ngành, địa phương đã chú trọng đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho phụ nữ, nhất là phụ nữ ở khu vực nông thôn, miền núi. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã tổ chức dạy nghề cho 7.912 người, trong đó có 4.035 người là nữ, chiếm 51%; đã tạo việc làm mới cho 11.252 lao động, trong đó lao động nữ 5.794 người, chiếm 51%. Ngoài ra, nhằm trang bị các kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ trong các vấn đề phát triển kinh tế, xã hội, pháp luật, các cấp, ngành đã tăng cường đối thoại với cán bộ, hội viên phụ nữ, tổ chức tuyên truyền kết hợp với tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý lưu động... 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã tổ chức 450 buổi tuyên truyền về Luật Tiếp Công dân, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, Luật phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Đất đai... cho trên 35.550 người tham gia; đã tư vấn, trợ giúp pháp lý cho 125 người về các lĩnh vực: hôn nhân gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình, tranh chấp đất đai các chính sách về bảo hiểm xã hội...
Tuy nhiên, theo đồng chí Lê Thị Lựu: mặc dù đạt được một số kết quả nhất định, song hiện nay công tác nữ và bình đẳng giới vẫn còn gặp không ít khó khăn, đó là đội ngũ cán bộ giúp việc Ban vì sự tiến bộ phụ nữ các sở, ban, ngành, địa phương chủ yếu làm kiêm nhiệm, chưa được đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về nghiệp vụ bình đẳng giới, vì vậy ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng công tác tham mưu. Mặt khác, vẫn còn có những vấn đề nổi cộm đã tác động không nhỏ đến sự tiến bộ của phụ nữ như: Tình trạng bạo lực trên cơ sở giới vẫn còn diễn ra dưới nhiều hình thức, nạn nhân chủ yếu vẫn là phụ nữ. Đặc biệt, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em đang ngày càng trở thành vấn đề bức xúc trong xã hội. Trong 6 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn tỉnh phát hiện 6 vụ xâm hại tình dục trẻ em với 7 trẻ em bị xâm hại tình dục. Đây thực sự là một vấn nạn cần sự lên tiếng và hành động của toàn thể cộng đồng. Cùng với đó, rất cần sự quan tâm vào cuộc tích cực hơn nữa của các cấp, ngành trong công tác phụ nữ, đặc biệt là thực hiện tốt các mục tiêu bình đẳng giới, góp phần xây dựng xã hội văn minh.
Mai Lan