Đánh giá về những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống dịch bệnh của tỉnh Ninh Bình thời gian qua, đồng chí Vũ Mạnh Dương, Giám đốc Sở Y tế, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh ngành Y tế, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh Ninh Bình cho biết: Công tác phòng, chống dịch bệnh được sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo các cấp và chỉ đạo nhất quán của UBND tỉnh, với quan điểm xuyên suốt là chống dịch như chống giặc. Ngành Y tế đã phối hợp với các lực lượng triển khai nghiêm túc các biện pháp quyết liệt phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, nhanh chóng rà soát, mua sắm, chuẩn bị trang thiết bị, phương tiện, hóa chất vật tư, thuốc sẵn sàng phục vụ công tác giám sát, cách ly, xử lý ổ dịch, xét nghiệm, điều trị và cấp cứu bệnh nhân phục vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Đặc biệt, ngành Y tế và các cơ quan, đơn vị, địa phương đã vào cuộc tích cực giúp người dân nhận thức rõ tính chất nguy hiểm của dịch bệnh COVID-19, góp phần không để dịch bệnh lây lan trên địa bàn tỉnh.
Kết quả, tính từ khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện đến ngày 18/3/2021, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã phát hiện và điều trị cho 34 ca bệnh, trong đó, đã điều trị khỏi và xuất viện cho 33 ca bệnh, chuyển 1 ca bệnh điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Tổng số trường hợp được cách ly và giám sát là 16.665 trường hợp; trong đó, cách ly tại cơ sở y tế là 627 trường hợp, cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung là 3.762 trường hợp và cách ly y tế tại nhà và nơi lưu trú là 12.276 trường hợp. Ngành Y tế cũng đã lấy tổng số 38.253 mẫu bệnh phẩm/25.820 ca bệnh để xét nghiệm SARS-CoV-2. Kết quả, số ca đã có kết quả dương tính là 34; số ca đã có kết quả âm tính là 25.785, không có trường hợp nào đang chờ kết quả xét nghiệm. Trong đó, tính riêng từ đợt dịch thứ 3, từ ngày 25/1/2021 đến nay, số trường hợp được quản lý giám sát và theo dõi là hơn 4.000 trường hợp; số mẫu xét nghiệm được lấy là hơn 20.000 mẫu (chiếm hơn 2 lần tổng số mẫu xét nghiệm được lấy từ đầu dịch đến 25/1/2021) và không phát hiện trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thời gian qua, nhưng qua đánh giá thực tế, vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Đó là, các đối tượng nguy cơ, nhất là người nhập cảnh trái phép, người đi từ các địa phương khác về, chính quyền địa phương khó nắm bắt hết nếu họ không tự giác khai báo để kịp thời theo dõi, quản lý. Một bộ phận người dân vẫn còn chủ quan, chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Sự phối hợp giữa các lực lượng tham gia phòng, chống dịch thời gian đầu còn lúng túng, chưa đồng bộ. Cùng với đó, do chưa có kinh nghiệm trong hoạt động phòng, chống dịch, cộng với diễn biến phức tạp của dịch bệnh trong quá trình thực hiện còn gặp khó khăn khi thiếu nguồn nhân lực, vật tư, trang thiết bị, hóa chất...
Đồng chí Vũ Mạnh Dương, Giám đốc Sở Y tế, Trưởng BCĐ phòng, chống dịch bệnh ngành Y tế cho biết thêm: Hiện nay, theo nhận định của các chuyên gia y tế, mặc dù tình hình dịch bệnh trên địa bàn cả nước cơ bản đã được kiểm soát, ngăn chặn lây lan trên diện rộng. Tuy nhiên, nguy cơ bùng phát dịch vẫn luôn thường trực, đặc biệt đối với các đô thị lớn, nơi tập trung đông người, có mật độ dân số cao; bên cạnh đó là nguy cơ xâm nhập dịch bệnh do tình trạng nhập cảnh trái phép... Từ đó, trên tinh thần chỉ đạo của Trung ương phải đạt được mục tiêu kép: "vừa đảm bảo phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội" và "sống an toàn với dịch". Vì vậy, cần chủ động cập nhật những hướng dẫn, chỉ đạo của tuyến trên và tình hình dịch bệnh tại địa phương để tham mưu các phương án, hành động kịp thời, ứng phó hiệu quả với các tình huống dịch bệnh.
Trước mắt duy trì các biện pháp phòng, chống dịch đã được Ban Chỉ đạo tỉnh phê duyệt trong thời điểm này, phù hợp với sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia, vừa chống dịch vừa đảm bảo phát triển kinh tế. Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Xây dựng kế hoạch đảm bảo công tác y tế, phòng, chống dịch bệnh phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Trong đó lưu ý tình huống có dịch bệnh xảy ra, có cử tri phải cách ly, điều trị nhưng vẫn thực hiện việc bầu cử.
Để công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đạt hiệu quả trong thời điểm hiện nay, ngành Y tế đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội tại các địa phương tiếp tục thống nhất nhận thức, hành động, quán triệt quan điểm "chống dịch như chống giặc"; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân, trong đó ngành Y tế là nòng cốt; vừa chống dịch kịp thời nhưng vừa đảm bảo phát triển kinh tế-xã hội. Các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội chủ động xây dựng các kịch bản, bổ sung kế hoạch, phương án ứng phó với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra. Tăng cường phối hợp với ngành Y tế trong chia sẻ thông tin giám sát người nguy cơ và lấy mẫu xét nghiệm, cũng như nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại đơn vị.
Cùng với đó, củng cố, rà soát và dự phòng các cơ sở cách ly tập trung đủ năng lực đáp ứng với các tình huống dịch bệnh (các cơ sở quân đội và ngoài quân đội có thu phí). UBND các huyện chỉ đạo UBND các xã, các trưởng thôn nắm chắc biến động dân cư trong các thôn xóm, kịp thời phát hiện những trường hợp người dân đi làm ăn xa từ vùng có dịch trở về (người nhập cảnh trái phép, người về từ các vùng dịch trong nước), phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế để cách ly, theo dõi, giám sát. Thêm vào đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, các ngành có phương án đảm bảo hậu cần cơ bản, lâu dài cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ cho ngành Y tế có điều kiện tập trung thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, không để thiếu sinh phẩm, hóa chất, trang thiết bị chống dịch.
Hiện tại, tỉnh Ninh Bình chưa triển khai tiêm vắc xin COVID-19 vì chưa được Trung ương phân bổ vắc xin. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, ngay cả khi được tiêm phòng vắc xin, chiến lược đẩy lùi dịch bệnh cần kết hợp chặt chẽ giữa "vắc xin + 5K", không thể có vắc xin mà lơ là, chủ quan với dịch bệnh. Bởi dịch bệnh luôn có những biến chủng không ngờ, với tốc độ lây lan ngày càng nhanh, mạnh hơn. Do vậy, trong tình hình hiện nay, để chung sống an toàn, dần xác lập trạng thái bình thường mới với dịch bệnh COVID-19, cùng với tiêm phòng vắc xin, phải tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp y tế cộng đồng và thực hiện thông điệp "5K" của Bộ Y tế (khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tụ tập - khai báo y tế) - đó chính là cách phòng, chống đại dịch tối ưu và hiệu quả nhất.
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh