Giờ đây, có dịp về thăm quan, thưởng ngoạn Khu du lịch sinh thái đất ngập nước Vân Long, xã Gia Vân (Gia Viễn), hầu hết khách du lịch đều hài lòng với cách làm du lịch của những người dân nơi đây. Không còn cảnh tranh giành, mời gọi khách í ới mua hàng, mua quà lưu niệm như nhiều năm trước; cũng không còn cảnh ngạc nhiên bàn tán, chỉ trỏ bởi những "ông tây, bà đầm" xì xồ tiếng Anh, tiếng Pháp như gần chục năm trước; mà thay vào đó là nụ cười thân thiện, cởi mở, ánh mắt tươi vui, giọng tiếng Anh, tiếng Pháp "bồi" nhưng lịch sự của những người làm dịch vụ du lịch tại nơi này. Có được sự bài bản, chuyên nghiệp đó là cả quá trình chỉ đạo cùng vào cuộc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Gia Vân trong xây dựng nếp sống văn minh du lịch.
Nhận thức được thế mạnh của mình, ngay khi bắt tay vào triển khai phát triển kinh tế bằng du lịch, Đảng bộ xã đã ra Nghị quyết về phát triển du lịch cộng đồng, trong đó quan tâm đến việc nâng cao ý thức cho người dân nhằm phát triển dịch vụ du lịch theo hướng chuyên nghiệp, bền vững. Theo đó, xã chủ động xây dựng chương trình vận động quần chúng thực hiện nếp sống văn minh du lịch, trọng tâm là mô hình "Toàn dân đoàn kết tham gia giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng nếp sống văn minh Khu du lịch sinh thái Vân Long". Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên… cùng vào cuộc tuyên truyền nâng cao ý thức văn minh du lịch cho hội viên, đoàn viên, nhất là những đối tượng trực tiếp làm du lịch như chị em chèo đò, người bán hàng lưu niệm; trong đó chú trọng đến kỹ năng giao tiếp, ứng xử với khách đến tham quan, du lịch; khuyến khích hội viên, đoàn viên tuyên truyền, vận động gia đình và người thân cùng thực hiện. Hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, bằng tờ rơi, áp phích, đặc biệt thông qua đài truyền thanh xã và tổ chức các hội nghị lồng ghép tuyên truyền nâng cao nhận thức về du lịch cho các đoàn viên, hội viên đã không ngừng nâng cao nhận thức về du lịch cho người dân, trở thành nội quy, quy ước để mọi người cùng thực hiện. Cùng với đó, hàng năm, nhằm không ngừng nâng cao ý thức của người dân về phát triển du lịch bền vững, Gia Vân đều phối hợp với các đơn vị có liên quan mở các lớp tập huấn về kiến thức du lịch, văn hóa ứng xử đối với du khách cho người làm dịch vụ du lịch, đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp khai thác du lịch trên địa bàn đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu về du lịch địa phương, quan tâm giải quyết việc làm cho lao động nông nhàn.
Với những cách làm quy củ, dài hơi, đến nay Khu du lịch sinh thái đất ngập nước Vân Long trở thành nơi hoạt động du lịch chuyên nghiệp, bài bản. Những người tham gia dịch vụ chở đò, chụp ảnh, nhà hàng, khách sạn tại Khu du lịch đều phải ký cam kết giữ gìn an ninh trật tự, thực hiện tốt các nội quy của khu du lịch. Mỗi thuyền tham gia chèo đò ở khu du lịch đều có thông báo công khai để khách biết được giá cả, đường đi đến các điểm tham quan, thời gian thực hiện tuyến du lịch. Đã không còn tình trạng bán hàng rong trong khu vực hoạt động du lịch, không xảy ra hiện tượng chèo kéo, nài ép khách chụp ảnh, mua hàng; không còn tình trạng xin tiền bồi dưỡng của khách; không chở khách khi không có vé đò; không cắt giảm các tuyến du lịch của khách; hầu hết người làm dịch vụ du lịch đã có phong cách giao tiếp, ứng xử văn minh, lịch sự... Được biết, huyện Gia Viễn đã có chủ trương mở rộng khu kinh doanh, bán hàng lưu niệm cho khách, đảm bảo các điểm bán hàng được bố trí phù hợp, không ảnh hưởng đến cảnh quan chung và tạo điều kiện cho khách tham quan được tìm hiểu, mua sắm hợp lý… Ngoài ra, xã Gia Vân cũng đặc biệt quan tâm đến công tác đảm bảo an ninh trật tự, đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn nhằm xây dựng hình ảnh của một khu du lịch xanh, sạch, văn minh, thân thiện... tạo sự thoải mái, để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách khi đến với Vân Long. Với cách làm bài bản, khoa học và ý thức tốt của người dân, Khu du lịch sinh thái đất ngập nước Vân Long được ghi nhận là khu du lịch cộng đồng hiệu quả, văn minh với số lượng khách du lịch đến tham quan ngày càng tăng. Mỗi năm có từ 50 - 70 nghìn lượt du khách đến tham quan, thưởng ngoạn; doanh thu từ hoạt động du lịch hàng năm luôn đạt hàng tỷ đồng, giải quyết việc làm cho trên 500 lao động với mức thu nhập ổn định.
Chọi gà - trò chơi dân gian được tổ chức tại Lễ hội Cố đô Hoa Lư năm 2012.
Lễ hội truyền thống Cố đô Hoa Lư vừa diễn ra được hơn 10 ngày nhưng vẫn để lại trong lòng khách trẩy hội những ấn tượng rất tốt đẹp. Chị Đặng Thu Huyền, du khách từ Hà Nội chia sẻ: Có người quen tại xã Trường Yên nên hàng năm vào ngày mở hội tôi đều bố trí để về. Hội năm nay diễn ra cùng với nhiều sự kiện của tỉnh chào mừng 20 năm tái lập tỉnh, 5 năm thành lập thành phố Ninh Bình nên càng có thêm khí thế. Nhiều năm tham gia lễ hội, tôi thấy mỗi năm đều có sự thay đổi tích cực theo hướng ngày càng văn minh, ấn tượng nhưng vẫn giữ được nét truyền thống... Chia sẻ của chị Huyền cũng là nhận định của nhiều du khách tham gia lễ hội Cố đô Hoa Lư năm nay. Đã không còn tình trạng ăn mày, ăn xin đeo bám du khách; các quán bán hàng lưu niệm cũng như ăn uống được quy hoạch trật tự theo hàng lối, từng khu vực nhất định, yêu cầu các hộ gia đình tham gia kinh doanh đăng ký thực hiện nếp sống văn minh; các hoạt động bán hàng, chụp ảnh, xe ôm được chấn chỉnh và đưa vào nền nếp; các hoạt động bên lề như các trò chơi dân gian, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao… cũng được bố trí hài hòa, phù hợp, đảm bảo thực sự vui tươi, lành mạnh.
Đồng chí Vũ Văn Huân, Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư, Trưởng Ban tổ chức lễ hội cho biết: Là địa phương có nhiều lễ hội truyền thống diễn ra trong năm, không chỉ riêng ở lễ hội truyền thống Cố đô Hoa Lư, mà ở nhiều lễ hội khác như hội đền Thái Vi, hội chùa Bích Động… huyện xác định, mỗi dịp lễ hội là cơ hội thu hút du khách về với Ninh Bình, là dịp thích hợp để huyện quảng bá, giới thiệu những tiềm năng về vùng đất, con người Hoa Lư nói riêng, mảnh đất và con người Ninh Bình nói chung, do đó công tác xây dựng nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội được huyện chú trọng, quan tâm, đảm bảo mỗi người dân, mỗi khách du lịch khi đến tham quan, du lịch, dự hội đều cảm thấy hài lòng, thoải mái, yên tâm và hẹn ngày quay lại. Cùng với việc đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân khi tham gia lễ hội đến việc phục vụ lễ hội và triển khai hoạt động du lịch, dịch vụ tại lễ hội, huyện Hoa Lư đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức, tham gia lễ hội triển khai thực hiện tốt việc đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, tăng cường công tác kiểm tra, kiên quyết xử lý các vi phạm tại các lễ hội như: các trò chơi mang tính ăn thua, cá cược, người hành nghề bói toán, xóc thẻ... nhằm đảm bảo nếp sống văn minh khi tổ chức lễ hội, ngăn chặn tình trạng mê tín dị đoan, hướng người dân tham gia vào các hoạt động văn hóa tinh thần lành mạnh, tươi vui. Qua tổ chức các lễ hội ở nhiều địa bàn trong huyện cho thấy, hầu hết không để xảy ra các tình trạng đáng tiếc như trộm cắp tài sản, gây rối trật tự công cộng, tai nạn giao thông... ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
Vài năm gần đây, các khu, điểm du lịch và những lễ hội truyền thống trên địa bàn tỉnh ta đang có những thay đổi, dần đi vào quy củ, văn minh. Tuy nhiên, vẫn còn một số khu, điểm du lịch và lễ hội vẫn xảy ra tình trạng "chặt, chém" du khách, lợi dụng lễ hội để hành nghề mê tín dị đoan, cá cược ăn tiền, gây ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự… Trong khi đó, ý thức của người tham gia lễ hội cũng còn nhiều hạn chế. Để xây dựng nếp sống văn minh trong hoạt động tổ chức lễ hội theo đúng tinh thần Chỉ thị 27-CT/T.Ư của Bộ Chính trị (khóa VIII) về "Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội", đặc biệt thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ ngày 9-2-2011 về chấn chỉnh công tác tổ chức và quản lý lễ hội trên cả nước; tích cực thực hiện Nghị quyết số 15 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện… Tuy nhiên để khắc phục những hạn chế còn tồn tại ở một số điểm du lịch, lễ hội, thiết nghĩ cần có sự nỗ lực từ nhiều phía. Một mặt tăng cường công tác tổ chức quản lý các điểm du lịch, lễ hội theo sự phân công, phân nhiệm hợp lý của cấp ủy, chính quyền các cấp, đảm bảo thông suốt, không chồng chéo, mặt khác đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục ý thức cho khách tham quan du lịch, lễ hội, quan tâm, chú trọng hơn nữa đến việc xây dựng nếp sống văn minh tại các điểm du lịch, lễ hội…
Hạnh Chi