Chăm sóc người có công với cách mạng vừa là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, vừa là trách nhiệm, nghĩa tình của toàn dân. ở tỉnh ta, trong nhiều năm qua, thấm sâu đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể luôn quan tâm chăm lo cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Công tác quản lý và thực hiện các chính sách ưu đãi người có công được triển khai kịp thời, đúng đối tượng. Phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" đã trở thành phong trào sâu rộng, nét đẹp văn hóa, phát huy được sức mạnh của cả cộng đồng chăm lo đời sống vật chất và tinh thần đối với gia đình chính sách, người có công.
Các hoạt động chăm sóc đời sống người có công được duy trì thường xuyên, xã hội hóa một cách rộng rãi. Hàng năm, trong các dịp lễ, Tết và ngày thương binh, liệt sĩ 27/7, các cấp, các ngành đã tổ chức tốt việc thăm hỏi, tặng quà cho đối tượng chính sách. Tỉnh ta cũng triển khai thực hiện tốt việc xây dựng nhà tình nghĩa, vận động xây dựng quỹ "Đền ơn đáp nghĩa", tặng sổ "Tiết kiệm tình nghĩa", tổ chức khám, chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho người có công. UBND tỉnh cũng đã phân công các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng đến hết đời các Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được phong tặng qua các đợt. Đến năm 2013, có 145/145 xã, phường, thị trấn trong tỉnh được công nhận là xã, phường thực hiện tốt công tác thương binh liệt sĩ, người có công. Đến hết năm 2016, toàn tỉnh có 99% hộ gia đình chính sách có mức sống cao hơn hoặc bằng mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú, đạt chỉ tiêu của toàn quốc giai đoạn 2016-2020. Bên cạnh đó, tỉnh ta cũng đã thực hiện tốt công tác quản lý mộ, nghĩa trang liệt sĩ, các công trình tưởng niệm liệt sĩ, đáp ứng yêu cầu tâm linh thành kính nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ, mang tính giáo dục truyền thống cách mạng sâu sắc. Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác chăm sóc người có công. UBND tỉnh đã có Kế hoạch số 46/KH-UBND, ngày 4/5/2017 về việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2017). UBND tỉnh yêu cầu các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, các huyện, thành phố chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện, đẩy mạnh các hoạt động tri ân, đền ơn đáp nghĩa.
Theo đó, tập trung tuyên truyền về sự hy sinh, cống hiến của các anh hùng liệt sỹ, thương binh và người có công đối với sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuyên truyền về gương người tốt, việc tốt của thương binh, gia đình liệt sĩ; các điển hình tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào "Đền ơn đáp nghĩa".
Các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện tốt chế độ chính sách thương binh liệt sỹ và người có công với cách mạng; nâng cao chất lượng phong trào nhận phụng dưỡng suốt đời các Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống trên địa bàn tỉnh; chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần đối với người có công với cách mạng; vận động xây dựng quỹ "Đền ơn đáp nghĩa"; xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm, các đồ dùng tình nghĩa, các công trình, vườn cây, ao cá, bể nước tình nghĩa; khám và tư vấn chữa bệnh miễn phí...
Tiếp tục thực hiện hỗ trợ người có công có khó khăn về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ/TTg khi được Trung ương hỗ trợ kinh phí. Cùng với các hoạt động trên, trong dịp này các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị căn cứ vào điều kiện thực tế để lựa chọn tổ chức hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu, hoặc giao lưu gặp mặt người có công, thăm hỏi, tặng quà người có công và gia đình chính sách...
Kỷ niệm 70 năm ngày thương binh - liệt sỹ là dịp để chúng ta bày tỏ sự tri ân, lòng biết ơn đối với các anh hùng liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, đây cũng là dịp để các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống, đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" "Ăn quả nhớ người trồng cây" trong toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Minh Châu