Từ sau Đại hội XII của Đảng đến nay, cùng với những thành tựu quan trọng đạt được về kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại… công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng đã có những chuyển biến tích cực, rõ rệt, cả về phòng ngừa và phát hiện, xử lý tham nhũng. Trong phạm vi cả nước, nhiều vụ đại án về tham nhũng, nhiều cán bộ, đảng viên trong đó có cả cán bộ cao cấp đã bị điều tra, truy tố, xét xử và nhận những bản án thích đáng về các tội tham ô, tham nhũng, làm trái quy định của Nhà nước…..
Nhiều vụ án khác đang được chỉ đạo điều tra, chuẩn bị xét xử… làm nức lòng người dân, đem lại niềm tin cho tuyệt đại bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Chưa bao giờ, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được tập trung chỉ đạo quyết liệt và có hiệu quả như thời gian qua. Trong 2 năm (2016-2017) thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 1.300 đảng viên vi phạm về tham nhũng, cố ý làm trái, trong đó kỷ luật 1 ủy viên Bộ Chính trị, 2 ủy viên Trung ương, 6 đồng chí nguyên ủy viên Trung ương và nhiều cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý….
Đối với tỉnh Ninh Bình, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng luôn được Thường trực, Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng các cơ quan chức năng và cấp ủy, chính quyền các cấp coi trọng. Tổng kết 10 năm (2006-2016) thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, tỉnh ta đã tiến hành 2.806 cuộc thanh, kiểm tra, phát hiện sai phạm về kinh tế 364,5 tỷ đồng; 411,9ha đất; 3,2 tấn gạo.
Đã xử lý hành chính 3 tập thể, 25 cá nhân, kiểm điểm rút kinh nghiệm 336 tổ chức, cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 2 vụ việc để xử lý theo quy định của pháp luật. Việc thu hồi tài sản tham nhũng đã thi hành xong 8 vụ việc được 15.219 triệu đồng… Năm 2017, ủy ban kiểm tra các cấp đã tiến hành kiểm tra 188 tổ chức Đảng cấp dưới và 379 đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; giám sát chuyên đề 179 tổ chức Đảng và 179 đảng viên. Qua các cuộc kiểm tra, giám sát, đã xử lý thi hành kỷ luật 4 tổ chức Đảng và 157 cán bộ, đảng viên, trong đó có cách chức 5 trường hợp, khai trừ 19 người. Cũng năm 2017, các tổ chức thanh tra đã tiến hành 68 cuộc thanh tra hành chính và 321 cuộc thanh, kiểm tra chuyên ngành, phát hiện vi phạm hơn 20 tỷ đồng, trong đó kiến nghị thu hồi hơn 16 tỷ đồng về ngân sách Nhà nước.
Có thể nhận thấy công tác phòng, chống tham nhũng của cả nước nói chung và ở tỉnh ta nói riêng trong thời gian qua đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, song tình hình tham nhũng vẫn còn diễn biến phức tạp và có thể xảy ra ở hầu hết các lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành với các thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn. Nguyên nhân tham nhũng còn phức tạp là do công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng chống tham nhũng hiệu quả chưa cao. Tâm lý phổ biến của không ít người hiện nay là cần phải "hối lộ, bôi trơn" người có chức, quyền để được tạo thuận lợi trong giải quyết công việc. Cơ chế, chính sách, luật pháp vẫn còn thiếu chặt chẽ, chưa phù hợp với thực tế nhất là trong quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư công, thu, chi ngân sách … Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là tự phát hiện, xử lý trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị. Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng cho ngân sách Nhà nước còn thấp…
Trong thời gian tới, nguy cơ phát sinh tham nhũng vẫn còn, nếu chúng ta không triển khai đồng bộ các giải pháp đấu tranh phòng, chống. Để công tác phòng, chống tham nhũng có hiệu quả, đạt được yêu cầu cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, đồng thời tiếp tục xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII xác định: "Phải tạo ra một cơ chế phòng ngừa để không thể tham nhũng; cơ chế răn đe, trừng trị để không dám tham nhũng". Đề cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, tính tiên phong, gương mẫu của tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng. Cần có quy định về việc xử lý cấp ủy, tổ chức Đảng và người đứng đầu khi cơ quan, địa phương, đơn vị, tổ chức để xảy ra tham nhũng. Tăng cường quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên và giám sát quyền lực, "nhốt quyền lực trong "lồng" thể chế". Thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình về tài sản. Phát hiện và xử lý nghiêm minh, kịp thời đối với các vụ án, vụ việc tham nhũng, không có "vùng cấm" và không còn khái niệm là 'hạ cánh an toàn" đối với những người có chức vụ, quyền hạn. Kiên quyết thu hồi tài sản do tham nhũng mà có và buộc phải bồi thường thiệt hại do tham nhũng gây ra… Mọi người, mọi tổ chức tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng là đã góp phần loại trừ được một nguy cơ đe dọa trực tiếp đến sự tồn vong của Đảng và chế độ XHCN của nước ta.
Nguyễn Đông