Phóng viên (P.V): Xin đồng chí cho biết trong 1 năm qua, Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã được triển khai như thế nào trên địa bàn tỉnh ta?
Đ/c Lê Đình Việt: Từ khi Bộ luật Lao động (BLLĐ) 2012 được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa XIII (kỳ họp thứ 3) thông qua ngày 18-6-2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-5-2013, các cấp công đoàn trong tỉnh đã tích cực phối hợp với các ngành chức năng tuyên truyền, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện Bộ luật Lao động. Nhờ vậy, quyền lợi hợp pháp, chính đáng giữa người sử dụng lao động và người lao động được bảo đảm hài hòa, hợp lý hơn.
Năm 2013, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã tổ chức tuyên truyền, quán triệt, tổ chức triển khai BLLĐ sửa đổi, trọng tâm là những nội dung mới của bộ luật cho cán bộ công đoàn chuyên trách, cán bộ công đoàn cơ sở và đặc biệt là người lao động làm việc trong các khu công nghiệp trong tỉnh bằng các hình thức giao lưu, đối thoại trực tiếp giữa người sử dụng lao động với Công đoàn cơ sở và người lao động tại đơn vị, doanh nghiệp, giúp cho CNVCLĐ nắm rõ và biết được quyền lợi hợp pháp, chính đáng của mình. Đồng thời, phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các đợt kiểm tra, giám sát tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong việc triển khai, thực hiện BLLĐ; hướng dẫn, đề nghị các doanh nghiệp thực hiện tốt các quy định của BLLĐ và các văn bản hướng dẫn thi hành. Bên cạnh đó, LĐLĐ tỉnh còn tư vấn về chế độ, chính sách, pháp luật lao động cho CNVCLĐ, tư vấn cho nhiều doanh nghiệp về thực hiện các nội dung quy định của BLLĐ…
P.V: Một trong những điểm mới của Bộ luật Lao động (sửa đổi) được đông đảo người lao động quan tâm là việc quy định rõ trách nhiệm của người sử dụng lao động trong thực hiện cơ chế đối thoại tại nơi làm việc. Thưa đồng chí, với quy định mới này, việc bảo vệ lợi ích cho người lao động đã có chuyển biến gì?
Đ/c Lê Đình Việt: Theo quy định, Đối thoại dân chủ tại nơi làm việc được thực hiện thông qua việc trao đổi trực tiếp giữa người lao động và người sử dụng lao động hoặc giữa đại diện tập thể lao động với người sử dụng lao động. Nội dung đối thoại tại nơi làm việc gồm: Tình hình sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động; việc thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy, quy chế và cam kết, thỏa thuận khác tại nơi làm việc; điều kiện làm việc; yêu cầu của người lao động, tập thể lao động đối với người sử dụng lao động; yêu cầu của người sử dụng lao động với người lao động, tập thể lao động; nội dung khác mà hai bên quan tâm. Đối thoại tại nơi làm việc được tiến hành định kỳ 3 tháng một lần hoặc theo yêu cầu của một bên. Hội nghị người lao động được tổ chức theo hình thức hội nghị toàn thể đối với doanh nghiệp có dưới 100 lao động, theo hình thức hội nghị đại biểu đối với doanh nghiệp có từ 100 lao động trở lên. Nội dung hội nghị người lao động gồm thảo luận tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và những nội dung trực tiếp liên quan đến việc làm của người lao động, lợi ích của doanh nghiệp; kết quả kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy, các quy định, quy chế của doanh nghiệp; tình hình khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo; điều kiện làm việc và các biện pháp cải thiện điều kiện làm việc; kiến nghị, đề xuất của mỗi bên; các nội dung khác mà hai bên quan tâm…
Qua một năm thực hiện BLLĐ năm 2012 và bước đầu thực hiện Nghị định 60/2013/NĐ-CP, việc thực hiện quy chế dân chủ trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Một số doanh nghiệp đã tổ chức được đối thoại tại nơi làm việc giữa NSDLĐ và NLĐ. Đối với việc tổ chức Hội nghị người lao động năm năm 2014, đến thời điểm này số đơn vị tổ chức hội nghị người lao động đạt 31,5%. Nhờ thực hiện tốt việc đối thoại giữa NSDLĐ và NLĐ, tổ chức tốt hội nghị người lao động nên quyền làm chủ NLĐ trong các doanh nghiệp được mở rộng, hạn chế được tranh chấp lao động, đình công trái luật xảy ra, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ, ổn định trong các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, thực tế cũng vẫn còn một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm nên ảnh hưởng đến đời sống, việc làm, tiền lương, thưởng tết cho người lao động. Một số doanh nghiệp chưa triển khai thực hiện quy định về lương tối thiểu vùng, nhiều doanh nghiệp chưa trích nộp BHXH, BHYT, BHTN và đóng kinh phí công đoàn theo quy định.
P.V: Bộ luật Lao động sửa đổi cũng đã quy định rõ hơn trách nhiệm của tổ chức công đoàn với việc xác định chủ thể đại diện, bảo vệ quyền lợi… của người lao động ở những nơi chưa thành lập tổ chức Công đoàn cơ sở. Trên thực tế quy định này đã phát huy hiệu quả như thế nào?
Đ/c Lê Đình Việt: Thực hiện theo quy định của BLLĐ sửa đổi 2012, LĐLĐ tỉnh chỉ đạo các cấp công đoàn làm tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho NLĐ, đặc biệt là NLĐ ở nơi chưa có tổ chức công đoàn.
Thứ nhất, về phát triển đoàn viên và thành lập công đoàn cơ sở. Một năm qua, LĐLĐ tỉnh chỉ đạo LĐLĐ các huyện, thành phố, thị xã, các công đoàn ngành rà soát, tổng hợp các doanh nghiệp trên địa bàn chưa thành lập công đoàn, đề xuất gặp gỡ chủ doanh nghiệp, vận động, thuyết phục thành lập CĐCS Năm 2013 và quý I năm 2014, tổ chức công đoàn tỉnh đã vận động thành lập được 16 CĐCS và phát triển 2.246 đoàn viên.
Thứ hai, về đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho NLĐ. Các cấp công đoàn chủ động nắm tình hình đời sống, việc làm của công nhân lao động, tình hình sản xuất, kinh doanh và quan hệ lao động ở các doanh nghiệp; phối hợp với chuyên môn giải quyết chế độ lương, thưởng cho CNLĐ. LĐLĐ tỉnh chỉ đạo LĐLĐ các huyện, thành phố, thị xã, công đoàn ngành nắm tình hình việc triển khai thực hiện Nghị định 182/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 của Chính phủ về Quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động ở các doanh nghiệp.
Tham gia với đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động và đoàn điều tra tai nạn lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đề nghị, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định của BLLĐ và các văn bản hướng dẫn thi hành bộ luật để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, như: ký kết hợp đồng lao động, thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể, thực hiện tiền lương tối thiểu, xây dựng định mức lao động, công tác BHLĐ và ATVSLĐ, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, chế độ ăn ca, bồi dưỡng độc hại, tham gia BHXH, BHYT, BHTN, giải quyết chế độ tai nạn lao động cho người lao động…
P.V: Để BLLĐ được thực thi nghiêm túc và bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, trong phạm vi trách nhiệm của mình, thời gian tới LĐLĐ tỉnh sẽ triển khai những giải pháp gì, thưa đồng chí?
Đ/c Lê Đình Việt: Thời gian tới, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh chỉ đạo các cấp công đoàn phối hợp với các cơ quan, phòng, ban chức năng để tiếp tục triển khai tổ chức thực hiện các nội dung của BLLĐ năm 2012 và các nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành BLLĐ cho cán bộ công đoàn, các chủ doanh nghiệp và NLĐ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nội dung Bộ luật này và các nghị định hướng dẫn thi hành bằng nhiều hình thức như qua các hội thi, tờ rơi, in ấn tài liệu cầm tay, phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng…
Nhân "Tháng Công nhân" năm 2014 với chủ đề "Công đoàn đồng hành vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp", LĐLĐ tỉnh tham mưu cho lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tổ chức đoàn công tác của tỉnh thăm và tham gia chương trình giao lưu và đối thoại tại một số doanh nghiệp; chỉ đạo 16/16 công đoàn cấp trên cơ sở có từ 2 - 3 CĐCS phối hợp với NSDLĐ tổ chức giao lưu đối thoại tại đơn vị, doanh nghiệp và tổ chức tuyên truyền, phổ biến Nghị định 60/2013/NĐ-CP ngày 19-6-2012 quy định chi tiết khoản 3 Điều 63 của BLLĐ 2012 về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, nhằm đảm bảo quyền dân chủ cho cả NSDLĐ và NLĐ, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.
Tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động, qua đó hướng dẫn các doanh nghiệp và NLĐ thực hiện tốt quy định của BLLĐ năm 2012; đề xuất các ngành chức năng có biện pháp xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm hoặc không thực hiện đúng quy định của Bộ luật này…
Duy Hiền (thực hiện)