Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh; đại biểu Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng...
Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Thanh, UVDKT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã thông báo Kết luận của đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội tại buổi làm việc với đại diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình để cho ý kiến về dự thảo các văn kiện và phương án nhân sự trình Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Theo đó, đồng chí Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá cao công tác chuẩn bị dự thảo các văn kiện của Tỉnh ủy Ninh Bình. Các dự thảo được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, đúng quy trình, phù hợp với Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
Kết cấu các văn kiện hợp lý, nội dung có tính tổng kết và khái quát cao, thể hiện tinh thần tự phê bình và phê bình nghiêm túc. Có sự vận dụng tư tưởng, quan điểm lớn trong các dự thảo văn kiện trình Đại hội XII của Đảng gắn với tình hình thực tiễn của địa phương.
Quá trình chuẩn bị đã phát huy tốt dân chủ, tranh thủ được ý kiến của nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành ở Trung ương, ý kiến các đồng chí nguyên lãnh đạo chủ chốt của tỉnh; các tổ chức đảng và cấp ủy trực thuộc tỉnh…
Đồng thời, Dự thảo Báo cáo chính trị đã đề cập khá toàn diện những kết quả đạt được, những hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân; trên cơ sở đó đã rút ra được 4 bài học kinh nghiệm, xác định rõ được các mục tiêu, nhiệm vụ, 3 khâu đột phá, 7 chương trình trọng tâm và đề ra được các giải pháp chủ yếu trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và xây dựng Đảng.
Bộ Chính trị cũng đánh giá cao những kết quả quan trọng, khá toàn diện đạt được của tỉnh Ninh Bình trong nhiệm kỳ vừa qua, với 13/17 mục tiêu chủ yếu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra đã đạt và vượt. Bên cạnh đó, Ninh Bình cũng cần nhìn rõ những hạn chế, thách thức đối với yêu cầu tăng trưởng kinh tế hợp lý và bền vững của tỉnh.
Trong quá trình bổ sung, hoàn thiện báo cáo, cần đánh giá sâu hơn, có phân tích, so sánh với các tiêu chí Nghị quyết Đại hội XX của tỉnh, các Nghị quyết của Trung ương, để tổng kết và đề ra biện pháp thiết thực khắc phục cho nhiệm kỳ tới.
Về phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đã được tỉnh Ninh Bình xây dựng với tinh thần đổi mới, song cần phân tích làm rõ vị trị, đặc điểm, thuận lợi, khó khăn, tiềm năng, lợi thế, nguồn lực tự nhiên và vị trí địa lý của Ninh Bình trong việc quy hoạch định hướng chiến lược và chính sách phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, chú trọng tính liên kết vùng, kết nối giữa Ninh Bình với Hà Nội, các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Hồng…
Kết luận của Bộ Chính trị cơ bản tán thành với chủ đề Đại hội và kết cấu các báo cáo; đồng thời gợi ý bổ sung thêm về tiêu đề Đại hội, một số vấn đề về nội dung trong phần đánh giá kết quả, nhận định chung, phần nhiệm vụ chủ yếu…
Cụ thể như, phần chủ đề nói về sức mạnh đoàn kết toàn dân cần nhấn mạnh thêm "nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân"; một số phần, mục khác cần bổ sung thêm đánh giá kết quả hoạt động khoa học, công nghệ; công tác tôn giáo; nhiệm vụ, giải pháp phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản và xây dựng nông thôn mới; giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo, giải quyết việc làm; nhiệm vụ công tác quân sự, quốc phòng địa phương…
Về báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá chung, tập thể Ban chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XX là đoàn kết, thống nhất trên cơ sở nguyên tắc, kỷ luật của Đảng.
Hoạt động của Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy thể hiện sự năng động, sáng tạo, đổi mới, dám nghĩ, dám làm, vận dụng thích hợp các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào hoàn cảnh thực tiễn của địa phương.
Bên cạnh đó, báo cáo cần làm rõ hơn trách nhiệm một số hạn chế, khuyết điểm, kiểm điểm sâu hơn để rút kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo cho khóa mới, nâng cao ý chí quyết tâm, tính chủ động và chỉ đạo quyết liệt hơn. Dự thảo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI cần tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh bảo đảm ngắn gọn, dễ thực hiện.
Đối với phương án nhân sự, Bộ Chính trị nhất trí phương án nhân sự Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình khóa XXI, nhiệm kỳ 2015-2020 về số lượng BCH, Ban Thường vụ và Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy do phương án được xây dựng nghiêm túc, đúng quy trình, bảo đảm nguyên tắc và quy định theo Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn 26 của Ban Tổ chức Trung ương.
Đồng thời yêu cầu Tỉnh ủy Ninh Bình khóa XX triển khai thật tốt công tác bầu cử tại Đại hội theo đúng các quy định của Đảng, bảo đảm BCH khóa mới được bầu đúng tiêu chuẩn và định hướng về cơ cấu độ tuổi, tỷ lệ cán bộ trẻ, tỷ lệ nữ, tỷ lệ đổi mới; đồng thời nhất trí với Tỉnh ủy Ninh Bình tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015-2020 vào thời gian cuối tháng 9/2015.
Thực hiện ý kiến của đại diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015-2020, Tiểu ban văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh đã tiếp thu, hoàn chỉnh Dự thảo văn kiện đảm bảo chất lượng, phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh và mang tính khả thi cao.
Tiếp tục hội nghị, BCH Đảng bộ tỉnh tiến hành bầu bổ sung Ủy viên UBKT Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010- 2015 đối với đồng chí Tô Văn Từ, TUV, nguyên Bí thư Huyện ủy Gia Viễn và đồng chí Vũ Quốc Thanh, TUV, Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh. Kết quả, cả hai đồng chí đều trúng cử vào Ủy viên UBKT Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010- 2015 với số phiếu đạt cao.
Mỹ Hạnh-Thế Minh