Tuy nhiên, theo các quy định của Luật BHYT về lộ trình mở rộng đối tượng tham gia BHYT thì tỷ lệ nói trên chưa cao, đối tượng tham gia BHYT tự nguyện là: nông dân, tiểu thương, người lao động tại các doanh nghiệp tư nhân… vẫn ở tỷ lệ thấp. Để tiến tới lộ trình BHYT toàn dân, còn nhiều việc cần quan tâm giải quyết, trong đó công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về ý thức chia sẻ trách nhiệm cộng đồng trong khám, chữa bệnh cần được tăng cường và đẩy mạnh…
Sau gần 5 năm thực hiện Luật BHYT, việc thực hiện chính sách BHYT đã được đông đảo nhân dân trên địa bàn tỉnh đồng tình, ủng hộ. Được sự quan tâm sát sao của tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể, BHXH tỉnh đã làm tốt công tác tham mưu với UBND tỉnh ban hành các quyết định về việc hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Nhà nước để đóng BHYT cho hộ cận nghèo và học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh. Thực hiện Quyết định số 15/2012/QĐ-UBND ngày 2-7-2012 quy định mức hỗ trợ cho đối tượng học sinh, sinh viên là 40% mệnh giá thẻ, đối tượng thuộc hộ cận nghèo được hỗ trợ 100% kinh phí. Thực hiện Nghị quyết số 10/2013/NQ-HĐND ngày 14-10-2014 của HĐND tỉnh, từ ngày 1-1-2014 hỗ trợ 100% kinh phí mua thẻ BHYT cho người cao tuổi từ đủ 75 tuổi trở lên chưa có thẻ BHYT. Do vậy, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 100% đối tượng thuộc hộ cận nghèo tham gia BHYT, trên 95% đối tượng học sinh, sinh viên tham gia BHYT, 100% đối tượng người cao tuổi từ 75 tuổi đến dưới 80 tuổi được ngân sách tỉnh cấp kinh phí mua thẻ BHYT.
Cùng với sự ủng hộ của người dân về việc thực hiện chính sách về BHYT, chất lượng khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đã từng bước được nâng cao, ngày càng đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Quyền lợi của người bệnh tham gia BHYT được đảm bảo, không ngừng mở rộng và thuận lợi hơn. Hàng năm có hàng triệu lượt người khám, chữa bệnh BHYT với chi phí ngày càng tăng. Có hàng nghìn bệnh nhân được quỹ BHYT chi trả từ hàng chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm, góp phần làm giảm gánh nặng tài chính của người dân tham gia BHYT, nhất là người nghèo, người cận nghèo, người cao tuổi… không may mắc bệnh hiểm nghèo, mãn tính. Để đáp ứng đầy đủ nhu cầu khám, chữa bệnh của người có thẻ BHYT, ngành Y tế đã chỉ đạo các đơn vị điều trị tổ chức khám, chữa bệnh, thanh, kiểm tra, giám sát việc bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT theo quy định của pháp luật. Các đơn vị đã tăng cường quản lý chất lượng bệnh viện, đánh giá chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh thông qua Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện. Tăng cường chăm sóc toàn diện, nâng cao chất lượng điều trị, tinh thần, thái độ phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người bệnh và giảm số ngày điều trị một cách hợp lý. Thực hiện cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh khi đến khám, chữa bệnh…
Tuy nhiên, qua thống kê về số người tham gia BHYT các năm cho thấy tỷ lệ tham gia BHYT của người dân trong tỉnh không ổn định: Năm 2012 có tới 68,81% dân số tham gia BHYT nhưng đến năm 2013 giảm xuống còn 65,84%. Nguyên nhân là do thực hiện Quyết định số 14/2012/QĐ- TTg ngày 1-3-2012 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều về khám, chữa bệnh cho người nghèo, UBND tỉnh dừng cấp kinh phí hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người dân thuộc 6 xã bãi ngang của huyện Kim Sơn nên đã tác động đến tỷ lệ người dân có thẻ BHYT.
Bên cạnh đó, việc tăng tỷ lệ bao phủ của BHYT hàng năm còn rất chậm, bình quân mỗi năm chỉ tăng 1%. Riêng đối tượng tham gia BHYT tự nguyện là: nông dân, tiểu thương, người lao động tại các doanh nghiệp tư nhân… tỷ lệ còn thấp. Hộ gia đình mới có 64.418 người tham gia BHYT, chiếm tỷ lệ 18,49% trong tổng số người trong diện tham gia tự nguyện. Hiện, toàn tỉnh vẫn còn trên 300.000 người dân chưa được hưởng tính ưu việt của chính sách BHYT. Đa số người tham gia BHYT tự nguyện hiện nay là những người mắc các bệnh mạn tính, bệnh có chi phí điều trị cao.
Một nguyên nhân khiến tỷ lệ người tham gia BHYT thấp còn xuất phát từ việc nhiều doanh nghiệp tư nhân có đăng ký kinh doanh, nộp thuế nhưng không tự giác kê khai tham gia BHYT cho người lao động. Theo thống kê của BHXH tỉnh, khối doanh nghiệp tư nhân mới chỉ có 18.123 người tham gia BHYT trên tổng số 36.889 lao động thuộc diện bắt buộc tham gia. Còn nhiều đơn vị nợ BHXH, BHYT lớn, kéo dài và cho đến nay chưa có chuyển biến tích cực. Đối với đối tượng được ngân sách Nhà nước đóng, hỗ trợ đóng BHYT hiện nay do nhiều ngành quản lý, không có sự kiểm soát trong khâu lập danh sách giữa các ngành cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trùng thẻ BHYT…
Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/T.Ư ngày 22-11-2012 của Bộ Chính trị về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012- 2020", UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 42/KH-UBND ngày 24-6-2013 với mục tiêu mở rộng phạm vi bao phủ BHYT về tỷ lệ dân số tham gia BHYT, về phạm vi dịch vụ y tế được thụ hưởng và giảm tỷ lệ chi trả từ tiền túi của người sử dụng dịch vụ y tế, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT, tiến tới BHYT toàn dân, góp phần tạo nguồn tài chính ổn định cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân theo hướng công bằng, hiệu quả, chất lượng và phát triển bền vững.
Trong đó, ngành BHXH phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHYT, tuyên truyền, hướng dẫn người dân tham gia BHYT tự nguyện, phấn đấu đến năm 2015 có trên 30%, đến năm 2020 có trên 50% người tự nguyện tham gia BHYT.
Bên cạnh đó, ngành BHXH cũng tích cực phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch và đầu tư, Cục Thuế, Liên đoàn Lao động tỉnh, Thanh tra tỉnh… tăng cường thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT ở các doanh nghiệp. Trong đó chú trọng vào các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm như: trốn đóng, đóng không đủ số lao động làm việc thực tế tại doanh nghiệp… Phấn đấu đến năm 2015 có 73,93%, năm 2018 có 90,38% và năm 2020 có 92,5% người lao động trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh tham gia BHYT.
Cùng với những nỗ lực của ngành BHXH, ngành Y tế cũng chú trọng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT, củng cố, hoàn thiện cơ sở vật chất, nâng cao năng lực khám, chữa bệnh đối với các trạm y tế, tăng cường trách nhiệm của các địa phương, cơ sở, khám chữa bệnh trong quản lý, sử dụng có hiệu quả quỹ BHYT…
Bùi Diệu