Lễ rước nước: là một nghi thức quan trọng của phần lễ với việc từ 5h30 phút sáng, đoàn rước nước gồm các bậc bô lão, các nam thanh nữ tú là người dân địa phương ăn vận trang phục nghi lễ cổ truyền, cùng đoàn rước kiệu tiến về phía sông Hoàng Long (khu vực cửa Đại Hoàng xưa). Vị chủ lễ trang trọng kính cáo với thần linh, thổ địa xin được tiến hành lễ rước nước. Sau đó đoàn trở về làm lễ rước nước vào Đền thờ Vua Đinh, Vua Lê.
Lễ rước nước là một nghi thức mang tính tâm linh của cư dân kinh thành Hoa Lư xưa trong sản xuất nông nghiệp với ý nguyện cầu cho vạn vật phú túc, mùa màng tốt tươi, cuộc sống người dân được no đủ. Lễ rước nước là hoạt động có tính điểm nhấn trong phần lễ của Lễ hội Hoa Lư năm 2017.
Lễ mộc dục: được thực hiện tại Nội cung Đền thờ Vua Đinh, Vua Lê. Vị thủ lễ làm lễ tế cáo vong linh các vị vua, cầu xin việc được thực hiện nghi thức tắm tượng, thanh tẩy nơi thờ tự.
Đây là một nghi thức mang tính tâm linh thể hiện niềm kính trọng của người đời sau trước vong linh các bậc tiên đế và lòng thành kính trong thờ tự của người dân với các vị vua.
Lễ tiến phẩm: được tổ chức tại Nội cung Đền thờ Vua Đinh, Vua Lê. Các vật phẩm được các bô lão đại diện cho cư dân địa phương dâng lên nơi thờ tự của Vua Đinh,Vua Lê gồm thịt dê, thịt trâu, thịt lợn (gọi là Tam sinh), cùng mâm xôi, hoa quả.
Lễ tiến phẩm. Ảnh: MQ
Các vật phẩm được dâng lên với ý niệm đây là những sản vật của cư dân địa phương tiến dâng lên trước vong linh của các vị vua, thể hiện lòng biết ơn, sự kính ngưỡng công lao của các bậc tiên đế. Đồng thời cầu xin cho mùa màng của muôn dân được mưa thuận gió hòa, cuộc sống yên vui, thái bình thịnh trị.
Lễ rước kiệu: tham gia lễ rước có 9 cỗ kiệu được các đoàn rước từ các di tích của nhiều địa phương nơi có thờ tự các Vua Đinh, Vua Lê về đến Đền thờ Vua Đinh, Vua Lê thực hiện các nghi thức tế tự, dâng lễ vật lên trước bài vị các bậc tiên đế.
Lễ rước kiệu thể hiện nét đẹp văn hóa về sự kính ngưỡng, tâm linh của cư dân các địa phương trong tỉnh trước công công đức của các vua, thể hiện vai trò cùng ảnh hưởng của các triều đại đối với lịch sử và với người dân.
• Trước đó, ngày 4/4 (ngày 8/3 âm lịch), tại sân Rồng-Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng (Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư), Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với Viện văn hóa nghệ thuật Quốc gia Viêt Nam và UBND xã Trường Yên tiến hành phục dựng Lễ tế Cửu Khúc nhằm phục vụ tại Lễ hội Hoa Lư năm 2017.
Lễ tế Cửu Khúc. Ảnh: MP
Tế Cửu Khúc là 9 khúc ca xưng tụng công đức của Đức Đinh Tiên Hoàng Đế. Đây là hình thức nhạc tế lễ với sự kết hợp giữa lời ca, nhạc tế và các nghi thức tế tự cổ truyền có trong dân gian.
Đội tế gồm trên dưới 20 thành viên, với trang phục đặc trưng của tế lễ cổ truyền, chủ yếu là những người trung, cao tuổi.
Tế cửu khúc có nhiều hình thức: tế cửu khúc nam, cửu khúc nữ hoặc hỗn hợp. Loại hình Tế Cửu Khúc xưa kia được người dân kinh thành Hoa Lư sáng tạo nên nhằm ca tụng công đức của Vua Đinh, tuy nhiên sau này bị thất truyền.
Mới đây Sở Văn hóa& Thao kết hợp với Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Viêt Nam nghiên cứu và khôi phục lại nghi thức tế lễ này.
Lễ tế Cửu Khúc là một nghi thức mới của phần lễ của Lễ hội Hoa Lư năm 2017, các năm trước chưa có, là một điểm nhấn của lễ hội năm nay.
Mai Phương