Xây dựng chính quyền điện tử là thông qua các Trung tâm dịch vụ hành chính công hoặc bằng hình thức gửi/nhận trực tuyến qua mạng, người dân và doanh nghiệp có thể khai thác, sử dụng hiệu quả các dịch vụ hành chính công được chính quyền cung cấp, tiết kiệm thời gian và chi phí, có thể giám sát, kiểm tra các hoạt động của cơ quan nhà nước; đồng thời chất lượng cuộc sống các cộng đồng dân cư, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa được nâng cao. Về phía chính quyền, chất lượng dịch vụ, chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, tính minh bạch trong xử lý hồ sơ được nâng cao nhờ đó mà uy tín của chính quyền được nâng cao. Lãnh đạo chính quyền có đủ thông tin, dữ liệu để ra các chính sách, các quyết định. Về người dân, doanh nghiệp sẽ rút ngắn thời gian làm các thủ tục hành chính, các giấy tờ, hồ sơ từ khai sinh, khai tử, hộ tịch, hộ khẩu, đăng ký kinh doanh, giấy phép xây dựng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Và rút ngắn thời gian cũng chính là giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp…
Xây dựng chính quyền điện tử là việc không hề đơn giản. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin, sẽ cần một khoảng thời gian là 2 năm để xây dựng thành công mô hình chính quyền điện tử với điều kiện có sự quyết tâm cao của lãnh đạo các cấp ở địa phương, một cơ chế tài chính tốt, hạ tầng công nghệ thông tin sẵn sàng và đảm bảo về nhân sự chuyên trách công nghệ thông tin. Như vậy, chỉ có thể xây dựng được chính quyền điện tử khi đã có tổng hòa các yếu tố cần thiết. Xuất phát từ điều kiện thực tế của tỉnh, Ninh Bình xác định, để xây dựng thành công chính quyền điện tử cần sự nỗ lực hơn nữa của các cấp, các ngành; sự đầu tư lớn về trang thiết bị hạ tầng cũng như nguồn nhân lực công nghệ thông tin. Để thực hiện được tất cả các yêu cầu đó, cần một quá trình lâu dài, không phải ngày một ngày hai với những gì mà Ninh Bình đang sở hữu.
Triển khai các kế hoạch của UBND tỉnh, hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh những năm gần đây đã đạt được kết quả bước đầu. Hiện nay, 100% các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện đã có mạng nội bộ; tổng số máy tính trong các cơ quan nhà nước đạt 1.983 máy, nâng tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức có máy tính làm việc lên 85%; hệ thống mạng diện rộng đã được kết nối và lắp thiết bị đầu cuối cho tất cả các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh bằng hệ thống cáp quang đến tận cấp xã; 100% các đơn vị trong tỉnh được trang bị văn phòng điện tử; 21/27 cơ quan, đơn vị đã xây dựng được trang thông tin điện tử cung cấp thông tin và dịch vụ công mức độ 1, mức độ 2 và mức độ 3 phục vụ người dân và doanh nghiệp. Trong đó: 450 dịch vụ công mức độ 1; 155 dịch vụ công mức độ 2 và 20 dịch vụ công mức độ 3. Hệ thống văn phòng điện tử và quản lý văn bản qua mạng đã được triển khai ứng dụng tại 27/27 cơ quan Nhà nước…
Việc triển khai và đưa vào sử dụng phần mềm một cửa điện tử tại Trung tâm một cửa liên thông của UBND cấp huyện trên địa bàn tỉnh đã mang lại những hiệu quả tích cực như góp phần rút ngắn tối đa thời gian chuyển, nhận văn bản, giảm thiểu chi phí so với thời gian chuyển văn bản bằng đường bưu điện truyền thống, từng bước nâng cao trình độ sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin của đội ngũ cán bộ, công chức đồng thời hỗ trợ có hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo UBND cấp huyện. Trong đó, có một số đơn vị triển khai thực hiện tương đối tốt, điển hình là UBND huyện Gia Viễn và UBND thành phố Ninh Bình. Tuy nhiên, hiện nay việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho công tác cải cách hành chính cũng còn gặp phải những khó khăn, hạn chế nhất định như: Về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật công nghệ thông tin của tỉnh mới chỉ đáp ứng được những ứng dụng đơn giản; đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về công nghệ thông tin còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng; tỷ lệ công chức thường xuyên sử dụng thư điện tử trong công việc còn rất thấp; bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đầy đủ về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý điều hành nên hiệu quả triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước chưa cao…
Để có thể xây dựng thành công mô hình chính quyền điện tử tại Ninh Bình, trong thời gian tới, yêu cầu đặt ra là phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, bởi với những gì mà Ninh Bình đang có thì việc triển khai xây dựng những điều kiện cần thiết cho chính quyền điện tử không phải là điều đơn giản. Nhưng cũng có thuận lợi cơ bản là những kết quả đạt được trong lộ trình ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước là tiền đề quan trọng để tỉnh ta tiếp tục triển khai các nội dung công việc tiếp theo.
Để từng bước thực hiện nhiệm vụ này, thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông với chức năng là cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý Nhà nước về công nghệ thông tin đã nỗ lực triển khai thực hiện có hiệu quả một số nội dung công việc cần thiết như: Đã tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo Công nghệ thông tin tỉnh Ninh Bình; triển khai tốt kế hoạch thực hiện "Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông" tại Ninh Bình; tham mưu UBND tỉnh ký kết bản ghi nhớ hợp tác giữa UBND tỉnh và Công ty FPT về việc xây dựng Đề án chính quyền điện tử tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2012-2015, tầm nhìn đến năm 2020.
Hiện tại, Sở Thông tin và Truyền thông đang phối hợp với đơn vị này tổ chức xây dựng Đề án chính quyền điện tử tỉnh Ninh Bình năm 2012 với các sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Hạnh Chi