Trước đó, để phân bổ nguồn vắc xin hợp lý, ngành Y tế thực hiện thống kê các đối tượng ưu tiên được tiêm phòng trong đợt 1, gồm cán bộ y tế trong các cơ sở y tế, thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, người làm việc trong các khu cách ly tập trung, khu cách ly tự nguyện, lực lượng làm nhiệm vụ chống dịch...
Qua thống kê, có hàng chục nghìn đối tượng trong nhóm được ưu tiên theo Nghị quyết 21 của Chính phủ. Riêng trong đợt 1, tỉnh Ninh Bình được Bộ Y tế phân bổ 6.400 liều vắc xin phòng dịch COVID-19.
Theo đó, trong tổng số 6.400 liều vắc xin phòng COVID-19 (đợt 1) thuộc nhóm 1 tại Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ, có 5.600 liều được phân bổ theo Quyết định số 1821/QĐ-BYT ngày 7/4/2021 của Bộ Y tế, được tiêm cho các đối tượng là nhân viên y tế tại các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện; trung tâm y tế các huyện thành phố; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; người phục vụ tại các khu cách ly tập trung các huyện, thành phố; khách sạn đang tổ chức cách ly tập trung cho chuyên gia nước ngoài; thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tuyến tỉnh, huyện, xã.
Còn 800 liều vắc xin được phân bổ theo Quyết định số 1896/QĐ-BYT ngày 16/4/2021 của Bộ Y tế, được tiêm cho các đối tượng là lực lượng quân đội thuộc Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh (150 liều vắc xin) và lực lượng công an (650 liều vắc xin).
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình được chọn là điểm tiêm đầu tiên của tỉnh, được tổ chức ngày 27/4. Bác sĩ Chu Thị Giang, Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết: Phục vụ cho công tác tiêm chủng vắc xin Covid-19, Bệnh viện đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, vật lực, đảm bảo tốt nhất cho hoạt động tiêm chủng an toàn, đúng tiến độ.
Tại điểm tiêm của bệnh viện, thực hiện tiêm đợt 1 cho 499 trường hợp, là cán bộ, y bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh và một số bệnh viện tuyến tỉnh, thành viên Ban chỉ đạo tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh... Mỗi ngày, Bệnh viện thực hiện tiêm cho khoảng 50 trường hợp, dự kiến tiêm từ 9-10 buổi sẽ hoàn thành công tác tiêm chủng đợt 1.
Điều dưỡng Đỗ Thị Hòa, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình cho biết: Là người thực hiện nhiệm vụ tiêm chủng và cũng là người thuộc nhóm được ưu tiên tiêm chủng đợt 1, chúng tôi được tập huấn, nắm vững những kiến thức về quy trình tiêm, cách bố trí điểm tiêm chủng theo quy tắc 1 chiều, các bước thực hiện tiêm chủng an toàn theo đúng quy định của Bộ Y tế.
Đối với những y, bác sĩ làm việc trong môi trường y tế thường xuyên tiếp xúc với nhiều nguồn lây bệnh, nên ai cũng phấn khởi và sẵn sàng thực hiện tiêm phòng khi có vắc xin. Đặc biệt, khi được cung cấp thông tin đầy đủ về chủng loại, nguồn gốc, xuất xứ, tác dụng của vắc xin nên chúng tôi hiểu rõ lợi ích khi tiêm phòng, những tác dụng phụ của vắc xin.
Từ đó, không chỉ mình yên tâm khi tiêm phòng, mà trong quá trình thực hiện tiêm chủng còn tư vấn, hướng dẫn, giải thích cho các đối tượng được tiêm an tâm, sẵn sàng, đảm bảo an toàn trong tiêm chủng...
Đồng chí Vũ Mạnh Dương, Giám đốc Sở Y tế Ninh Bình cho biết: Vắc xin AstraZeneca do COVAX Facility hỗ trợ Việt Nam phòng dịch COVID-19 là loại vắc xin mới, do đó công tác đảm bảo điều kiện an toàn tiêm chủng được ngành Y tế chuẩn bị chu đáo. Đồng thời, ngành Y tế cũng tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn người được tiêm chủng có những kiến thức, hiểu biết về loại vắc xin được tiêm, chủ động thực hiện các khuyến cáo của Bộ Y tế khi tham gia tiêm chủng.
Để công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh được triển khai đảm bảo an toàn, hiệu quả và đúng theo kế hoạch đề ra, ngay từ đầu tháng 4/2021, ngành Y tế đã tổ chức tập huấn đầy đủ cho các cán bộ, nhân viên y tế về tiêm chủng. Chỉ đạo các cơ sở y tế gấp rút triển khai các khâu chuẩn bị tiêm chủng.
Đồng thời, Sở Y tế thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát trước và trong quá trình tiêm chủng, kiểm tra tại các điểm tổ chức tiêm trong tỉnh, giám sát chặt chẽ quá trình tiêm, có sự định hướng, chỉ đạo kịp thời, đảm bảo an toàn, đúng quy định.
Để đảm bảo tiêm hết số lượng vắc xin được phân bổ, ngành Y tế đã thành lập 11 điểm tiêm, gồm 10 điểm tiêm trong ngành và 1 điểm tiêm tại Bệnh viện Công an tỉnh.
Từ 2 điểm tiêm ngày 27/4 tại Bệnh viện Đa khoa và Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh, ngành Y tế Ninh Bình tổ chức rút kinh nghiệm và đồng loạt ngày 5/5, thực hiện tiêm chủng tại 9 điểm tiêm còn lại, gồm Bệnh viện Công an tỉnh, Bệnh viện Đa khoa huyện Kim Sơn, Nho Quan, Trung tâm Y tế các huyện Gia Viễn, Hoa Lư, Yên Khánh, Yên Mô, thành phố Ninh Bình và thành phố Tam Điệp.
Trong quá trình tiêm vắcxin, tại các điểm tiêm đều chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực. Các khu vực từ đón tiếp, tư vấn, khám sàng lọc, tiêm đến theo dõi sau tiêm đều được bố trí theo nguyên tắc một chiều và đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch.
Các cán bộ, nhân viên y tế thực hiện nhiệm vụ đều là những người có chuyên môn, nhiều kinh nghiệm và đã được tập huấn về tiêm chủng vắc xin COVID-19. Sau khi tiêm, mọi người đều được theo dõi các phản ứng ít nhất 30 phút và được hướng dẫn cách tự theo dõi và xử trí các phản ứng thông thường, nhận biết các dấu hiệu bất thường sau tiêm chủng tại nhà trong 72 giờ, từ đó có biện pháp xử trí kịp thời, đảm bảo an toàn sau tiêm...
Tính đến ngày 8/5, toàn tỉnh đã thực hiện tiêm phòng vắc xin COVID-19 cho 4.506 trường hợp. Theo báo cáo bước đầu về giám sát sau tiêm chủng, ghi nhận một số trường hợp phản ứng sau tiêm ở mức độ nhẹ, với các biểu hiện như đau chỗ tiêm, sốt nhẹ, đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, người lâng lâng..., không ghi nhận trường hợp nào có tai biến nặng sau tiêm.
Bác sĩ Lê Hoàng Nam, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Vắc xin phòng COVID-19 do AstraZeneca sản xuất được cấp phép sử dụng tại hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới và được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông qua chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp vào ngày 15/2/2021. Đây là vắc xin mới, nên khi triển khai tiêm, cán bộ tiêm chủng cũng như người được tiêm có tâm lý hồi hộp.
Do đó, việc tổ chức càng phải tuân thủ thật nghiêm túc hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế, đảm bảo tiêm đến đâu an toàn đến đó. Trong đó, việc khám sàng lọc và tìm hiểu thông tin sức khỏe người được tiêm cần cẩn trọng, cặn kẽ. Nhiều cán bộ, nhân viên y tế trong danh sách được ưu tiên tiêm chủng, nhưng có tiền sử dị ứng, cao huyết áp được tư vấn hoãn tiêm cho đến khi sức khỏe ổn định. Như vậy, cùng với các yêu cầu chuyên môn khác, việc khám sàng lọc có vai trò rất quan trọng để đảm bảo an toàn tiêm chủng.
Cũng theo bác sĩ Lê Hoàng Nam, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trên cơ sở các nghiên cứu, đánh giá hiện nay về hiệu quả, tính an toàn của vắc xin phòng COVID-19, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo tiêm chủng vắc xin là biện pháp chủ động, hiệu quả nhất để phòng, chống dịch COVID-19.
Do đó, các quốc gia cần đẩy mạnh triển khai tiêm vắc xin để tăng tỷ lệ miễn dịch phòng dịch bệnh trong cộng đồng và ngăn chặn dịch bệnh bùng phát.
Với hiệu quả của vắc xin đã được nghiên cứu, đánh giá, ngành Y tế động viên cán bộ, bác sĩ yên tâm, tin tưởng khi tiêm vắc xin, tích cực tuyên truyền cho người thân, bệnh nhân, người nhà và nhân dân hiểu rõ lợi ích khi tiêm chủng, góp phần bảo vệ sức khỏe toàn dân. Đồng thời, trong quá trình thực hiện tiêm chủng, rà soát các trường hợp chưa tiêm để tiêm vét, phấn đấu chiến dịch tiêm chủng đợt 1 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình hoàn thành trước ngày 15/5/2021 theo quy định của Bộ Y tế.
Mỹ Hạnh