Nhận thức đúng đắn tầm quan trọng và hiệu quả của công tác TCMR, kể từ khi tái lập tỉnh đến nay các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình TCMR, giảm tỷ lệ trẻ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm xuống mức thấp nhất.
Trước thông tin về ba trẻ tử vong sau khi tiêm vắcxin viêm gan B ở Quảng Trị, khá nhiều phụ huynh lo lắng khi đến thời điểm tiêm chủng cho con em mình. Chị Thanh Huyền (phố Ngọc Xuân, phường Thanh Bình, thành phố Ninh Bình) cho biết: Không hiểu việc tiêm chủng ở Quảng Trị thế nào, nguyên nhân tử vong của ba trẻ do đâu nhưng những gia đình có con nhỏ đang trong độ tuổi tiêm phòng như tôi hết sức lo lắng cho sự an toàn về sức khỏe của con…
Cũng như lo lắng của chị Huyền, nhiều bà mẹ đang nuôi con nhỏ dưới 1 tuổi cũng băn khoăn không biết có nên tiếp tục tiêm chủng cho con hay không? Đem theo những lo lắng, thắc mắc của nhiều gia đình có con nhỏ, chúng tôi đã đến Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh để tìm hiểu thêm về quy trình tiêm chủng cho trẻ em tại Ninh Bình. Bác sỹ Lê Hoàng Nam, Giám đốc Trung tâm cho biết: Tại Ninh Bình, các loại vắc xin của Dự án tiêm chủng mở rộng, bao gồm cả Quinvaxem và Viêm gan B được Chương trình TCMR phía Bắc cấp 2 tháng một lần do xe lạnh của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương giao tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và được bảo quản trong dây chuyền lạnh của đơn vị theo đúng quy định của chương trình, nhiệt độ bảo quản từ +20C đến +80C. Vắcxin được cấp phát xuống huyện theo đối tượng tiêm của các huyện, thành phố, thị xã, Bệnh viện Sản - Nhi vào ngày 24 hàng tháng. Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh thường xuyên chỉ đạo các đơn vị tuyến huyện thực hiện tốt việc bảo quản vacxin trong dự phòng và điều trị theo đúng quy định tại Quyết định số 23/2008/QĐ-BYT ngày 7-7-2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế tại các buổi giao ban và thông qua giám sát hỗ trợ các điểm tiêm chủng vào ngày 25 và 26 hàng tháng. Công tác huấn luyện, đào tạo tuyến trước về chuyên môn kỹ thuật và quản lý TCMR được duy trì.
Hàng năm, ngành Y tế tổ chức 10 lớp huấn luyện cho trên 300 cán bộ y tế tuyến huyện, xã và thôn bản về kỹ năng tuyên truyền, kỹ năng giám sát bệnh, giám sát phản ứng sau tiêm, quản lý, tổ chức, thực hành tiêm chủng, quản lý dây chuyền lạnh, triển khai Quyết định 23/QĐ- BYT của Bộ Y tế về quy định sử dụng vắcxin trong phòng và điều trị bệnh. Mỗi xã, phường, điểm tiêm chủng có từ 3 - 5 cán bộ y tế được cấp giấy chứng nhận, những cán bộ này đủ năng lực tham mưu tốt cho công tác quản lý, tổ chức thực hiện công tác tiêm chủng tại địa phương.
Năm nay, đã tổ chức tập huấn được 4 lớp thực hành tiêm chủng an toàn cho tuyến tỉnh, huyện, xã, phường, thị trấn với tổng số 204 học viên, các học viên sau tập huấn được cấp chứng chỉ. Những năm trước, nếu do nhận thức còn hạn chế nên người dân chưa đưa con đi tiêm chủng hoặc thấy việc tiêm chủng chưa cần thiết... thì những năm gần đây, do công tác tuyên truyền được đẩy mạnh nên công tác TCMR được nhiều gia đình thực hiện.
Với nội dung truyền thông ngắn gọn, dễ hiểu, tập trung chủ yếu tư vấn, giải thích rõ lịch tiêm chủng các loại vắcxin miễn phí cho trẻ em, ích lợi của công tác tiêm chủng, theo dõi các phản ứng sau tiêm vắc xin... đã góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân về công tác TCMR và các biện pháp chủ động phòng bệnh cho trẻ em. Bên cạnh đó, chuơng trình TCMR đã thực sự được xã hội hóa cao nên thu hút sự hưởng ứng, tham gia tích cực của toàn xã hội. Hàng năm, tại các điểm tiêm chủng ở 146 xã, phường, thị trấn đã huy động hàng nghìn lượt cán bộ chính quyền các cấp, cán bộ các ngành, các đoàn thể tham gia tuyên truyền, vận động và tổ chức thực hiện tiêm chủng cho trẻ em.
Đặc biệt, trong các đợt chiến dịch tiêm chủng toàn quốc đã có hàng nghìn người tham gia tình nguyện làm việc tại các điểm tiêm chủng. Chiến dịch tiêm chủng còn được các đồng chí lãnh đạo Đảng, chính quyền các cấp trực tiếp đến các điểm tiêm chủng chỉ đạo, kiểm tra, giám sát cho trẻ tiêm, uống vắc xin. Hoạt động kiểm tra giám sát cũng được ngành Ytế duy trì và đẩy mạnh. Trong những ngày tiêm chủng 25, 26 hàng tháng, Sở Y tế đều tổ chức các đoàn đi kiểm tra, giám sát, hỗ trợ tại các điểm tiêm chủng, về thực hiện an toàn tiêm chủng quản lý vắcxin, vật tư tiêm chủng, kỹ thuật thực hành tiêm chủng, thống kê báo cáo và giám sát bệnh truyền nhiễm trẻ em, kịp thời phát hiện những tồn tại, thiếu sót, đưa ra các giải pháp khắc phục nhằm đảm bảo tiêm chủng an toàn, hiệu quả, chất lượng cao cho trẻ em.
Đặc biệt, trong những năm qua, chương trình đã tổ chức 10 cuộc đánh giá ngẫu nhiên tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em và triển khai 2 đợt đánh giá của các chuyên gia WHO, UNICEF, PATH về kết quả tiêm chủng cho trẻ em và quản lý dây chuyền lạnh... Kết quả đánh giá đều đạt chất lượng và hiệu quả.
Trong 25 năm qua, chương trình TCMR tỉnh được duy trì và đẩy mạnh, hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Nếu như tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ những năm đầu triển khai chương trình (1988 - 1991) mới đạt 78 - 80% thì từ năm 1992 đến nay tỷ lệ này luôn đạt trên 98%. Hiệu quả chương trình được khẳng định với tỷ lệ trẻ mắc 6 bệnh truyền nhiễm giảm dần qua các năm, một số bệnh không có ca mắc mới như bạch hầu từ năm 1993 không có thêm ca bệnh nào, bại liệt từ 1995 đến nay, lao trẻ em từ 2001, viêm não vi rút từ 2007 đến nay. Tuy nhiên đến năm 2008 số ca nghi sởi mắc tăng cao trở lại do có vụ dịch sởi tại huyện Nho Quan ở lứa tuổi từ 18-22 là 118 ca, trong đó có 58 ca sởi xác định, năm 2009 là 107 ca, trong đó 32 ca sởi xác định, nguyên nhân do lứa tuổi này chưa được tiêm vắc xin sởi trong chương trình TCMR.
25 năm triển khai chương trình TCMR, hàng năm đều phấn đấu đạt tỷ lệ tiêm chủng vắc xin AT cho nữ có thai và nữ 15-35 tuổi đạt tỷ lệ cao trên 90% ở 100% các đơn vị huyện, thành phố, thị xã. Năm 2005 cùng với cả nước, Ninh Bình được công nhận loại trừ uốn ván sơ sinh, duy trì kết quả loại trừ uốn ván sơ sinh, 7 năm liền không có ca uốn ván sơ sinh. Từ năm 1993 đến 1997 thực hiện chiến dịch "Những ngày tiêm chủng toàn quốc'' đồng loạt cho trẻ em từ 0 - 59 tháng tuổi uống vắcxin phòng bại liệt, hàng năm với trên 99,99% số trẻ em từ 0 - 5 tuổi được uống đủ 2 liều vắcxin phòng bại liệt, duy trì tỷ lệ tiêm chủng cao trong tiêm chủng thường xuyên. Năm 2000 cùng với cả nước, Ninh Bình được công nhận thanh toán bệnh bại liệt, duy trì kết quả thanh toán bệnh bại liệt 12 năm liền...
Trả lời về các vấn đề người dân đang quan tâm hiện nay, đồng chí Lê Hoàng Nam, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh khẳng định: Việc tiêm chủng cho trẻ em, nhất là trẻ trong độ tuổi dưới 1 tuổi là hết sức cần thiết nhằm tạo miễn dịch cơ bản phòng, chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ, hạn chế được các di chứng nặng nề ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của trẻ. Tuy nhiên, có những trường hợp cần chống chỉ định với việc tiêm chủng như: trẻ bị sốt, mắc bệnh nhiêm khuẩn cấp tính (viêm phổi, thương hàn, sởi…), viêm da mủ, chàm ngoài da, đang mắc một bệnh mạn tính đang tiến triển như lao, phổi, tràn dịch màng phổi, viêm thận mạn tính…
Do đó, trước khi đưa trẻ đi tiêm chủng, các bậc phụ huynh nên thông báo cho nhân viên y tế biết về tình trạng sức khỏe trước đây và hiện tại của trẻ để cân nhắc việc nên tiêm phòng hay hoãn lại ngày tiêm. Sau tiêm, các nhân viên y tế cần tư vấn để gia đình các bé biết cách theo dõi sức khỏe của trẻ, theo dõi những diễn biến bất thường để kịp thời đưa đến cơ sở y tế xử trí.
Phan Hiếu