Sẽ không có gì đáng nói nếu những vị khách đều rời quán an toàn bằng taxi hoặc ngồi sau tay lái của những người không có chất men. Tuy nhiên, đa phần các vị khách vẫn bất chấp quy định của pháp luật và cả những nguy hiểm tiềm ẩn để tự cầm lái phương tiện trong tình trạng bước đi không còn thật chân.
Một chủ quán bia tại khu vực hồ Máy Xay cho biết: Mọi người đến đây trung bình uống từ 3-5 chai/người, cũng có người uống tới gần 10 chai. Hầu hết các khách đến đây đều tự điều khiển phương tiện xe máy, ô tô của mình để về nhà.
Thực tế đã có rất nhiều vụ va chạm, tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn tỉnh ta cũng như trên địa bàn cả nước do những lái xe gây ra khi vừa rời bàn nhậu, để lại những hậu quả hết sức nặng nề cho người và phương tiện tham gia giao thông, tỷ lệ tử vong cũng như thương tật khó phục hồi cao.
Thời gian qua, thực hiện đợt cao điểm về xử lý vi phạm nồng độ cồn và chất kích thích với lái xe, lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã tích cực tuyên truyền các quy định về sử dụng nồng độ cồn khi tham gia giao thông trên các phương tiện thông tin truyền thông, panô, khẩu hiệu, tuyên truyền lưu động bằng xe gắn máy tới từng ngõ, thôn.
Đồng thời, tăng cường lập các chốt kiểm tra, trong đó có các tuyến đường tập trung nhiều nhà hàng, quán nhậu vào khoảng thời gian cao điểm như tuyến đường Lê Đại Hành, Tràng An... Gần 200 trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn được lực lượng cảnh sát giao thông xử phạt từ đầu mùa nắng nóng đến nay.
Tuy nhiên, đây chỉ là những trường hợp bị phát hiện, xử lý, con số người sử dụng rượu bia tham gia giao thông trên thực tế còn lớn gấp nhiều lần. Hiện nay Bộ Giao thông - Vận tải đang hoàn thiện, xin ý kiến Chính phủ sửa đổi Nghị định 46/2016/NĐ-CP, tăng nặng mức xử phạt các hành vi vi phạm nồng độ cồn.
Theo đó, các hành vi vi phạm về nồng độ cao nhất, không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, có thể bị xử phạt lên đến 30 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 10-12 tháng. Ngày 14/6/2019, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (gồm 7 chương với 36 điều) cũng đã được Quốc hội thông qua với 84,3% đại biểu Quốc hội tán thành.
Theo đó, về phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia, Luật quy định rõ: "Người điều khiển phương tiện giao thông không uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông. Người đứng đầu cơ sở kinh doanh vận tải, chủ phương tiện giao thông vận tải có trách nhiệm chủ động thực hiện biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn người điều khiển phương tiện vận tải uống rượu, bia ngay trước và trong khi tham gia giao thông.
Cơ quan, người có thẩm quyền có trách nhiệm kiểm tra nồng độ cồn trong máu và hơi thở của người điều khiển phương tiện giao thông đang tham gia giao thông hoặc gây ra tai nạn giao thông". Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020.
Trong lúc chờ các cơ quan chức năng đưa ra các chế tài mạnh tay hơn, cũng như Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia mới có hiệu lực, để kiềm chế tai nạn giao thông do nguyên nhân rượu bia, thiết nghĩ mỗi người dân khi tham gia giao thông cần phải chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ, tuyệt đối nói không với rượu, bia khi lái xe.
Nếu sử dụng rượu, bia thì nên đi các phương tiện công cộng hoặc nhờ bạn bè, người thân chở về nhà để đảm bảo an toàn. Bản thân các gia đình cũng nên tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm không để người thân lái xe tham gia giao thông khi đã uống bia, rượu.
Bài, ảnh: Kiều Ân