Thực trạng đáng lo ngại
Ở nhiều địa phương thực trạng đò ngang đang trở thành vấn đề bức xúc và tiềm ẩn nhiều tai nạn đáng báo động. ở huyện Nho Quan có 8 bến đò thì cả 8 bến không đủ điều kiện hoạt động; trong đó 3 bến không có giấy phép mở bến, 5 bến người lái chưa có chứng chỉ chuyên môn. Huyện Yên Khánh có 15 bến đò thì có tới 7 bến không đủ điều kiện hoạt động. Huyện Kim Sơn có 16 bến đò, có 5 bến không đủ điều kiện hoạt động. Toàn tỉnh có tới 50% bến đò và đò không đủ điều kiện hoạt động do thiếu giấy mở bến, đò hết hạn đăng kiểm, trang thiết bị trên đò (áo phao, phao cứu sinh); đường, cầu lên xuống bến đã xuống cấp hư hỏng nặng, người lái đò thiếu chứng chỉ chuyên môn... Tình trạng đò chở quá tải trọng, nhất là ở những bến đò thường xuyên chở học sinh đi học, người dân đi chợ dẫn đến nguy cơ tai nạn nghiêm trọng có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Nguyên nhân của những tồn tại trên là do công tác tuyên truyền, phối hợp, quản lý đảm bảo TTATGT bến đò chưa thật sự được quan tâm đúng mức. Chủ phương tiện và người tham gia giao thông đường thủy chưa nhận thức đầy đủ và chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về đảm bảo TTATGT đường thủy. Công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra của chính quyền địa phương và các cấp, các ngành chưa thường xuyên và có sự phối hợp đồng bộ. Chính quyền địa phương nơi có các bến đò chưa có cơ chế khoán quản hợp lý để khuyến khích các chủ đò đầu tư đò và các phương tiện khác, phục vụ cho việc chở đò. Một số bến đò do ít khách qua lại nên lâu ngày không được đầu tư sửa chữa. Bến đò có mật độ khách qua lại đông thì lại phải nộp khoán cho địa phương ở mức cao, chủ đò có thu nhập thấp dẫn đến không có điều kiện, kinh phí để tái đầu tư sửa chữa bến đò và bổ sung trang thiết bị an toàn cho người đi đò. Một số bến đò, chủ đò tự đóng mới, cải tạo phương tiện không thực hiện đúng các quy định của Nhà nước như: Không có thiết kế, không lập hồ sơ... do vậy không tiến hành đăng ký, đăng kiểm được.
Sự chỉ đạo kịp thời
Trước thực trạng đò ngang tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn bất ngờ và nghiêm trọng, ngày 6-3-2009 UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị bàn giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy tại các bến đò, đồng chí Bùi Văn Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp chủ trì hội nghị. Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các cấp, các ngành có liên quan, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã có kết luận chỉ đạo rõ ràng, cụ thể, yêu cầu các cấp, các ngành triển khai các công việc cần thiết để tháo gỡ khó khăn cho các bến đò. Ban An toàn giao thông tỉnh chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật TTATGT đường thủy nội địa cho nhân dân, đặc biệt là chủ phương tiện và khách đi đò ngang sông để nâng cao nhận thức khi tổ chức và tham gia giao thông. Ban An toàn giao thông chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Sở Giao thông - Vận tải, UBND các huyện, thành phố, thị xã và các đơn vị có liên quan xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ nâng cấp bến đò và đò chở khách; các hệ thống biển báo để đảm bảo an toàn giao thông cho khách đi đò.
UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tăng cường lực lượng thường xuyên kiểm tra, giám sát việc vận chuyển hành khách tại các bến đò. Kiên quyết xử lý việc vận chuyển khách quá tải; dừng hoạt động các bến, các đò chưa thực hiện đầy đủ các quy định về TTATGT như: Đò không đăng ký, đăng kiểm, bến chưa đủ hồ sơ mở bến theo quy định, đò hỏng hóc, cũ nát, đò chưa đủ điều kiện an toàn khác cho khách, nhất là phao cứu sinh. Các huyện, thị nâng cao trách nhiệm quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đảm bảo TTATGT đường thủy nội địa. Xây dựng cơ chế, chính sách về miễn, hoặc giảm mức khoán cho các chủ đò trên địa bàn. Vận động các thành phần kinh tế, nhân dân trong vùng tham gia đóng góp phương tiện để vận chuyển khách qua sông, có phương án huy động các chủ phương tiện sử dụng phương tiện của mình tham gia vận chuyển khách tại các giờ cao điểm trong ngày. Công an tỉnh phối hợp với Sở Giao thông - Vận tải UBND các huyện, thị, chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm TTATGT, đình chỉ hoặc tạm giữ đối với các phương tiện cố tình vi phạm, các phương tiện không đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn nhưng cố tình hoạt động. Sở Tài chính, phối hợp với Sở Giao thông - Vận tải, UBND các huyện, thành, thị nghiên cứu, tham mưu cho tỉnh để có tỷ lệ sử dụng thuế, phí, vé qua đò cho phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương. Các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh tăng cường tuyên truyền sâu rộng pháp luật về TTATGT đường thủy nội địa đến đông đảo nhân dân...
Cần sự vào cuộc của mọi người
Đi dọc các con sông trên địa bàn của tỉnh mới thật sự thấy được mối lo từ các chuyến đò ngang. Trên sông Hoàng Long đi từ cầu Gián Khẩu đến Đồng Chưa chỉ khoảng hơn 10 km chúng tôi đã bắt gặp 5-6 bến đò, bắt đầu từ đò Tùy Hối, rồi đến đò Gia Thắng, Trường Yên, đò Đông Khê và Chấn Hưng... Hầu hết các đò này đều có vi phạm về an toàn đò dọc. Hôm chúng tôi đi, mặc dù các đò không đông khách lắm nhưng 100% khách qua đò không mặc áo phao. Có đò ngang sông Hoàng Long, mặc dù đã bị các cơ quan chức năng đình chỉ; đề nghị thay đò mới từ đầu tháng 3-2009 nhưng hiện tại vẫn đang hoạt động. Trên sông Bôi, có 8 đò ngang đang hoạt động, với hình thức đò chèo tay, tuy không thuộc diện phải đăng ký, đăng kiểm nhưng qua kiểm tra cả 8 bến đò đều chưa có giấy phép mở bến, đã bị xử lý hành chính và đình chỉ hoạt động; tuy nhiên nhiều đò vẫn hàng ngày chở khách qua sông. Trên sông Vạc có 7 bến đò thì đã bị các cơ quan chức năng đình chỉ hoạt động 3 đò. Trên sông Càn có 3 bến đò, 2 bến không thuộc diện phải đăng kiểm, đò chạy theo ròng rọc kéo tay - vỏ gỗ, 1 đò đã bị đình chỉ hoạt động... Toàn tỉnh, qua đợt kiểm tra của các lực lượng chức năng đầu tháng 3-2009 có tới gần 30 bến đò bị đình chỉ hoạt động, một số đò buộc phải dừng hoạt động. Tuy nhiên, nhiều bến đò vẫn thường xuyên hoạt động chở khách qua sông. Tình trạng đò đã bị đình chỉ hoặc tạm dừng hoạt động mà vẫn hoạt, theo chúng tôi trách nhiệm trước hết thuộc về chính quyền địa phương nơi có các bến đò. Thực tế cho thấy, nhiều bến đò ngang sông thuộc trách nhiệm quản lý của 2 địa phương (2 huyện, 2 xã, thậm chí là 2 tỉnh khác nhau). Từ đó cho thấy, trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc giải quyết vấn đề đò ngang là rất cần thiết, đặc biệt là chính quyền cơ sở nơi trực tiếp quản lý các đò ngang sông.
Mặt khác, theo Luật Giao thông thủy nội địa thì chính quyền địa phương phải có trách nhiệm tuyên truyền, hướng dẫn các chủ phương tiện và người đi đò thực hiện đúng Luật Giao thông đường thủy nội địa. ở nhiều địa phương, nhiều bến đò ngay từ việc cho thuê, đấu thầu, khoán quản các bến đò cũng chưa thật hợp lý dẫn đến không có sự cạnh tranh lành mạnh, làm cho các bến đò chưa có sự đầu tư cần thiết để đảm bảo an toàn cho người đi đò. Nhiều địa phương có nguồn thu từ các bến đò nhưng không có sự đầu tư trở lại để nâng cấp, sửa chữa và sắm trang bị những phương tiện cần thiết phục vụ cho việc chở đò. Công tác giám sát và xử lý vi phạm về an toàn đò của chính quyền địa phương sở tại chưa kịp thời. Công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân và các chủ phương tiện trong việc chấp hành pháp luật còn hạn chế. Từ đó cho thấy, rất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn của cấp chính quyền sở tại.
Có sự chỉ đạo đúng hướng, các cấp ủy đảng, chính quyền cùng vào cuộc, cộng với ý thức của người dân cần được nâng cao thì vấn đề an toàn đò ngang mới có thể được thực hiện tốt.
Bài, ảnh: Mạnh Dũng