NHIỀU KHÓ KHĂN, BẤT CẬP VỀ AN TOÀN GIAO THÔNG
Mật độ lưu thông lớn
Giờ tan ca, hàng trăm công nhân của Công ty TNHH MCNEX Vina (thuộc Khu công nghiệp Phúc Sơn) ùn ùn kéo ra, băng qua đường. Theo tìm hiểu và quan sát của phóng viên, Công ty TNHH MCNEX Vina có cổng tiếp giáp với tuyến đường vành đai thành phố Ninh Bình, một đầu nối thông ra Quốc lộ 1A, một đầu nối thông ra Quốc lộ 10 và từ quốc lộ 10 nối ra đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Chính vì vậy, đây là tuyến đường có lưu lượng xe lưu thông từ đường cao tốc đi vào rất đông với nhiều xe vận tải hành khách đường dài, nhiều xe chở hàng hóa có tải trọng lớn. Ước tính mỗi ngày có hàng nghìn lượt phương tiện giao thông đi trên tuyến đường này. Trong khi ý thức chấp hành luật lệ giao thông của người tham gia giao thông còn thấp, nhiều trường hợp không chấp hành đội mũ bảo hiểm, đi ngược chiều, vượt qua dải phân cách, tranh giành làn đường, rú còi inh ỏi... do vậy, nguy cơ gây mất an toàn rất cao.
Chị Lê Thị Hoa, công nhân Công ty TNHH MCNEX Vina cho biết: Thực tế nhiều trường hợp anh em công nhân phải chấp nhận vi phạm quy định Luật Giao thông đường bộ để kịp giờ làm, nhưng cũng có những trường hợp chủ quan, cố tình vi phạm.
Bà Nguyễn Thị út, người dân bán nước ven đường cho biết: Hàng ngày chúng tôi chứng kiến nhiều tình huống nguy hiểm về vấn đề giao thông tại đây, cả công nhân và chủ các xe lớn đều lơ là, không chấp hành đúng luật giao thông, xe lớn cứ chạy ầm ầm không giảm tốc độ, còn công nhân tìm mọi cách luồn lách băng qua đường.
KCN Gián Khẩu (trên địa bàn huyện Gia Viễn), có 2 cổng ra vào, trong đó cổng tiếp giáp với Quốc lộ 1A thuộc địa bàn xã Gia Xuân luôn có nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông vì điểm giao cắt tại đây nhỏ, lòng đường sát nhà dân và không có vỉa hè. Trong khi hằng ngày có hàng nghìn phương tiện gồm cả xe khách, xe tải có tải trọng lớn lưu thông trên Quốc lộ 1A, cộng với 1/3 số công nhân của KCN (tương đương 2.600 công nhân) đi vào và ra về qua cửa ngõ này.
Có thời điểm, nhất là những lúc tan ca, cửa ngõ này trở nên đông nghẹt người, ô tô và xe máy chen lấn nhau. Theo phản ánh của người dân sống dọc Quốc lộ 1A, lượng xe lưu thông ở đây rất đông, trong khi người tham gia giao thông kể cả người lái xe tải, xe khách, xe con... và người đi xe máy chấp hành chưa tốt quy định về an toàn giao thông. Nhiều công nhân liều mình dắt xe băng ngang qua đường, luồn lách giữa các ôtô... Tại nút giao thông này đã từng xảy ra va chạm xe và có cả tai nạn gây chết người.
Như vậy, mật độ lưu thông lớn cùng ý thức chấp hành luật lệ giao thông của người tham gia chưa cao đã biến những cửa ngõ các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh trở thành nơi có nguy cơ mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Hạ tầng giao thông các KCN, CCN chưa hoàn thiện
Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 7 KCN được quy hoạch với tổng diện tích hàng trăm ha và hàng chục CCN đã được UBND tỉnh có quyết định thành lập. Qua tìm hiểu được biết, hầu hết cơ sở hạ tầng giao thông KCN, CCN chưa hoàn thiện. Chất lượng nhiều tuyến đường trong các KCN, CCN không đảm bảo theo quy chuẩn, chưa có đèn chiếu sáng, hệ thống biển báo giao thông, các điểm dừng đỗ, đón trả khách trong KCN cho xe búyt, xe đưa đón công nhân....
Đồng chí Lê Tiến Dũng, Đồn trưởng Đồn công an KCN Gián Khẩu cho biết: Mặc dù KCN Gián Khẩu đi vào hoạt động đã lâu, nhưng đến nay cơ sở hạ tầng giao thông chưa được hoàn thiện, không đáp ứng được yêu cầu, các tuyến đường nội bộ KCN đều không có hệ thống biển báo, vạch kẻ đường... Hiện nay, các xe chở hàng hóa vào KCN vẫn đỗ, dừng hai bên các tuyến đường trong KCN. Điều này gây khó khăn cho lực lượng Công an trong công tác quản lý, xử phạt, nhắc nhở người và phương tiện tham gia giao thông trong KCN Gián Khẩu.
Bên cạnh đó, một đặc điểm chung là hầu hết các KCN được quy hoạch gần hoặc tiếp giáp với các tuyến đường lớn để thuận tiện về lưu thông hàng hóa như: KCN Gián Khẩu có 2 cổng ra vào tiếp giáp với Quốc lộ 1A và đường tỉnh lộ 477; Cổng KCN Khánh Phú tiếp giáp với Quốc lộ 10... Việc mở cửa hướng ra mặt đường lớn vừa tạo thuận lợi và mang lại lợi ích về mặt kinh tế cho các doanh nghiệp nhưng tiềm ẩn nguy cơ gây va chạm và mất an toàn giao thông ngay tại cửa ngõ của các KCN.
Mặt khác, hiện nay nhiều đường nội bộ của một số KCN đang bị biến thành đường lưu thông chính của các phương tiện giao thông từ các hướng và các luồng khác nhau. Tìm hiểu tại KCN Khánh Phú, được biết hiện KCN này có 23 đơn vị, doanh nghiệp đang hoạt động với 7.000 cán bộ, công nhân. KCN có cửa ngõ tiếp giáp với Quốc lộ 10, đây là một trong những tuyến đường có mật độ người và phương tiện lưu thông lớn.
Ngoài lượng lớn phương tiện của cán bộ, công nhân và xe ô tô chở hàng hóa, nguyên vật liệu của các doanh nghiệp ra vào thường xuyên, một số tuyến đường trong KCN Khánh Phú trở thành tuyến đường lưu thông chính của người dân thôn Phú Hào (xã Khánh Phú); là nơi để Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe Thành Nam sát hạch lái xe và xe của các Công ty đóng tàu, xe vận chuyển than, clanke của các cảng ngoài KCN đi qua.
Bên cạnh đó, tuyến đường vào cổng chính của KCN Khánh Phú còn bị các lái xe sử dụng làm đường tắt đi từ đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình về hướng các huyện Yên Khánh, Kim Sơn. Với sự biến đổi công năng của một số tuyến đường đã làm cho mật độ lưu thông trên các tuyến đường nội bộ và cửa ngõ KCN Khánh Phú tăng. Đây là một trong những bất cập làm tăng nguy cơ gây ùn tắc, tai nạn giao thông và gây khó khăn cho công tác quản lý, thực thi Luật An toàn giao thông đường bộ tại KCN Khánh Phú.
TĂNG CƯỜNG PHỐI HỢP ĐẢM BẢO AN TOÀN GIAO THÔNG
Đảm bảo an toàn giao thông tại các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) trở thành vấn đề phức tạp, khó khăn, đòi hỏi sự tích cực vào cuộc và phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành chức năng và các địa phương trên địa bàn tỉnh để giải quyết triệt để vấn đề này.
Giờ tan ca tại cổng Công ty TNHH MCNEX Vina (KCN Phúc Sơn). Ảnh: Trường Giang
Xử lý các điểm tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông
Để giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông tại các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh, thời gian qua lực lượng Công an phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát, trực tiếp điều tiết giao thông tại các điểm tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông vào giờ cao điểm là buổi sáng vào ca và buổi chiều khi tan ca.
Tại KCN Khánh Phú, vào giờ cao điểm có gần 6.000 cán bộ, công nhân và lượng lớn xe của các hướng khác nhau lưu thông qua điểm giao cắt giữa Quốc lộ 10 và đường dẫn vào cổng KCN. Do vậy trước kia, đây là một trong những nút giao thông phức tạp, thường xuyên gây ra ùn tắc và xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nguy hiểm.
Hiện nay tình trạng này đã được giải quyết nhờ sự phối kết hợp nhịp nhàng giữa lực lượng Cảnh sát giao thông Công an huyện Yên Khánh, Đồn Công an KCN Khánh Phú và lực lượng an ninh xã Khánh Phú. Đồng chí Phạm Văn Nội, Đội trưởng Đội CSGT, Công an huyện Yên Khánh cho biết: Hàng ngày vào giờ cao điểm từ 6h30 đến 8h sáng và 16h45 đến 15h15 chiều, Đội công tác giao thông sẽ trực tiếp đứng phân luồng, điều tiết, chấn chỉnh và xử lý kịp thời những tình huống gây ùn tắc giao thông, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm, nhất là trường hợp không đội mũ bảo hiểm, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Đồng thời lắp loa tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành giao thông đường bộ đối với công nhân KCN, người dân và chủ phương tiện tham gia giao thông. Giải pháp này đã phát huy hiệu quả, từng bước nâng cao ý thức của công nhân, người tham gia giao thông, giảm thiểu ùn tắc, mất an toàn giao thông. Do vậy từ năm 2016 đến nay ghi nhận chưa xảy ra vụ va chạm, tai nạn giao thông nào tại đây.
Tại khu vực cổng KCN Gián Khẩu tiếp giáp với đường tỉnh lộ 477, vào cuối buổi chiều hằng ngày, chợ tạm, chợ cóc lại mọc lên, người bán, người mua tấp nập, lấn chiếm hết cả lòng, lề đường. Mỗi khi tan ca, hàng nghìn công nhân ùn ùn kéo ra, cùng với việc họp chợ trái phép là nguyên nhân gây lộn xộn, ùn tắc, mất an toàn giao thông.
Để đảm bảo an toàn giao thông trong giờ cao điểm, giải quyết ùn tắc giao thông tại điểm cổng tiếp giáp đường tỉnh lộ 477, Đồn công an KCN Gián Khẩu phối hợp với công an xã Gia Tân và cụm trưởng 6 xã giáp ranh đã tổ chức trực tuần tra thường xuyên, dẹp gọn những hàng quán, điều tiết và phân luồng để xe lưu thông.
Đồng thời tuyên truyền, vận động, nhắc nhở công nhân KCN thực hiện tốt Luật Giao thông đường bộ. Do vậy, hiện nay, tại điểm chợ cóc của KCN Gián Khẩu đã hạn chế được tình trạng ùn tắc, mất an toàn giao thông.
Triển khai nhiều giải pháp đồng bộ
Mặc dù ngành Công an và các địa phương đã phối hợp thực hiện có hiệu quả, xử lý một số điểm tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông tại các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh, nhưng hoạt động này còn ít, chưa thường xuyên do lực lượng mỏng. Vẫn còn nhiều nút giao thông có nhiều phương tiện đi lại và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông chưa được tuần tra, điều tiết và phân luồng.
Bên cạnh đó, ý thức của người tham gia giao thông chưa tốt, cứ vắng bóng lực lượng chức năng là vi phạm Luật Giao thông, nhiều công nhân KCN vẫn cố tình luồn lách, phóng nhanh, vượt ẩu, người bán hàng tại chợ cóc tiếp tục lấn chiếm lòng, lề đường.
Ngoài nguyên nhân do công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự, an toàn giao thông cho cán bộ, công nhân còn hạn chế thì những bất cập về hạ tầng giao thông trong và đường ngoài KCN, CCN như thiếu hệ thống biển báo, các điểm dừng đỗ, vạch kẻ đường... khiến việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông gặp khó khăn.
Đảm bảo an toàn giao thông tại các KCN, CCN trở thành vấn đề phức tạp, do vậy cuối năm 2016 Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt đề án "Tăng cường các giải pháp đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ tại những khu vực có KCN, CCN trên địa bàn toàn quốc".
Đề án nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông cho cán bộ quản lý, người lao động trong các KCN, CCN và người dân sống xung quanh các điểm này. Đồng thời nâng cao điều kiện an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông tại khu vực KCN, CCN, tăng cường công tác quản lý nhà nước và sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông nhằm giảm 5 - 10% số người chết hằng năm do TNGT và giảm thiểu ùn tắc giao thông tại các KCN, CCN.
Đồng chí Trần Xuân Mạnh, Đồn trưởng Đồn công an KCN Khánh Phú cho biết: Để thực hiện hiệu quả và đạt mục tiêu của đề án trên, lực lượng công an phối hợp với các ngành chức năng phải tăng cường, đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông tại các KCN, CCN bằng nhiều hình thức: tuyên truyền trực tiếp trong các nhà máy, tuyên truyền thông qua đài, loa phát thanh, tuyên truyền trực quan bằng các khẩu hiệu ngay tại cổng KCN, CCN, cổng các doanh nghiệp, các nhà máy.
Lực lượng công an phụ trách các KCN, CCN làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp, yêu cầu ký cam kết đảm bảo an toàn giao thông và đưa vấn đề thực hiện an toàn giao thông vào trong quy định và xét thưởng, thi đua của cán bộ, công nhân.
Đồng thời hỗ trợ, làm cầu nối giúp cán bộ, công nhân trong các KCN tham gia học và được cấp giấy phép lái xe, từ đó nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của cán bộ, công nhân các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh khi tham gia giao thông.
Cùng với đó, lực lượng công an (gồm công an giao thông và công an phụ trách KCN, CCN) phối hợp với các địa phương thành lập tổ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính trong đảm bảo trật tự, an toàn giao thông tại các KCN, CCN; tuần tra, xóa bỏ chợ cóc, chợ tạm lấn chiếm lòng đường, lề đường để kinh doanh buôn bán.
Huy động các lực lượng phối hợp tiến hành phân luồng, hướng dẫn giao thông trong giờ cao điểm tại cổng và vị trí có tình hình giao thông phức tạp tại khu vực KCN, CCN.
Để đảm bảo an toàn giao thông trong và ngoài các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh, bên cạnh những động thái tích cực của ngành Công an và các địa phương có KCN, CCN, trong thời gian tới cần có sự phối hợp chặt chẽ và vào cuộc của các sở, ban, ngành chức năng như: Sở Giao thông Vận tải; Ban Quản lý các khu công nghiệp.... trong việc thực hiện tốt các nhiệm vụ đã đề ra trong Đề án "Tăng cường các giải pháp đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ tại những khu vực có KCN, CCN trên địa bàn toàn quốc".
Trong đó trọng tâm là rà soát và điều chỉnh quy hoạch chi tiết các KCN, CCN phù hợp với quy hoạch giao thông vận tải. Tiến hành rà soát và điều chỉnh quy hoạch tuyến xe búyt, bố trí các điểm dừng, đỗ trong KCN, CCN, đặc biệt đối với các KCN có quy mô trên 100 ha.
Đồng thời, kết cấu hạ tầng giao thông vận tải trong KCN, CCN phải tuân thủ các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về giao thông vận tải và bảo đảm an toàn giao thông, đảm bảo kết nối đồng bộ với hệ thống cơ sở hạ tầng khác. Tiến hành cải tạo xóa bỏ các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông trên hệ thống đường bộ khu vực xung quanh các KCN, CCN.
Đối với khu vực trong KCN, CCN tiến hành rà soát, thay thế và lắp đặt hệ thống báo hiệu đường bộ theo đúng quy định của Quy chuẩn quốc gia và cải tạo điều kiện giao thông tại các nút giao trong khu vực, ưu tiên lắp đặt các biển cảnh báo, bổ sung vạch sơn và gờ giảm tốc...
Hồng Giang