Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh đang có 5 khu công nghiệp và 12 cụm công nghiệp đã có dự án đi vào hoạt động với tổng số 57 cơ sở, 162 dự án đang hoạt động, thu hút khoảng 50 nghìn lao động làm việc. Hiện các đơn vị này đang nỗ lực sản xuất, kinh doanh và có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế của địa phương.
Tuy nhiên, công tác PCCC & CNCH tại nhiều đơn vị thời gian qua chưa được quan tâm đúng mức, như chưa lập hồ sơ theo dõi hoạt động PCCC, chưa thành lập đội PCCC chuyên ngành, cũng như chưa đầu tư đầy đủ trang thiết bị về PCCC theo đúng quy định. Điều đó cho thấy rõ sự chủ quan của các doanh nghiệp, các chủ đầu tư trong công tác an toàn PCCC.
Để đảm bảo an toàn cháy nổ tại các khu, cụm công nghiệp, các ban, ngành, đoàn thể đã tích cực vào cuộc, trong đó phải kể đến vai trò nòng cốt của lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH Công an tỉnh. Đồng chí đại tá Đặng Văn Linh, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh cho biết: Thời gian qua, Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH Công an tỉnh đã phối hợp với Ban quản lý Các khu công nghiệp tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo thực hiện quyết liệt nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với công tác PCCC trong các khu công nghiệp; rà soát, lập danh sách và phân loại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp để tiện quản lý; phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính việc chấp hành các quy định về an toàn PCCC trong các khu công nghiệp, kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở nguy cơ cao về cháy nổ nằm trong khu công nghiệp mà không đảm bảo các điều kiện về an toàn PCCC.
Bên cạnh việc kiểm tra, xử lý các vi phạm, lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH Công an tỉnh còn tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng PCCC cơ sở, trong đó chú trọng tổ chức tuyên truyền, tập huấn, tổ chức diễn tập cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh những mặt hàng dễ cháy như may mặc, hóa chất, xăng dầu…và xây dựng phong trào thi đua "Toàn dân tham gia PCCC" tại các khu công nghiệp để nâng cao nhận thức về công tác PCCC cho người đứng đầu các cơ sở và công nhân lao động.
Tích cực hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng, củng cố, kiện toàn lực lượng PCCC cơ sở. Tổ chức huấn luyện, trang bị phương tiện đầy đủ cho lực lượng PCCC cơ sở; định kỳ kiểm tra, bảo dưỡng các phương tiện chữa cháy và nguồn nước chữa cháy, đảm bảo đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ chữa cháy tại chỗ nếu có tình huống cháy, nổ xảy ra...
Đại tá Đặng Văn Linh cũng cho rằng: Công tác đảm bảo an toàn PCCC tại các khu công nghiệp và cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ không đạt hiệu quả cao nếu chỉ dựa vào lực lượng cảnh sát PCCC chuyên nghiệp, mà rất cần sự vào cuộc, phối hợp tích cực của các cấp, các ngành, ý thức trách nhiệm của các chủ doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp.
Trong đó, Ban Quản lý Các khu công nghiệp tỉnh, Sở Công thương cần phải tăng cường quản lý nhà nước đối với công tác đầu tư xây dựng hạ tầng tại các khu, cụm công nghiệp; chỉ đạo các chủ đầu tư hạ tầng thực hiện đầy đủ các quy định về PCCC gồm: Thẩm duyệt thiết kế về PCCC, nghiệm thu về PCCC cho khu, cụm công nghiệp; thành lập đội PCCC chuyên ngành theo quy định...
Các doanh nghiệp cần phải đầu tư hơn nữa cho công tác an toàn PCCC, trong đó chú trọng đầu tư trang thiết bị, yếu tố con người và tuyên truyền, thực tập phương án PCCC & CNCH; thường xuyên nhắc nhở cán bộ, công nhân viên chấp hành nghiêm túc các quy định về PCCC nhằm đảm bảo an toàn PCCC trong quá trình hoạt động sản xuất.
Thời gian tới, Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH sẽ tiếp tục phối hợp tăng cường công tác kiểm tra, rà soát tổng thể tại các dự án, trực tiếp làm việc với các chủ doanh nghiệp để chấn chỉnh, báo cáo với UBND tỉnh có phương án giải quyết, tháo gỡ nhằm đảm bảo sự hài hòa trong công tác thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội nhưng phải tuân thủ các quy định về phòng, chống cháy nổ…
Bài, ảnh: Kiều Ân