Nếu nước biển dâng 1m thì 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, 10% diện tích đồng bằng sông Hồng sẽ bị ngập, ảnh hưởng trực tiếp đến 20-30 triệu người dân. Ninh Bình là một trong những tỉnh có gần 20km bờ biển cũng chịu tác động không nhỏ từ biến đổi khí hậu.
Vì vậy, cần tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, qua đó nâng cao ý thức xây dựng lối sống thân thiện với môi trường, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên góp phần ứng phó tốt nhất với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.
Xây dựng chương trình hành động cụ thể, gắn liền với trách nhiệm được giao, chú trọng lồng ghép các nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, xây dựng Ninh Bình trở thành địa phương theo hướng Xanh-sạch-đẹp, văn minh, hiện đại và thân thiện với môi trường.
Đồng thời giúp các địa phương trong việc hoạch định chính sách, quy hoạch kinh tế-xã hội hợp lý, xác định yêu cầu xanh hóa sản xuất, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, thiên nhiên, kiểm soát ô nhiễm, quản lý chất thải hiệu quả; Chủ động ứng phó, phòng, chống thiên tai, xâm nhập mặn, củng cố hệ thống đê sông, biển và bảo đảm các hồ chứa, công trình dân sinh, hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai nông nghiệp.
Tranh thủ mọi nguồn lực tích hợp, thích ứng và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, đảm bảo ổn định sản xuất. Tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, cải thiện môi trường.
Quy hoạch lại các khu vực nuôi trồng thủy sản, tăng cường ứng dụng tiến bộ KHKT các tiêu chuẩn chất lượng trong nuôi trồng thủy sản để giảm thiểu rủi ro, khai thác thủy sản bền vững, đảm bảo cân bằng sinh thái. Quản lý và bảo vệ đê, kè, chống xói mòn bờ sông, lưu giữ quá trình lắng đọng phù sa ven bờ...
Thường xuyên thanh, kiểm tra, rà soát, thống kê các ngành sản xuất phát sinh chất thải gây ô nhiễm môi trường có biện pháp xử lý kiên quyết. Khuyến khích doanh nghiệp đổi mới quy trình công nghệ, áp dụng công nghệ sản xuất xanh, công nghệ thân thiện môi trường.
Tăng cường đầu tư, hiện đại hóa hệ thống dự báo, cảnh báo thiên tai, xây dựng hệ thống các trạm quan trắc, giám sát trên địa bàn.
Tập trung xây dựng và phát triển công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, có lợi thế cạnh tranh, đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm các ngành công nghiệp hiện có, nhất là công nghệ chế biến.
Đầu tư phát triển Khu công nghiệp sinh thái và khu công nghệ cao thân thiện với môi trường. Xử lý kiểm soát ô nhiễm môi trường giảm thiểu mức độ gia tăng ô nhiễm trong sản xuất công nghiệp.
Kiên quyết giảm phát thải trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đô thị theo hướng công trình xanh, tiết kiệm năng lượng, sinh thái, bền vững. Xử lý hiệu quả nước thải, chất thải rắn cho đô thị và các điểm dân cư nông thôn.
Tăng cường thẩm định đối với các hoạt động đầu tư, chuyển giao công nghệ, ngăn chặn đưa công nghệ lạc hậu, không đảm bảo yêu cầu môi trường vào địa bàn tỉnh. áp dụng thử nghiệm một số công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu có tiềm năng và phù hợp với điều kiện Ninh Bình. Có cơ chế chính sách khuyến khích nghiên cứu, chuyển giao công nghệ về biến đổi khí hậu. Huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế.
Chú trọng đầu tư các dự án phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, thân thiện môi trường. Tranh thủ nguồn đầu tư từ Trung ương, các tổ chức Quốc tế, các doanh nghiệp, tư nhân và đóng góp của nhân dân... để triển khai thực hiện nội dung, chương trình, kế hoạch...
Nguyễn Kim