Đây là những chỉ số đo lường và đánh giá chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố trong cả nước, qua đó giúp các nhà đầu tư, doanh nghiệp so sánh môi trường kinh doanh ở các địa phương để có quyết định đầu tư hay mở rộng sản xuất, đồng thời giúp lãnh đạo các tỉnh, thành phố xác định được những hạn chế trong việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển và thu hút đầu tư để có những giải pháp điều chỉnh một cách hiệu quả nhất nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ở địa phương mình.
Đối với tỉnh ta, trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm và có sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt trong việc nâng cao chỉ số PCI của tỉnh Ninh Bình bằng nhiều giải pháp đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm hướng tới việc xây dựng chính quyền năng động, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Từ năm 2005 đến nay, tỉnh Ninh Bình nhiều năm có chỉ số PCI được xếp loại tốt và khá trong nhóm các tỉnh, thành phố của cả nước. Tuy vậy, năm 2017, tỉnh ta được xếp loại chỉ số PCI vào nhóm trung bình. Ngày 22/5/2018, UBND tỉnh đã có văn bản số 43/UBND-VP2 về việc triển khai các giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Kết quả sau một năm tích cực phấn đấu, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 của tỉnh Ninh Bình đạt 63,55 điểm (cao hơn 1,69 điểm, tăng từ nhóm xếp hạng trung bình lên nhóm hạng khá của cả nước), tăng 7 bậc so với năm 2017, đứng thứ 29/63 các tỉnh, thành phố trong cả nước và đứng thứ 6/11 tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Hồng. Một số chỉ số tăng khá cao như: Chi phí gia nhập thị trường (tăng 11 bậc); Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (tăng 22 bậc); Đào tạo lao động (tăng 5 bậc)....
Bên cạnh đó, có một số chỉ số đạt thấp, xếp vào nhóm cuối trong các tỉnh, thành phố như: Tính minh bạch (xếp thứ 63/63); Tiếp cận đất đai (xếp thứ 47/63); Chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước (xếp thứ 39/63); Chi phí không chính thức (xếp thứ 19/63); Tính năng động (xếp thứ 32/63) các tỉnh, thành phố.... Kết quả những chỉ số trên cho thấy, còn một số cơ quan, địa phương chưa quyết liệt thực hiện nghiêm túc đề án cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân theo chỉ đạo của UBND tỉnh; chưa tích cực và chủ động giải quyết các khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp. Việc công bố công khai về cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch của tỉnh, quy trình giải quyết thủ tục hành chính của nhiều sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND huyện, thành phố còn chậm, chưa đầy đủ. Còn để tình trạng không ít doanh nghiệp gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng, đầu tư, triển khai dự án do giá đền bù cao, thời gian thực hiện kéo dài.
Để cải thiện chỉ số PCI trong năm 2019 và những năm tiếp theo, cấp ủy Đảng và nhất là chính quyền các cấp cần phải tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019, định hướng đến năm 2021. Phát huy tinh thần trách nhiệm, tính năng động, nhạy bén của người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị; nâng cao năng lực, trách nhiệm của cán bộ trực tiếp hướng dẫn, thẩm tra, hoàn thiện các thủ tục cấp phép cho các doanh nghiệp trong các lĩnh vực, nhất là cấp quyền sử dụng đất; chứng nhận đăng ký đầu tư; giấy phép xây dựng; giấy phép đủ điều kiện kinh doanh. Nhiệm vụ trước mắt là củng cố và giữ vững các chỉ số thành phần PCI tăng cao đang nằm trong tốp đầu của cả nước và khu vực.
Đồng thời, tập trung cải thiện các chỉ số thành phần PCI có thứ hạng thấp so với các tỉnh, thành phố trên cả nước. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc văn bản số 43/UBND-VP2 ngày 22/5/2018 của UBND tỉnh về việc triển khai các giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Chủ động xây dựng kế hoạch triển khai, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị phối hợp. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, nhất là các đơn vị được giao chủ trì thực hiện các giải pháp cải thiện của từng chỉ số thành phần PCI. Có chính sách động viên, khen thưởng các đơn vị triển khai thực hiện tốt các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đồng thời kiên quyết phê bình, xử lý các sở, ban, ngành, huyện, thành phố và các cá nhân chậm chễ, thiếu trách nhiệm, sách nhiễu, gây phiền hà cho cá nhân và doanh nghiệp trong phối hợp giải quyết công việc, nhất là công việc liên quan đến đầu tư, xây dựng, đất đai…
Nguyễn Đông