Tại khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh, trong những ngày cuối tháng 9 và đầu tháng 10, số ca mắc bệnh tay chân miệng nhập viện điều trị tăng đáng kể, chiếm tỷ lệ nhiều nhất trong tổng số ca bệnh nhập viện, với 5-6 ca/ngày, điều trị tại khoa luôn có trên dưới 30 ca bệnh. Chị Vũ Thị Thanh Nhàn, xã Gia Phú (Gia Viễn) cho con gái 15 tháng tuổi nhập viện vì mắc bệnh tay chân miệng được 4 ngày nay cho biết, khi thấy con gái có triệu chứng sốt, gia đình tưởng sốt mọc răng, tuy nhiên sau 1 ngày cho uống thuốc, bé không cắt sốt mà còn nổi mẩn tay, chân, ngủ hay giật mình… Cho cháu đi khám, các bác sĩ chẩn đoán bé mắc bệnh tay chân miệng, yêu cầu nhập viện điều trị. Qua 4 ngày điều trị theo phác đồ của bác sĩ, hiện sức khỏe bé đã ổn định, được chỉ định theo dõi vài ngày nữa có thể xuất viện.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thùy Dương, Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Sản- Nhi tỉnh cho biết: Hiện đang là thời điểm giao mùa, thuận lợi cho bệnh tay chân miệng lây lan và phát triển. Nguyên nhân của bệnh này do siêu vi trùng đường ruột Coxsackieviruses A16 và enterovirus 71 gây ra, thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi. Bệnh tay chân miệng ở trẻ có thể lây từ người này sang người khác qua tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi, họng, nước bọt từ trẻ bệnh sang trẻ lành. Biểu hiện chính của bệnh là sốt, ngủ giật mình và có các bọng nước ở các vị trí đặc biệt như miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông và gối. Hiện vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh tay chân miệng, nên khi mắc bệnh, có thể gây biến chứng về thần kinh, viêm não, màng não, viêm cơ tim, viêm phổi rất nguy hiểm và nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Thị Thùy Dương, bệnh tay chân miệng ở trẻ thường xuất hiện ở những khu vực đông người như trường học, nhà trẻ… Khi trẻ mắc bệnh, cần đưa đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế chuyên khoa da liễu hoặc truyền nhiễm, không được tự mua thuốc điều trị để tránh các biến chứng. Hiện không có thuốc đặc hiệu diệt vi rút gây bệnh tay chân miệng, do đó các biện pháp điều trị chủ yếu là chăm sóc cho trẻ bị bệnh. Cho trẻ dùng các loại thuốc hạ sốt, giảm đau; bù đủ nước nếu có sốt cao. Trẻ cần ăn đủ dinh dưỡng, thức ăn lỏng, dễ tiêu; vệ sinh miệng thường xuyên bằng các dung dịch sát khuẩn. Đối với các thương tổn ngoài da, bôi các dung dịch sát khuẩn để tránh bội nhiễm... Phương pháp phòng, chống bệnh hiệu quả là giữ vệ sinh thật sạch cho trẻ; thường xuyên cọ rửa đồ dùng, đồ chơi cho bé; rửa tay bằng xà phòng thường xuyên; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống... và tránh tiếp xúc với trẻ bị bệnh.
Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, từ đầu năm đến nay, mặc dù tại một số địa phương trong cả nước đã xuất hiện và bùng phát một số dịch bệnh nguy hiểm, gây tử vong như: sởi, tay chân miệng, quai bị, viêm gan vi rút… nhưng tỉnh Ninh Bình vẫn là địa bàn an toàn trong công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Kết quả giám sát bệnh truyền nhiễm cho thấy, các Trung tâm y tế đã giám sát thường xuyên các bệnh truyền nhiễm, chủ động phòng chống dịch bệnh theo mùa, đặc biệt là các bệnh dịch mùa mưa bão... Trong 9 tháng năm 2018, hầu hết các bệnh truyền nhiễm (24/28 bệnh) có số trường hợp mắc giảm so với cùng kỳ năm 2017; đặc biệt là bệnh sốt xuất huyết, giảm 41 lần so với năm 2017; bệnh do liên cầu lợn ở người không ghi nhận trường hợp bệnh.
Một số bệnh có số trường hợp mắc tăng so với cùng kỳ năm 2017 như: Viêm gan vi rút có 1.112 ca mắc (cùng kỳ năm 2017 có 636 ca), tăng 1,7 lần; bệnh sởi, năm 2017 không có ca mắc, 9 tháng năm nay có 20 ca mắc, tăng 14 lần; bệnh thủy đậu có 442 ca (năm 2017 là 361 ca); bệnh quai bị có 434 ca, cùng kỳ năm trước có 321 ca; bệnh tay chân miệng tăng gần 20 ca so với cùng kỳ năm trước… Đặc biệt hiện nay đang là thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường, khí hậu lạnh khô hanh tạo điều kiện cho vi-rút gây bệnh phát triển, số ca bệnh tay chân miệng, cúm, sởi và sốt xuất huyết luôn tiềm ẩn nguy cơ gia tăng, do đó, việc chủ động phòng, chống dịch bệnh đóng vai trò quan trọng.
Trước tình hình trên, ngành Y tế đã chỉ đạo các đơn vị y tế địa phương chủ động giám sát, xử lý triệt để các ổ dịch, đồng thời trang bị đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, khu vực cách ly phục vụ công tác tiếp nhận, điều trị. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân bằng nhiều hình thức để tự phòng tránh tại gia đình. Đặc biệt chú trọng giám sát các ca bệnh sốt xuất huyết, hiện trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 15 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 1 trường hợp nội địa; ghi nhận 1 ổ dịch tại xã Kim Chính, huyện Kim Sơn... Phối hợp chặt chẽ với Chi cục Chăn nuôi và Thú y thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người. Cùng với đó, biện pháp phòng, chống lâu dài và hiệu quả là chủ động tiêm vắc-xin phòng bệnh. Hiện nay, trong chương trình tiêm chủng mở rộng đã triển khai vắc-xin tiêm phòng 8 bệnh truyền nhiễm cơ bản cho trẻ, các gia đình cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đồng thời thực hiện các biện pháp dự phòng theo khuyến cáo của ngành Y tế. Nếu trẻ có các biểu hiện sốt, ho và triệu chứng lạ cần đưa đến các cơ sở y tế để khám, sàng lọc, kịp thời cách ly điều trị, tránh lây lan trong cộng đồng.
Bài, ảnh: Hạnh Chi