Năm 2008, đã có 50 triệu người trên 35 quốc gia tham gia tắt đèn để ủng hộ cho Giờ Trái Đất. Và năm 2009, nhà tổ chức hy vọng chiến dịch Giờ Trái Đất sẽ đạt con số 1 tỷ người trên 1.000 thành phố của khắp thế giới tham gia với mục đích biểu trưng tinh thần đoàn kết chưa từng thấy từ trước đến nay và tạo ra một nhiệm vụ toàn cầu để chống lại sự biến đổi của khí hậu của tất cả mọi người. Giờ Trái Đất năm 2009 là một chiến dịch mang tính quốc tế, là cơ hội để góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi người trong việc tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường.
Tính đến ngày 25-3-2009, theo thông tin từ trang web www.earthhour.org, trang web chính thức của chiến dịch Giờ Trái Đất năm 2009, đã có 2.712 thành phố của 83 quốc gia, vùng lãnh thổ cam kết sẽ tham gia chiến dịch này. Những thành phố lớn có dân số cao như Sydney, Seoul, Bắc Kinh, Hong Kong, Kuala Lumpur, Manila, Singapore, Bangkok, Jakarta, Mumbai và Delhi cũng đã góp tên trong danh sách các địa phương tham gia Giờ Trái Đất 2009. Như vậy là chỉ sau 3 năm, từ sự khởi đầu khá khiêm tốn vào ngày 31-3-2007 với hơn 2 triệu người tại thành phố Sydney tắt đèn và các thiết bị điện khác trong một giờ, đến nay, chiến dịch Giờ Trái Đất đã lan rộng khắp hành tinh.
Hồ Hoàn Kiếm sẽ tắt đèn trong chiến dịch Giờ Trái Đất.
Ngày 10-12-2008, Việt Nam lần đầu tiên tham gia hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái Đất và đã chính thức kêu gọi các tổ chức, cơ quan và người dân tham gia vào chiến dịch và tắt đèn tự nguyện vào thời gian diễn ra sự kiện chiến dịch Giờ Trái Đất năm 2009 (từ 20h30' đến 21h30' ngày 28-3-2009) nhằm nâng cao ý thức tiết kiệm năng lượng, góp phần tích cực vào việc giảm thiểu hiệu ứng khí nhà kính và biến đổi khí hậu. Đến nay, bên cạnh bốn thành phố là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Huế và Hội An đã chính thức tham gia chiến dịch, theo các cơ quan thông tin đại chúng còn có thêm ít nhất 40 tòa nhà lớn, khách sạn tại TP.HCM và một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, trường học, doanh nghiệp cam kết tham gia.
Ở tỉnh Ninh Bình ngày 23-3-2009, UBND tỉnh đã có Công văn số 97/UBND-VP3 về việc đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định mùa khô năm 2009 và hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái Đất năm 2009. Nội dung công văn chỉ rõ: Yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tiếp tục kiểm tra, chấn chỉnh việc sử dụng điện của cơ quan, đơn vị mình, đảm bảo tiết kiệm, hợp lý và hiệu quả, đồng thời thực hiện tốt việc tuyên truyền, vận động các cơ quan, đơn vị trực thuộc, toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động và nhân dân trong tỉnh hưởng ứng và tự nguyện tham gia vào chiến dịch Giờ Trái Đất; nâng cao ý thức tiết kiệm năng lượng, góp phần tích cực vào việc giảm thiểu hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu toàn cầu.
Chiến dịch Giờ Trái Đất được tiến hành trên phạm vi rộng, có lợi ích không chỉ trước mắt mà còn lâu dài. Để tham gia vào chiến dịch, các cơ quan, đơn vị và mọi người, mọi nhà chỉ cần tự nguyện tắt đèn trong thời gian diễn ra Giờ Trái Đất từ 20h30' đến 21h30' ngày 28-3-2009. Đây là lần đầu tiên đất nước ta nói chung và tỉnh Ninh Bình tham gia nên rất cần hành động tự nguyện, không được chỉ đạo cắt điện trong thời gian trên là đã coi như hưởng ứng Giờ Trái Đất. Tuy là hành động tự nguyện, đơn lẻ nhưng nên chăng ở các tuyến phố chính, các trụ sở của cơ quan, tổ chức, các nhà hàng, khách sạn của thành phố Ninh Bình, thị xã Tam Điệp, các thị trấn, thị tứ của các huyện cần có sự chỉ đạo thống nhất là tắt cả hoặc tắt một phần đèn chiếu sáng để không chỉ có hiệu quả thiết thực về kinh tế mà còn có cả hiệu quả tích cực về mặt xã hội.
Chiến dịch Giờ Trái Đất năm 2009 là cơ hội để cho mỗi chúng ta suy nghĩ và cùng nhau hành động bảo vệ môi trường, chống lại sự biến đổi khí hậu, đồng thời đây cũng là dịp để nâng cao nhận thức, có trách nhiệm hơn trong vấn đề sử dụng tiết kiệm năng lượng. Vì vậy, tất cả mọi người hãy tích cực hưởng ứng và tự nguyện tham gia chiến dịch Giờ Trái Đất năm 2009.
Đông Văn