Theo đề xuất của Vương quốc Bhutan, tháng 6/2012, Liên Hợp Quốc quyết định chọn ngày 20/3 là Ngày Quốc tế Hạnh phúc và còn vì đây là ngày đặc biệt trong năm, khi mặt trời nằm ngang đường xích đạo. Trong ngày này, độ dài ngày và đêm bằng nhau- là biểu tượng cho sự cân bằng, hài hòa của vũ trụ, đồng thời cũng là biểu tượng của sự cân bằng giữa âm và dương, giữa ánh sáng và bóng tối, giữa ước mơ và hiện thực...
Đến nay, hầu hết các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc trong đó có Việt Nam đã cam kết ủng hộ, hành động, tích cực và nỗ lực nhiều hơn để xây dựng một thế giới đại đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng xã hội công bằng, phát triển bền vững, đem lại hạnh phúc cho nhân loại.
Hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3) do Liên Hợp Quốc phát động, ngày 26/12/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2589/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Tổ chức các hoạt động nhân ngày Quốc tế Hạnh phúc 20 tháng 3 hằng năm" nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân, gia đình, toàn xã hội về Ngày Quốc tế Hạnh phúc, từ đó có hành động cụ thể, thiết thực xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc của người Việt Nam; tăng cường sự tham gia, phối hợp giữa các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân và sự hợp tác, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đối với các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc.
Việc tổ chức Ngày Quốc tế Hạnh phúc của Việt Nam là để cùng cả thế giới biểu thị mong muốn, niềm tin và quyết tâm phấn đấu vì một thế giới hòa bình, không có chiến tranh, không còn đói nghèo; một thế giới phát triển thịnh vượng và bền vững; một thế giới mà tất cả mọi người dù khác màu da, dân tộc, tôn giáo đều được hưởng trọn vẹn hạnh phúc.
Chủ đề của Ngày Quốc tế Hạnh phúc năm 2023 là HẠNH PHÚC CHO MỌI NGƯỜI. Khẩu hiệu là: Gia đình hạnh phúc là nền tảng của quốc gia hạnh phúc; tạo ra một môi trường sống và làm việc hạnh phúc hơn. Các nội dung tuyên truyền năm nay gồm: Nêu gương người tốt, việc tốt; các hoạt động xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc; phê phán những biểu hiện, hành vi bạo lực gia đình, vi phạm pháp luật về gia đình; khuyến khích mọi cá nhân, tổ chức, cộng đồng có hoạt động tích cực đem lại hạnh phúc cho người thân, gia đình, cộng đồng.
Để ngày Quốc tế Hạnh phúc có ý nghĩa thiết thực và cao đẹp, chúng ta hãy cùng nhau chung sức, đồng lòng, trách nhiệm, sáng tạo và quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, trong đó đặc biệt quan tâm đến các đối tượng chính sách cùng những người yếu thế, dễ bị tổn thương. Hãy cùng nhau kế thừa, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp, hiếu nghĩa của dân tộc Việt Nam: "Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng". Hãy yêu thương và chia sẻ để mang lại HẠNH PHÚC CHO MỌI NGƯỜI, từ đó tìm thấy cho mình và giúp những người quanh ta, trước hết là gia đình, là những người thân có nhiều giây phút hạnh phúc đích thực.
Trong cuộc sống của con người, dù ở bất kỳ giai đoạn lịch sử và chế độ xã hội nào, chắc ai cũng đều ước muốn mình được hạnh phúc. Nhưng quan niệm thế nào là hạnh phúc và con đường đi tìm được hạnh phúc có lẽ không ai giống ai. Người thì cho là có nhiều tiền sẽ hạnh phúc; người thì cho rằng có sức khỏe, có công việc thu nhập tốt là hạnh phúc; người lại cho là có sức khỏe, đủ ăn, đủ tiêu, con cháu ngoan ngoãn, học giỏi, trưởng thành là hạnh phúc; người thì lại nói "biết đủ là hạnh phúc".... Hóa ra hạnh phúc tưởng là rất dễ hiểu nhưng lại khó đoán định vì tùy thuộc vào quan niệm, góc nhìn, hoàn cảnh cụ thể của mỗi người.
Có một câu chuyện nói rằng hạnh phúc là một quả cầu bằng thủy tinh của thượng đế, khi ném xuống trần gian, quả cầu đó vỡ ra nhiều mảnh. Ai cũng nhặt được, người thì tìm được mảnh to, kẻ thì kiếm được mảnh thủy tinh hạnh phúc nhỏ. Vì vậy, ai cũng có hạnh phúc nhưng người thì ít, người thì nhiều và không ai có hạnh phúc trọn vẹn cả. Câu chuyện trên đúng hay sai có lẽ cần phải có thời gian chiêm nghiệm. Chỉ biết rằng hạnh phúc là đích đến của tất cả mọi người và hàng ngày, ai cũng phải tìm kiếm, xây dựng, vun đắp để có được cuộc sống hạnh phúc ngay từ trong mỗi tổ ấm của mình. Gia đình hạnh phúc thì xã hội sẽ hạnh phúc.
Mong rằng hạnh phúc không chỉ đến vào ngày Ngày Quốc tế Hạnh phúc mà mọi thành viên trong một đơn vị nhỏ như gia đình, hay lớn nhất là toàn xã hội cần phải nỗ lực phấn đấu và giữ gìn các giá trị đạo đức, thẩm mỹ để cuộc sống của mình luôn được hưởng hạnh phúc trọn vẹn trong cả 365 ngày của một năm.
Nguyễn Đông
(Bài viết có sử dụng tư liệu tham khảo)