Mỗi năm, Trường Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình tiến hành tuyển sinh 3 đợt vào các tháng 3, tháng 7 và tháng 9, trong đó, trọng tâm là tháng 7 và tháng 9 - thời điểm học sinh đã hoàn thành kỳ thi THPT quốc gia. Năm nay, chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường là 200 học viên hệ cao đẳng và 250 học viên hệ trung cấp. Thời điểm này, Nhà trường tổ chức tập huấn cho đội ngũ tư vấn tuyển sinh chuyên nghiệp.
Về chế độ, chính sách, sẵn sàng giải thích và giải quyết được những thắc mắc, những kiến nghị của người học nghề và những người liên quan khi tuyển sinh. Bên cạnh đó, nhà trường phối hợp tốt với đội ngũ cộng tác viên tại tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn và thực hiện giao khoán chỉ tiêu cho mỗi cán bộ, viên chức nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm cho đối với mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể của mình để có những biện pháp tuyển sinh hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng tăng cường các hình thức quảng bá để thông tin được lan truyền một cách rộng rãi. Các hình thức bao gồm: phát mẫu tờ rơi, quảng cáo tuyển sinh trên báo, đài; quảng bá thông tin thông qua các trang mạng xã hội, trang mạng giáo dục trực tuyến, hỗ trợ tư vấn tuyển sinh online, ngày hội tư vấn tuyển sinh tại các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Thông qua các hoạt động này giúp nhà trường quảng bá, giới thiệu về trường, các nghề đào tạo và sản phẩm đào tạo của trường đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động, giúp học sinh nhận thức được sau khi học nghề xong sẽ làm ở đâu, thu nhập bao nhiêu, cơ hội phát triển nghề nghiệp như thế nào, đặc biệt, học xong trung cấp, cao đẳng, cơ hội học đại học sẽ ra sao, từ đó giúp các em có định hướng, cơ sở để lựa chọn các ngành, nghề phù hợp…
Cũng như Trường Cao đẳng Cơ giới, hiện nay, hầu hết các cơ sở đào tạo nghề đã và đang tích cực chuẩn bị cho chiến dịch tuyển sinh trong tháng 7 tới. Mùa tuyển sinh năm nay được đánh giá là có nhiều thuận lợi cho công tác tuyển sinh, bởi lẽ nhận thức về việc học nghề của phụ huynh và học sinh đã có sự thay đổi. Thậm chí, nhiều cơ sở đào tạo nghề ghi nhận có những học sinh thi đỗ đại học, song lại quyết định bỏ việc học đại học để đi học nghề.
Cùng với việc thay đổi nhận thức của cộng đồng về công tác học nghề, tỉnh ta cũng đã có nhiều chính sách thiết thực để khuyến khích, tạo điều kiện cho các học viên khi tham gia học nghề. Ông Nguyễn Hữu Tuyến, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, mới đây nhất, ngày 26/7/2017, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trình độ trung cấp, cao đẳng tỉnh Ninh Bình đến năm 2020.
Theo đó, đối tượng thụ hưởng là những người đã tốt nghiệp THCS, THPT, lao động có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Ninh Bình thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, lao động có hoàn cảnh khó khăn, lao động thuộc 55 xã có tính chất đặc thù… với những nhóm ngành, nghề hỗ trợ do tỉnh đặt hàng đào tạo như: công nghệ kỹ thuật, công nghệ cơ khí, công nghệ kỹ thuật điện, điện tử và viễn thông, công nghệ hóa học, khách sạn, du lịch, ngành công nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô… với mức hỗ trợ 6 triệu đồng/người/năm học. Mỗi người chỉ được nhận hỗ trợ đào tạo 1 lần từ nguồn ngân sách Nhà nước. Nguồn kinh phí thực hiện được lấy từ ngân sách của tỉnh.
Cùng với các chính sách hỗ trợ của tỉnh, các cơ sở đào tạo nghề cũng đã có sự thay đổi mang tính chất đột phá để thực sự trở thành "điểm đến" cho học viên. Trong đó, nổi bật là việc thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm gắn chặt công tác đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho học sinh sau khi tốt nghiệp.
Theo lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện nay, các cơ sở đào tạo nghề cũng đã đa dạng hóa ngành nghề đào tạo, không những đáp ứng nhu cầu lựa chọn nghề theo sở thích của người học mà còn phục vụ tốt nhu cầu đa dạng về nhân lực của thị trường lao động.
Ngoài những ngành nghề truyền thống, các nhà trường đã mở thêm một số nghề như: Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, kỹ thuật chế biến món ăn, du lịch, sư phạm dạy nghề (bồi dưỡng người làm công tác dạy nghề).
Cùng với đó, để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, các cơ sở dạy nghề cũng tăng cường liên kết đào tạo với doanh nghiệp. Tính riêng trong năm 2018, đã có trên 1.300 giáo viên, học sinh, sinh viên được doanh nghiệp tiếp nhận thực hành, thực tập tại doanh nghiệp; trên 300 người học sau khi tốt nghiệp ở trình độ sơ cấp trở lên được doanh nghiệp tuyển dụng vào làm việc; doanh nghiệp trực tiếp tham gia xây dựng 2 giáo trình giảng dạy, tham gia 12 hội đồng thi tốt nghiệp và nghiên cứu khoa học; cung cấp 40 loại tài liệu cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp…
Với những nỗ lực đó, ngày càng có nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, THPT lựa chọn học nghề để khởi nghiệp. Tính riêng trong năm 2018, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tuyển sinh 20.219 người. Trong đó trình độ cao đẳng là 931 người (chiếm 4,6%); trình độ trung cấp là 4.637 người (chiếm 22,94%); trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng là 14.651 người (chiếm 72,46%). Tiêu biểu như Trường Cao đẳng Cơ giới tuyển sinh được 2867 học sinh, Trường Cao đẳng Lilama1 tuyển được 1.258 học sinh, Cao đẳng Việt Xô tuyển được 2.134 học sinh, Trường cao đẳng nghề số 13 tuyển được trên 4.000 học sinh…
Hầu hết các cơ sở đào tạo nghề đều chú trọng vừa đào tạo gắn với giải quyết việc làm cho học viên. Năm 2018, trong tổng số 17.638 người học tốt nghiệp, thì đa số học viên, nhất là học viên tốt nghiệp trình độ trung cấp, cao đẳng đã tìm được việc làm do nhu cầu lao động có trình độ kỹ thuật ngày càng có xu hướng tăng lên. Mức thu nhập bình quân đạt từ 4 - 9 triệu đồng/tháng. Còn số người học trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng có mức thu nhập thấp hơn, từ 1 - 3 triệu đồng/người/tháng.
Nguyễn Hùng