Ông Hà Văn Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết: Những năm gần đây, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh liên tục tăng đã tạo nguồn lực để thúc đẩy kinh tế- xã hội của địa phương phát triển. Đi đôi với đẩy mạnh công tác thu ngân sách, ngành Thuế tỉnh đã tích cực triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp quản lý nợ và thu hồi nợ thuế. Do vậy, tỷ trọng tổng nợ có khả năng thu trên tổng thu nội địa đã giảm mạnh từ 7,3% năm 2014 xuống còn 4,4% năm 2017 và đến năm 2019 chỉ còn 2,3%.
Tuy nhiên, đánh giá thực tế tình hình nợ đọng thuế vẫn còn cao. Tính đến nay, tổng nợ thuế toàn tỉnh là 786 tỷ đồng, trong đó tiền thuế nợ không còn khả năng thu hồi 283 tỷ đồng, chiếm 36% tổng số tiền thuế nợ. Số nợ này chủ yếu của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, mất khả năng thanh toán, phá sản, giải thể không hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoặc bị thiên tai, bất khả kháng. Mặc dù Cục Thuế tỉnh đã áp dụng đầy đủ các biện pháp, quy trình thu nợ theo luật Quản lý Thuế nhưng số thuế vẫn kéo dài qua nhiều năm do người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách Nhà nước.
Trên thực tế, khoản nợ này là nợ ảo, không còn khả năng thu đã tạo áp lực rất lớn trong việc quản lý thuế của Cục Thuế tỉnh. Do vậy, khi Nghị quyết 94/2019/QH14 ra đời sẽ tháo gỡ nút thắt trong việc xử lý nợ không còn khả năng thu, giúp ngành thuế giảm áp lực quản lý nợ, dành thời gian và nhân lực thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác thuế khác. Nghị quyết 94/2019/QH14 quy định rõ 7 đối tượng là người nộp thuế còn nợ tiền thuế, nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp phát sinh trước ngày 1/7/2020 mà không còn khả năng nộp ngân sách Nhà nước sẽ được xử lý nợ. Đồng thời, quy định về nguyên tắc xử lý nợ, các biện pháp xử lý nợ đối với từng đối tượng và hồ sơ, trình tự thủ tục xử lý nợ; giao nhiệm vụ cho từng ngành, từng cấp nhằm triển khai đảm bảo nguyên tắc, yêu cầu đặt ra. Nghị quyết sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020 và được tổ chức thực hiện trong thời hạn 3 năm kể từ ngày có hiệu lực thi hành.
Cũng theo ông Hà Văn Hiếu, Nghị quyết số 94 có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc quản lý thuế, xử lý nợ đọng không còn khả năng nộp ngân sách Nhà nước. Việc xử lý nợ phải đảm bảo chặt chẽ, đúng đối tượng, đáp ứng các điều kiện quy định về hồ sơ, thủ tục liên quan đến nhiều đối tượng nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, giải thể, phá sản... Điều này đặt ra yêu cầu trong công tác tổ chức triển khai thực hiện cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo, tham gia phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban, ngành, chính quyền các cấp ở địa phương.
Để việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết trên địa bàn tỉnh đúng quy định của pháp luật và đạt hiệu quả cao, Cục Thuế tỉnh đã ban hành kế hoạch và thành lập Ban chỉ đạo triển khai Nghị quyết xử lý nợ tại Cục Thuế tỉnh để triển khai các công việc liên quan. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo triển khai Nghị quyết số 94/2019/QH14, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết, đảm bảo sự phối hợp đồng bộ, thống nhất giữa cơ quan quản lý thuế và các sở, ban, ngành, các cơ quan liên quan cũng như nâng cao vai trò, trách nhiệm của các đơn vị, phòng ngừa sai phạm trong quá trình rà soát khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách Nhà nước. Công tác thông tin tuyên truyền được chú trọng triển khai thực hiện. Cục Thuế tỉnh đã chủ động phối hợp với Báo Ninh Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tuyên truyền, phổ biến kịp thời những nội dung của Nghị quyết của Quốc hội và các văn bản chỉ đạo của Bộ Tài chính để các cơ quan, doanh nghiệp và người dân hiểu, thực hiện và giám sát việc thực hiện. Ngành Thuế cũng chủ động rà soát, phân loại nợ theo từng địa bàn, theo từng đối tượng được xử lý nợ đã quy định trong Nghị quyết 94, đảm bảo chính xác, đúng đối tượng. Trên cơ sở đó phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành liên quan lập văn bản xác minh tình trạng hoạt động của người nộp thuế và thiết lập hồ sơ để trình các cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý nợ từ ngày 1/7/2020.
Bên cạnh đó, đơn vị đã tổ chức tập huấn, đào tạo các nội dung của Nghị quyết và các văn bản hướng dẫn, hồ sơ, thủ tục hành chính, quy trình xử lý cho cán bộ, công chức trong ngành Thuế để triển khai nghiêm túc, đảm bảo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết xử lý nợ của Quốc hội. Thực hiện công khai các quy trình, thủ tục về xử lý nợ để người nộp thuế thuận tiện trong việc nghiên cứu, triển khai thực hiện và giám sát công chức thuế thực hiện. Tổ chức bộ phận hỗ trợ, hướng dẫn về thủ tục, hồ sơ xử lý nợ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và thường xuyên rà soát, nắm bắt các vướng mắc trong quá trình chuẩn bị cũng như trong thời gian đầu thực hiện Nghị quyết để xử lý ngay các vướng mắc phát sinh. Ngoài ra, Cục Thuế tỉnh tích cực tham gia, góp ý với Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính vào Dự thảo Thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn trình tự, thủ tục, xử lý nợ theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội.
Bài, ảnh: Hồng Giang