Với phương châm từng bước tinh gọn bộ máy nhà nước, hoạt động hiệu quả, hiệu lực, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương rà soát về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, biên chế của UBND và cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện. Trên cơ sở đó sắp xếp, sáp nhập các cơ quan, đơn vị, tránh chồng chéo. Theo đó, UBND tỉnh đã thực hiện sáp nhập Trung tâm y tế của các huyện, thành phố: Gia Viễn, Hoa Lư, Tam Điệp, Yên Khánh, Yên Mô và Bệnh viện Đa khoa huyện/thành phố trên cùng địa bàn; sáp nhập Trung tâm dạy nghề, Trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, góp phần giảm 11 đơn vị. Bên cạnh đó, tỉnh đã thực hiện kiện toàn lại các Ban quản lý dự án chuyên ngành, thu gọn đầu mối từ 5 Ban quản lý dự án trực thuộc các sở xuống 2 Ban Quản lý dự án trực thuộc UBND tỉnh theo Luật Xây dựng và Nghị định số 59/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Đồng thời thực hiện chuyển quyền quản lý của Ban Quản lý quần thể danh thắng Tràng An từ UBND tỉnh về Sở Du lịch quản lý; Trung tâm Bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư từ Ban Quản lý quần thể danh thắng Tràng An về Sở Văn hóa và Thể thao quản lý; chuyển chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp từ Sở Giáo dục và Đào tạo sang Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; chuyển quyền quản lý Trường Trung cấp kinh tế kỹ thuật và tại chức từ Sở Giáo dục và Đào tạo sang Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; chuyển chức năng, nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính từ Sở Tư pháp sang Văn phòng UBND tỉnh; đổi tên Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động thành cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Ninh Bình; đổi tên Bệnh viện Lao và bệnh phổi thành Bệnh viện Phổi trực thuộc Sở Y tế; kiện toàn cơ cấu tổ chức và hoạt động của Thanh tra Sở Giao thông-Vận tải.
Việc sắp xếp, sáp nhập đảm bảo khoa học, giúp các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, tạo sự đồng thuận cao, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Cùng với sắp xếp lại bộ máy cơ quan hành chính nhà nước, để nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, nhất là tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân trong giải quyết thủ tục hành chính, UBND tỉnh đã yêu cầu các cơ quan thực hiện nghiêm cơ chế "một cửa".
Các đơn vị đã xây dựng quy chế hoạt động quy định quy trình tiếp nhận, chuyển hồ sơ, xử lý, trình ký; bố trí cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức, có năng lực, trình độ làm việc tại Bộ phận một cửa, một cửa liên thông; thực hiện niêm yết, công khai đầy đủ các thủ tục hành chính đã được công bố tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, công khai trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của các cơ quan; xây dựng cơ sở dữ liệu về thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương; quan tâm bố trí địa điểm của Bộ phận một cửa tại vị trí thuận tiện và đầu tư các trang thiết bị để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khi đến liên hệ...
Chất lượng thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" từng bước được nâng lên. Theo đó, thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông", thủ tục hành chính đã được công khai trên cả 3 phương diện: Thành phần hồ sơ, thời gian giải quyết, phí và lệ phí. Đa số hồ sơ của tổ chức và cá nhân được xem xét giải quyết đúng hạn. Nhiều quy trình, thủ tục hành chính đã được rà soát, đơn giản hóa, rút ngắn thời gian, góp phần tháo gỡ khó khăn cho tổ chức và cá nhân.
Hiện nay 18/18 sở, ngành, 8/8 huyện, thành phố, 145/145 xã, phường, thị trấn (đạt tỷ lệ 100%) duy trì thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông với 1.207 thủ tục hành chính thực hiện ở cấp sở, ngành, 240 - 253 thủ tục hành chính thực hiện ở cấp huyện, 80 - 137 thủ tục hành chính thực hiện ở cấp xã. Trong đó, năm 2017, Sở Nội vụ đã tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành rà soát, trình UBND tỉnh rút ngắn thời gian giải quyết so với quy định của Trung ương đối với 96 thủ tục, hủy bỏ 11 thủ tục và quy định rõ thời gian giải quyết đối với 11 thủ tục so với Bộ thủ tục hành chính chuẩn hóa của Bộ, ngành Trung ương.
Tích cực cải cách tổ chức bộ máy đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước các cấp, đẩy mạnh cải cách hành chính góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Năm 2016, chỉ số cải cách hành chính của Ninh Bình xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố, tăng 2 bậc so với năm 2015, trong đó đáng chú ý là chỉ số thành phần xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức xếp thứ 1, chỉ số thành phần thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông xếp thứ 11. Đây là một trong những minh chứng cho hiệu quả của việc cải cách tổ chức bộ máy cơ quan hành chính Nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh.
Mai Lan