Các đại biểu dự hội nghị đã nghe đơn vị tư vấn báo cáo thuyết trình, làm rõ 4 nhóm vấn về và 8 nội dung cần hoàn thiện trong Đồ án quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 liên quan đến vị trí quy hoạch hồ điều hòa, việc di dời 2 trạm biến thế và các cơ sở ô nhiễm ra khỏi thành phố, phương án sử dụng quỹ đất phía đông nhà thi đấu, chủ trương xây dựng Ninh Bình thành đô thị loại 2 vào năm 2014, vị trí của đô thị Ninh Bình trong hệ thống đô thị quốc gia, việc cập nhật, bổ sung thông tin quy hoạch chuyên ngành về giao thông, du lịch. Đồng thời làm rõ hơn về quy hoạch sử dụng đất phía đông nhà thi đấu bao gồm khu nhà cao tầng và các biệt thự cao cấp, tính toán mở rộng diện tích cây xanh, quy hoạch gắn với bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống ở khu du lịch Tràng An, Tam Cốc Bích động, tăng công suất các nhà máy nước, các công trình điểm nhấn tự nhiên và nhân tạo, đặc biệt là việc xây dựng hồ điều hòa với diện tích 47 ha và xây dựng trục đường Vạn Hạnh…
Tại hội nghị các đại biểu đã đóng góp ý kiến, yêu cầu đơn vị tư vấn và chủ đầu tư làm rõ một số nội dung liên quan đến những khó khăn trong quy hoạch đường Vạn Hạnh; diện tích, quy mô các tòa nhà cao tầng; tính toán vị trí hồ điều hòa cho phù hợp; việc quy hoạch xây dựng mạng lưới giao thông tĩnh; các bến xe phụ; các công trình điểm nhấn ở khu vực phía đông nhà thi đấu; xây dựng đô thị phía nam bờ sông Vân; vấn đề phát huy nguồn lực…
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Thanh, UVDKT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cơ bản nhất trí với các nội dung, bố cụ Đồ án.
Đồng chí yêu cầu chủ đầu tư và đơn vị tư vấn, tiếp thu ý kiến đóng góp của các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, hoàn thiện Đồ án và chuẩn bị báo cáo ngắn gọn, đầy đủ phục vụ hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Trong đó cần làm rõ các nội dung về thiết kế của hồ điều hòa, thiết kế hệ thống thu gom nước đảm bảo tiết kiệm diện tích và bảo vệ môi trường.
Đối với kênh 3 xã và quy hoạch đường Vạn Hạnh thực hiện theo hướng chỉnh trang nâng tầm mỹ quan đô thị, không xác định đây là một trục cảnh quan chính của thành phố.
• Cùng ngày, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị cho ý kiến vào dự thảo báo cáo kinh tế - xã hội năm 2013, mục tiêu và các nhiệm vụ chủ yếu năm 2014.
Hội nghị đã nghe đồng chí Bùi Văn Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trình bày dự thảo báo cáo kinh tế - xã hội năm 2013, mục tiêu và các nhiệm vụ chủ yếu năm 2014.
Theo đó, năm 2013, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn gặp nhiều khó khăn, thời tiết không thuận lợi, song với sự chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, cùng sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế, các tầng lớp nhân dân, kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt được một số kết quả quan trọng.
Kinh tế tăng trưởng đạt trên 10%, có 9/14 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu. Giá trị sản xuất công nghiệp cả năm ước đạt 15,5 nghìn tỷ đồng, tăng 12,1% so với năm 2012, đạt 95,7% kế hoạch năm; tổng vốn đầu tư phát triển ước đạt gần 18.500 tỷ đồng, trong năm đã có gần 500 doanh nghiệp được cấp đăng ký kinh doanh với tổng vốn đăng ký trên 3.100 tỷ đồng; 48 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 5.500 tỷ đồng.
Thu ngân sách trên địa bàn ước đạt trên 2,6 nghìn tỷ đồng, bằng 92,8% dự toán; kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 581 triệu USD, tăng 23,6% so với năm 2012; hoạt động du lịch diễn ra sôi động, lượng du khách đến Ninh Bình ước đạt 4,4 triệu lượt, tăng 18,5%, doanh thu đạt gần 900 tỷ đồng.
Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt trên 48,4 vạn tấn, giảm 5,3% so với năm 2012. Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt gần 10,2 nghìn ha, sản lượng ước đạt 37,5 nghìn tấn; một số mô hình nuôi con đặc sản như nhím, hươu, ba ba… tiếp tục được duy trì và phát triển.
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được triển khai tích cực và đạt được nhiều kết quả khả quan. Đến nay, tỉnh đã hỗ trợ trên 65 nghìn tấn xi măng xây dựng gần 500 km đường giao thông nông thôn. Công tác dồn điền, đổi thửa tiếp tục được tích cực thực hiện, xây dựng được nhiều cánh đồng mẫu lớn, góp phần đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp. Trong năm 2013 đã có 3 xã hoàn thành 19 tiêu trí xây dựng nông thôn mới, Ninh Bình được xếp trong top 10 tỉnh trong cả nước về thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh, tỉnh đã công bố 800 hồ sơ thủ tục hành chính trên các lĩnh vực, triển khai có hiệu quả cơ chế 1 cửa và 1 cửa liên thông, đồng thời duy trì đường dây nóng để giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân. Các hoạt động văn hóa - xã hội, công tác giảm nghèo, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân được tập trung chỉ đạo, đạt kết quả tốt.
Trong năm, tỉnh đã tổ chức dạy nghề cho 17 nghìn lao động, giải quyết việc làm cho gần 19 nghìn lao động, cấp trên 135 nghìn thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, cận nghèo, bảo trợ xã hội; triển khai xây dựng 130 nhà ở cho hộ nghèo.
Công tác nội chính tập trung giải quyết kịp thời, đúng quy định đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; đẩy mạnh các giải pháp phòng chống tham nhũng, lãnh phí; phòng, chống vi phạm, tội phạm, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tai nạn giao thông tiếp tục giảm cả ba tiêu chí …
Về mục tiêu và các nhiệm vụ trọng tâm năm 2014 sẽ tiếp tục giữ vững nhịp độ tăng trưởng kinh tế, tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các doanh nghiệp về vốn, công nghệ, thị trường tiêu thụ; từng bước hoàn chỉnh hạ tầng các khu, cụm công nghiệp và vùng kinh tế biển tạo điều kiện thu hút đầu tư.
Mở rộng diện tích lúa chất lượng cao đạt trên 40%, nhân rộng các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển các trang trại tập trung, củng cố nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Tiếp tục thực hiện chủ trương ứng trước xi măng để xây dựng cơ sở hạ tầng, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, phấn đấu năm 2014, mỗi huyện có thêm 2 xã đạt tiêu chí xã nông thôn mới.
Tăng cường quảng bá, xúc tiến liên kết với các tỉnh, thành phố để phát triển du lịch, trọng tâm là công tác vận động, quảng bá để Unesco công nhận quần thể Danh thắng Tràng An là di sản thể giới.
Củng cố nâng cao hoạt động của mạng lưới y tế các cấp, mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế theo lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân. Thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách tạo và giải quyết việc làm, ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề đáp ứng nhu cầu của các khu, cụm công nghiệp, cho phát triển du lịch và xuất khẩu lao động…
Các đại biểu đã tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo báo cáo liên quan đến bố cục văn bản; tiêu chí đánh giá các chỉ tiêu phát triển; công tác chỉ đạo điều hành của các cấp, các ngành; giải pháp xử lý nợ xây dựng cơ bản; công tác cải cách hành chính; xây dựng thiết chế văn hóa ở cơ sở…
Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã nghe và thảo luận dự thảo báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản năm 2013 và kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản năm 2014; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2013 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014; nghe các nội dung dự kiến trình kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XIII.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Thanh, UVDKT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cơ bản nhất trí với dự thảo báo cáo kinh tế - xã hội năm 2013, mục tiêu và các nhiệm vụ chủ yếu năm 2014 và yêu cầu Văn phòng UBND tỉnh tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo theo ý kiến đóng góp của các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Về thực hiện nhiệm vụ năm 2014, cùng với các nhóm giải pháp đã nêu trong báo cáo, đồng chí yêu cầu cần bổ sung các giải pháp đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư, nhất là vốn ODA; rà soát các cơ chế chính sách đầu tư phát triển của tỉnh, loại bỏ các chính sách không còn phù hợp, nghiên cứu ban hành những chính sách phù hợp hơn với thực tiễn cuộc sống, nhất là trên các lĩnh vực nông nghiệp, đầu tư xây dựng cơ bản, chính sách xã hội… UBND tỉnh cần nghiên cứu bổ sung một số chủ trương mới gắn với đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đảm bảo cho nông dân có lãi từ 30% trở lên.
Về phát triển dịch vụ du lịch, cần có giải pháp tạo chuyển biến rõ nét trong công tác quản lý nhà nước về du lịch, thực hiện nếp sống văn minh và nâng cao hiệu quả từ dịch vụ du lịch.
Ngoài ra, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét về công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh.
Phối hợp triển khai có hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng đảm bảo tiến độ, chất lượng các dự án Quốc lộ 1A, đường cao tốc Ninh Bình - Thanh Hóa; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát quản lý đất đai, môi trường, tài nguyên khoáng sản…
Về thực hiện thu nộp, ngân sách nhà nước, đồng chí đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu thực hiện thu phí thăm quan danh lam thắng cảnh khu Du lịch sinh thái Tràng An từ 1/1/2014.
Đối với công tác đầu tư xây dựng cơ bản, không xác định dự án trọng điểm đối với dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng 2 khu công nghiệp Khánh Phú và Gián Khẩu, tập trung nguồn lực cho xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp sạch Phúc Sơn, đường Quốc lộ 1A, quảng trường Đinh Tiên Hoàng đế.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng nhất trí với 3 nội dung UBND tỉnh xin ý kiến, yêu cầu không tiến hành đổ đất san nền xây dựng cơ sở hạ tầng đấu giá quyền sử dụng đất để tiết kiệm chi phí và đảm bảo hiệu quả đấu giá.
Trong năm 2014, tạm dừng phân cấp đầu tư xây dựng cơ bản theo Quyết định 04 của UBND tỉnh, đồng thời tăng cường công tác quản lý về đầu tư xây dựng cơ bản, đặc biệt là cấp huyện và cấp xã.
Thường vụ Tỉnh ủy đồng ý chủ trương lựa chọn một số khu đất trên địa bàn thành phố Ninh Bình để đấu giá giá trị quyền sử dụng đất theo quy định, tạo nguồn kinh phí trả nợ các công trình của tỉnh; yêu cầu sở Kế hoạch Đầu tư khảo sát, thống kê và phân loại nợ xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh để có biện pháp xử lý cụ thể đối với từng trường hợp.
Quốc Khang