Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình đã báo cáo với đoàn công tác về tình hình sản xuất kinh doanh của Công ty trong thời gian qua; đồng thời nêu lên 1 số khó khăn, vướng mắc và đề xuất với tỉnh trong thời gian tới. Ngay sau khi nhận quyền điều hành sản xuất vào cuối tháng 9/2012, sau 1 thời gian chạy thử, đội ngũ cán bộ, kỹ sư và công nhân công ty đã nỗ lực phấn đấu làm chủ quá trình chỉ huy sản xuất và vận hành hệ thống.
Đoàn khảo sát tại Nhà máy Đạm Ninh Bình.
Đến nay, đội ngũ kỹ sư, công nhân đã trưởng thành 1 bước trong điều hành sản xuất. Bình quân 4 tháng đầu năm 2013, nhà máy đã duy trì chạy máy đạt 78% công suất thiết kế. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành thì nhà máy cũng phải ngừng sản xuất 71 ngày để khắc phục sự cố do lò khí hóa tắc xỉ, do máy nén CO2 sự cố và cương vị rửa ni tơ lỏng bị tắc bộ lọc và sửa chữa toàn nhà máy.
Đến đầu tháng 5/2013 nhà máy đã khắc phục được các sự cố và đưa vào vận hành sản xuất ở mức tải thấp và dần nâng tải lên đạt 70 - 80% công suất thiết kế. Hiện nay, Công ty đang xây dựng các phương án điều hành sản xuất khác nhau để áp dụng với mục tiêu đạt hiệu quả cao nhất, duy trì thời gian chạy máy liên tục.
Năm 2013, Công ty phấn đấu sản xuất và tiêu thụ 400 nghìn tấn đạm; tổng doanh thu đạt trên 3.300 tỷ đồng. Trong đó, 4 tháng đầu năm tổng doanh thu đạt gần 770 tỷ đồng, bằng gần 23% kế hoạch năm 2013. Sản lượng tiêu thụ đạm đạt trên 90 nghìn tấn.
Công ty đang tạo việc làm cho trên 1.000 lao động, trong đó có trên 43% là người Ninh Bình, với mức thu nhập bình quân đạt 8,1 triệu đồng/người/tháng.
Bên cạnh kết quả đạt được, Công ty cũng gặp 1 số khó khăn như: Dây chuyền sản xuất hoạt động chưa ổn định, chi tiết dự phòng còn thiếu; tình hình tài chính, vốn cho sản xuất kinh doanh và trả nợ vốn vay lớn; xuất bán hàng khó khăn do cơ sở hạ tầng của khu công nghiệp chưa hoàn thiện...
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Công ty cũng đã kiến nghị, đề xuất với tỉnh 1 số vấn đề liên quan đến tài chính; tình hình an ninh trật tự, công tác bảo vệ; hoàn thiện CSHT, vấn đề thoát nước thải của khu công nghiệp; vấn đề cung cấp điện cho nhà máy.
Bên cạnh đó, Công ty cũng đề nghị tỉnh quan tâm tạo điều kiện cấp đất để Công ty xây dựng nhà tập thể cho công nhân, góp phần vào việc giải quyết chỗ ở ổn định cho cán bộ, công nhân.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Đinh Chung Phụng, TVTU, Phó chủ tịch HĐND tỉnh đã ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của CBCNV Công ty trong việc vận hành đưa nhà máy vào sản xuất ổn định, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động.
Những kiến nghị của Công ty về cơ sở hạ tầng trong khu công nghiệp, thoát nước thải, đảm bảo an ninh trật tự, điện phục vụ sản xuất và xây dựng nhà tập thể cho công nhân... Thường trực HĐND ghi nhận và tham mưu cho Tỉnh ủy tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục triển khai thực hiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Công ty sản xuất kinh doanh, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập và đẩy kinh tế của tỉnh ngày càng phát triển.
Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu nhấn mạnh: Nhà máy đạm Ninh Bình là một nhà máy có công nghệ hiện đại. Sau khi tiếp nhận bàn giao đưa vào vận hành, tập thể đội ngũ cán bộ, kỹ sư và công nhân Công ty đã nỗ lực phấn đấu, dần làm chủ quá trình chỉ huy sản xuất và vận hành hệ thống khá hiệu quả, chất lượng sản phẩm đã được khẳng định trên thị trường.
Đồng chí chia sẻ những khó khăn đối với nhà máy trong thời gian qua; đồng thời ghi nhận những kiến nghị của nhà máy và sẽ báo cáo Thường trực Tỉnh ủy tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai giải quyết từng vấn đề, lĩnh vực cụ thể.
Đồng chí đề nghị Ban quản lý các KCN tỉnh bố trí nguồn vốn, chỉ đạo đơn vị thi công sớm hoàn thiện các đoạn đường dở dang để đảm bảo giao thông thuận tiện; đồng thời phối hợp với các ngành, địa phương làm tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự trong khu công nghiệp.
Về vấn đề nhà ở tập thể cho công nhân, Công ty làm đề án thông qua Ban quản lý các KCN tỉnh báo cáo tỉnh xem xét giải quyết. Đối với Nhà máy sớm hoàn thành đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải vi sinh; làm việc với ngành điện để thống nhất cơ chế cấp điện, sử dụng điện lưới để đảm bảo đủ nguồn điện phục vụ sản xuất của nhà máy. Đồng thời quan tâm làm tốt công tác bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn trong lao động, đảm bảo an ninh trật tự trong khu vực nhà máy, xây dựng hệ thống chính trị, đảm bảo đời sống, tăng thu nhập cho người lao động.
Tin, ảnh: Thanh Chiên-Đức Lam