Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật, đa số đại biểu cơ bản nhất trí với nội dung, bố cục của Dự thảo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Cho đây là Dự án Luật cần thiết, kịp thời nhằm thể chế hóa các quy định của Hiến pháp, khắc phục các hạn chế, bất cập, các quy định hiện hành về giám sát. Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị cần phải bao quát, cụ thể và rõ ràng hơn một số quy định và phải đồng bộ với các Luật có liên quan đến hoạt động giám sát như: Luật MTTQ; luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Cụ thể, đại biểu đề nghị Luật cần quy định rõ hơn về thẩm quyền giám sát của Hội đồng nhân dân (Điều 6); cần thống nhất thời gian thông báo trước về kế hoạch, nội dung giám sát hoặc nội dung được yêu cầu báo cáo, trả lời theo quy định của pháp luật (điều 9); có đại biểu đề nghị bỏ mục 4, điều 57 và nên bổ sung giám sát thông qua báo cáo của HĐND và theo đó nên bỏ điều 62 (Giám sát chuyên đề).
Về chất vấn và xem xét việc trả lời chất vấn tại kỳ họp được quy định tại điều 60, đại biểu đề nghị chọn phương án 2. Về Xem xét văn bản pháp luật có dấu hiệu trái Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, đại biểu đề nghị chọn phương án 1 (điều 15). Về hậu quả pháp lý của hoạt động giám sát, nên bổ sung sau khi kết thúc giám sát, chủ thể giám sát phải có ý kiến chức thức bằng văn bản.
Ý kiến chính thức này phải có hiệu lực bắt buộc thi hành. Có như vậy mới nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Về thực hiện giám sát chuyên đề, nhiều đại biểu lựa chọn phương án 2 của Điều 17.
Băn khoăn về những quy định chung chung về nguyên tắc hoạt động giám sát, có đại biểu đề nghị tại khoản 1 điều 4 nên quy định là "theo đúng quy định của pháp luật" thay vì "đúng pháp luật" như Dự thảo luật.
Nhiều đại biểu cũng đề nghị nên bỏ khoản 3, điều 9 (Từ chối trả lời, cung cấp thông tin không thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình hoặc những thông tin thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật) vì nếu quy định như thế sẽ dẫn đến trường hợp đối tượng chịu sự giám sát lạm dụng, gây khó khăn, cản trở việc thực hiện quyền giám sát của Quốc hội và HĐND, hạn chế quyền của các cơ quan dân cử và đại biểu dân cử.
Có đại biểu đề nghị nên tách chương 4 thành 2 chương: "trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát và bảo đảm hoạt động giám sát" và chương "Điều khoản thi hành". Đại biểu cũng cho rằng Dự thảo Luật nên quy định cụ thể về quyền của các chủ thể giám sát…
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Đinh Ngọc Hà đã cảm ơn, ghi nhận các ý kiến đóng góp tâm huyết của đại biểu, HĐND tỉnh tổng hợp, trình Quốc hội xem xét.
Dự thảo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND gồm 4 chương, 90 điều quy định cụ thể một số nội dung về hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội; Hội đồng nhân dân, Thường trực HĐND; các ban, tổ HĐND… |
Đinh Ngọc