P.V: Xin đồng chí cho biết tầm quan trọng của thương mại điện tử đối với việc xây dựng thương hiệu?
Đồng chí Phạm Thị Hồng: Cùng với việc xây dựng thương hiệu nói chung thì các doanh nghiệp đã đặc biệt quan tâm phát triển một chiến lược xây dựng thương hiệu trên thương mại điện tử. Đây là hình thức mua bán hàng hóa và dịch vụ thông qua mạng máy tính toàn cầu bao gồm các hoạt động mua bán hàng hóa và dịch vụ qua phương tiện điện tử, giao nhận các nội dung kỹ thuật số trên mạng, chuyển tiền điện tử, mua bán cổ phiếu điện tử, vận đơn điện tử, đấu giá thương mại, hợp tác thiết kế, tài nguyên mạng, mua sắm công cộng, tiếp thị trực tuyến với người tiêu dùng và dịch vụ sau bán hàng. Sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử đã làm thay đổi phương thức kinh doanh và giao dịch truyền thống, đem lại những lợi ích to lớn cho xã hội. Lợi ích rõ rệt nhất của thương mại điện tử là: thu thập được nhiều thông tin, giảm chi phí sản xuất, chi phí bán hàng, tiếp thị và giao dịch, xây dựng quan hệ với đối tác, tạo điều kiện sớm tiếp cận kinh tế tri thức. Trong bối cảnh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế được đẩy mạnh, thương mại điện tử đã trở thành một trong những ứng dụng cơ bản và quan trọng của công nghệ thông tin, là công cụ thiết yếu trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, làm thay đổi phương thức và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó góp phần đưa doanh nghiệp Việt Nam bắt kịp tiến trình Hội nhập Quốc tế.
P.V: Đồng chí cho biết tình hình ứng dụng thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh hiện nay?
Đồng chí Phạm Thị Hồng: Hiện nay, các cơ quan hành chính và cơ quan Đảng đã đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu trước mắt cũng như lâu dài cho việc tin học hóa các hoạt động của các cơ quan. Tính đến thời điểm hiện nay đã có 93 cơ quan hành chính, cơ quan Đảng, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội đã được trang bị máy chủ và mua sắm nhiều thiết bị khác để phục vụ cho công việc. Tính đến tháng 6-2010 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có khoảng 2.401 doanh nghiệp, 100% các doanh nghiệp có máy vi tính. Hầu hết các doanh nghiệp đã nối mạng và tiến hành giao dịch bằng thư điện tử. Toàn tỉnh hiện có khoảng trên 50% doanh nghiệp đã xây dựng trang web trên Internet, hệ thống website với nội dung thông tin thường xuyên được duy trì và cập nhật tương đối đầy đủ gồm: Phần giới thiệu chung về doanh nghiệp, những sản phẩm chủ yếu có thế mạnh..Một số trang web được thiết kế với hai giao diện tiếng Việt và tiếng Anh như trang www.primexconninhbinh.com.vn của Công ty Cổ phần Sản xuất - Xuất nhập khẩu Ninh Bình; http:// vitaz.com.vn của Công ty thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao; http:// www.pomihoa.com của Công ty Cán thép Tam Điệp; http:// vissaigroup.com của Tập đoàn The Vissai… đã góp phần đẩy mạnh hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, quảng bá thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp đến thị trường trong nước và quốc tế.
P.V: Để việc ứng dựng có hiệu quả thương mại điện tử trong các cơ quan, doanh nghiệp cần có những giải pháp gì?
Đồng chí Phạm Thị Hồng: Để việc ứng dựng có hiệu quả thương mại điện tử trong các cơ quan, doanh nghiệp, trước tiên phải tổ chức tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về thương mại điện tử cho các cán bộ lãnh đạo quản lý kinh tế, các doanh nghiệp và người dân trên địa bàn. Mở các khóa đào tạo về kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử cho doanh nghiệp giúp doanh nghiệp biết về tiện ích của thương mại điện tử và các điều kiện cần thiết để tham gia; phổ biến các văn bản liên quan đến Thương mại điện tử; phương pháp ứng dụng thương mại điện tử vào hoạt động kinh doanh của Doanh nghiệp; đào tạo kỹ năng thực hiện giao dịch điện tử trong kinh doanh.Tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về tiện ích của thương mại điện tử cho người tiêu dùng. Cung cấp, cập nhật thông tin về tiềm năng xuất khẩu của tỉnh và danh bạ doanh nghiệp xuất khẩu trên Cổng thông tin Xuất khẩu Việt Nam (VNEX) là Cổng thông tin chính thống của Bộ Công Thương, cập nhật bằng tiếng Anh để giới thiệu tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam và 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đồng thời, VNEX cung cấp cơ sở dữ liệu về các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam theo các lĩnh vực ngành hàng.
Sở Công Thương bố trí nguồn lực để thu thập, biên tập thông tin về tiềm năng xuất khẩu của địa phương và danh sách các doanh nghiệp xuất khẩu cập nhật lên VNEX. Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia và ứng dụng thương mại điện tử giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường, giảm chi phí giao dịch như: Hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác thông tin trên Cổng thông tin thị trường nước ngoài; thiết lập và sử dụng hệ thống thư điện tử với tên miền dùng riêng cho doanh nghiệp; xây dựng Website thương mại điện tử; tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử như Cổng Thương mại điện tử quốc gia nhằm quảng bá thương hiệu và sản phẩm của doanh nghiệp. Tổ chức thực thi các quy định pháp luật liên quan về thương mại điện tử, thanh tra - kiểm tra các hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ liên quan tới thương mại trên môi trường mạng và bảo vệ người tiêu dùng. Phấn đấu đến năm 2015 khoảng 80% số doanh nghiệp nắm được kỹ năng kinh doanh trên mạng; khoảng 40% số doanh nghiệp tiến hành giao dịch thương mại điện tử; khoảng 15% số hộ gia đình tiến hành giao dịch thương mại điện tử; khoảng 20% mua sắm của các cơ quan hành chính trong tỉnh được công bố trên các trang tin điện tử của tỉnh và được tiến hành giao dịch trên mạng.
Thanh Chiên (Thực hiện)