Nghề cói vẫn tiếp tục giúp giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 2.000 lao động của địa phương với mức thu nhập từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng/người/tháng và hơn 1.000 lao động thời vụ với thu nhập 400-600 nghìn đồng/người/tháng. Có nhiều nguyên nhân để nghề cói vẫn "ở lại" vùng quê này trong những thời điểm khó khăn nhất. Mặc dù được gọi là nghề phụ nhưng trên thực tế nó đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân Thượng Kiệm. Nông dân trong xã tiến hành sản xuất nông nghiệp luôn song hành với sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Trong 1 năm, thời gian làm nông nghiệp chỉ gói gọn trong vòng 2 tháng tính từ thời gian gieo cấy, chăm bón đến khi thu hoạch, số thời gian còn lại là 10 tháng được dành cho việc sản xuất, chế biến hàng cói xuất khẩu và một số mặt hàng khác. Chính bởi thực tế đó, nhiều người gắn bó với nghề cói từ khi còn rất nhỏ.
Ông Trần Kim Phượng, xóm Vinh Hạ cho biết: Gia đình tôi có 9 người đều tham gia làm hàng cói xuất khẩu, cho thu nhập từ 20-25 nghìn đồng/người/ngày. Nhưng thời gian gần đây do gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ nên thu nhập không ổn định, các con, cháu tôi có ý định đi làm ăn xa. Một mặt vừa phải động viên các con kiên trì, mặt khác tôi tranh thủ sự hỗ trợ của tỉnh, của huyện để vay vốn duy trì nghề.
Tâm huyết và sự nỗ lực của mỗi người dân là nền tảng giúp cho nghề cói tồn tại lâu bền ở Thượng Kiệm. Bên cạnh đó, những giải pháp hỗ trợ cụ thể, kịp thời và có tính đồng bộ của tỉnh (đặc biệt trong đó có Nghị quyết 04) là nhân tố quyết định tới sự phát triển ổn định của nghề thủ công này, nhất là trong những thời điểm khó khăn vừa qua. Những đơn vị, cá nhân tham gia trồng, chế biến và tiêu thụ cói được hưởng ưu đãi vay vốn ngân hàng, các cơ chế hỗ trợ trong sản xuất, kinh doanh, giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường…
Hiện nay, trên địa bàn xã có 4 doanh nghiệp chế biến cói trực tiếp đứng ra cung cấp nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm cho bà con, trong đó có Doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ Quang Minh. Ngoài việc bao tiêu sản phẩm, doanh nghiệp còn tổ chức các lớp dạy nghề chế biến cói, đan bèo tây xuất khẩu cho lao động địa phương và lao động ở một số huyện lân cận như Yên Mô, Yên Khánh. Doanh nghiệp đang giải quyết việc làm cho 70 lao động thường xuyên với mức lương 1,2-1,5 triệu đồng/người/tháng. Năm 2009, Doanh nghiệp thực hiện giảm chi phí sản xuất, sáng tạo mẫu mã mới, đưa hoa văn truyền thống vào sản phẩm… nhằm giữ khách hàng truyền thống và chờ đợi những biến động tích cực của thị trường.
Về phía chính quyền địa phương, xã đã giúp đỡ bà con, đặc biệt là hộ nghèo trong việc tiếp thu các kiến thức về kinh doanh, phát triển sản xuất thông qua nhiều lớp tập huấn được tổ chức thường xuyên. Bên cạnh đó, chính quyền cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi, hướng dẫn hàng trăm hộ dân vay vốn ưu đãi với tổng số tiền hơn 8 tỷ đồng. Năm qua, tổng số thu từ tiểu thủ công nghiệp của xã (trong đó nghề chế biến cói chiếm phần lớn) đạt 23 tỷ 892 triệu đồng, chiếm 32,8% tổng thu nhập kinh tế. Do vậy, đời sống của nhân dân từng bước được cải thiện, số hộ nghèo còn khoảng 6%.
Ông Vũ Ngọc Bé, Phó Chủ tịch UBND xã khẳng định: Sản xuất hàng cói xuất khẩu có vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của địa phương. Nhân dân địa phương đang phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2013 Thượng Kiệm sẽ trở thành xã nghề với 13/13 thôn, xóm đạt danh hiệu làng nghề. Để đạt mục tiêu đó, Đảng bộ, chính quyền và các đoàn thể của xã tiếp tục khuyến khích, vận động các hộ gia đình, doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất, phát triển nghề truyền thống.
Duy Hiền