Khắp các cánh đồng (cả trong và ngoài đê) lúa chín vàng, chắc mẩy được người và xe nhanh tay thu hoạch. Nhiều công trình phục vụ dân sinh như: đường giao thông, trường học… đang dần được xây dựng.
Là một xã nằm trong danh sách 23 xã nghèo trọng điểm của tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo của xã tương đối cao với 19%. Khi trận lũ lụt bất ngờ ập đến, Thượng Hòa là một trong những địa phương của huyện Nho Quan phải hứng chịu thiệt hại hết sức nặng nề về người và của, ước tính khoảng 7 tỷ đồng. Một số công trình quan trọng như: trường học, kênh mương, đường giao thông hư hỏng nghiêm trọng. Bên cạnh đó, trong lĩnh vực kinh tế, 500 ha lúa + cá bị mất trắng khiến nhiều gia đình nông dân lâm vào cảnh tay trắng. Sau lũ, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã tăng lên 20,23%. Với tinh thần chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Đảng ủy xã, do thời tiết rét đậm ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp nhưng xã đã làm tốt việc lãnh đạo, chỉ đạo để khôi phục các diện tích lúa và mạ bị thiệt hại.
Toàn xã đã hoàn thành 100% diện tích gieo cấy vụ đông xuân và còn thực hiện sớm hơn so với lịch chung của toàn huyện. Điểm mới trong vụ đông năm nay của xã là được sự quan tâm của Hội Nông dân tỉnh, xã đã triển khai cấy giống lúa lai cao sản Misơn 4. Thời điểm chúng tôi về Thượng Hòa đúng vào thời điểm bà con nông dân trong xã đang tích cực thu hoạch lúa. Toàn xã đã thu hoạch được khoảng 60% diện tích, trong đó diện tích lúa ngoài đê đã thu hoạch xong. Năng suất năm nay cao nhất từ trước đến nay, đạt 61 tạ/ha, tăng 12 tạ so với vụ đông xuân năm 2007. Đặc biệt, giống lúa lai cao sản mới qua một vụ thử nghiệm cho năng suất 3,5 tạ/sào, tương đương với 12 tấn/ha.
Mô hình nuôi ếch cho hiệu quả kinh tế cao
Rút kinh nghiệm từ vụ cá +lúa bị thiệt hại do lũ lụt, vụ lúa + cá năm nay xã đang tích cực chuẩn bị xuống giống các loại cá trên diện tích 350 ha, không thả cá ở khu vực ngoài đê để tránh thiệt hại. Để giúp các hộ nuôi cá có thêm điều kiện khôi phục vụ nuôi thả mới, tỉnh đã quan tâm hỗ trợ 500 nghìn đồng/ha thả cá. Đến nay, các giống cá đã được 10 tổ hợp nuôi cá đưa về địa phương, chỉ chờ gặt xong là bơm nước vào đồng và thả cá. Trong lĩnh vực kinh tế, nhất là để giúp các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, xã đã phát huy các thế mạnh của địa phương về nuôi ếch, trồng nấm… mở rộng nghề đến nhiều người dân. Đặc biệt, đối với nghề nuôi ếch được hình thành khoảng 3 năm nay cho hiệu quả kinh tế cao, xã đang khuyến khích nhiều hộ đi theo hướng này.
Dẫn chúng tôi đi thăm các mô hình kinh tế đã và đang dần được khôi phục và phát triển sau lũ, đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Văn Phiếu cho biết: Không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà cả trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng xã cũng đang có nhiều đổi mới. Hiện nay, hàng loạt các công trình như: nhà công vụ cho giáo viên, trường mầm non, phòng học mầm non tại các thôn, đài tưởng niệm liệt sỹ, đường giao thông, nhà văn hóa thôn… được sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước và dự án "sống chung với lũ" đã và đang được triển khai xây dựng Điều bất ngờ là ngoài các công trình do Nhà nước đầu tư 100% vốn, một số công trình như: đường giao thông trị giá gần 1 tỷ đồng, nhà văn hóa thôn Giáng Đông Thịnh trị giá khoảng 70 triệu đồng… có sự đóng góp của người dân vốn còn rất khó khăn.
Vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đối với một xã thuần nông trong công tác giảm nghèo nhưng toàn Đảng bộ xã đang nỗ lực hết mình để thực hiện hiệu quả các mục tiêu Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2005- 2010 đề ra, nhất là mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2008 còn 17% và phấn đấu đến năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo còn 14%.
Bài, ảnh: Bùi Diệu