Trên cơ sở đó, Sở đã tiến hành rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong các văn bản quy định về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp các huyện, thành phố.
Thông qua các hội nghị giao ban định kỳ của ngành Tư pháp, các buổi tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp đã lồng ghép phổ biến, quán triệt chủ trương, mục đích, ý nghĩa về xây dựng xã, phường, thị trấn chuẩn tiếp cận pháp luật cho các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Chỉ đạo các phòng, đơn vị chuyên môn cụ thể hóa nhiệm vụ của phòng, đơn vị để góp phần thực hiện xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Sở Tư pháp đã đăng tải hầu hết các văn bản quy định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp, UBND tỉnh về chuẩn tiếp cận pháp luật trên trang Cổng thông tin điện tử của Sở, từ đó phổ biến rộng rãi, công khai cho đội ngũ công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trên địa bàn tỉnh để mọi người nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, ý nghĩa xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, góp phần bảo đảm quyền được thông tin về pháp luật của công dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước bằng pháp luật gắn với phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.
Bám sát sự chỉ đạo của tỉnh và của Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp các huyện, thành phố đã tích cực tham mưu UBND cùng cấp ban hành văn bản hướng dẫn triển khai nhiệm vụ chuẩn tiếp cận pháp luật tại địa phương.
Trên cơ sở đó, cấp ủy, chính quyền cấp xã đã quán triệt, triển khai các nội dung, quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật bảo đảm thực hiện trên cả 5 tiêu chí thành phần về: Bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật; thực hiện thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của ủy ban nhân dân cấp xã; phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở; thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Đồng thời, xác định rõ tiến độ thực hiện các nhiệm vụ cụ thể trong đánh giá, công nhận, xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đặc biệt là 10 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018.
Đến hết tháng 6/2018, đa số các xã, phường, thị trấn đều có các chỉ tiêu đạt cao về chuẩn tiếp cận pháp luật, trong đó chỉ tiêu đạt kết quả cao chủ yếu thuộc về các nhóm việc như ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai nhiệm vụ, giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết các thủ tục hành chính đúng trình tự, thời hạn.
Công khai văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính có giá trị; cung cấp đầy đủ thông tin pháp luật thuộc trách nhiệm cung cấp... Một số chỉ tiêu còn đạt kết quả chưa cao, trong quá trình thực hiện còn có vướng mắc, hạn chế như giảm khiếu kiện đông người, vượt cấp, giảm tội phạm và tệ nạn xã hội; bố trí kinh phí cho các nhiệm vụ còn chưa đáp ứng được yêu cầu đã từng bước được khắc phục.
Trong thời gian tới, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh tăng cường giải pháp để thực hiện nhiệm vụ xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, chú trọng gắn với các chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật với trách nhiệm quản lý của cơ quan, đơn vị, địa phương trong bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật về giải quyết thủ tục hành chính, phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, thực hiện dân chủ cơ sở gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Chủ động phối hợp với MTTQ các cấp, nhằm nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở; rà soát, đánh giá hiệu quả xây dựng và khai thác tủ sách pháp luật, áp dụng phần mềm về tủ sách pháp luật, tủ sách pháp luật điện tử theo chủ trương của Bộ Tư pháp; phối hợp với cơ quan văn hóa, thể thao cùng cấp thực hiện việc bàn giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước về hương ước, quy ước; kiểm tra, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý hương ước, quy ước vi phạm theo quy định của pháp luật.
Trần Dũng