PV: Xin đồng cho biết kết quả đạt được trong công tác bảo đảm TTATGT ở tỉnh ta đầu năm đến nay ? Đ/c Lê Trọng Thành: Từ đầu năm đến nay, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban An toàn giao thông tỉnh, các cấp, các ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để đảm bảo TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và chống ùn tắc giao thông.
Ban An toàn giao thông tỉnh đã làm tốt công tác tham mưu để UBND tỉnh ban hành nhiều kế hoạch, phương án chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh triển khai các giải pháp bảo đảm TTATGT, kiềm chế tai nạn giao thông (TNGT).
Công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT luôn được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện với nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, dễ nhớ, dễ hiểu, từ đó đã nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của người dân và các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, hình thành văn hóa giao thông, văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông cho mọi người dân, nhất là việc chấp hành quy định về đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, không sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện, thực hiện tốt các quy định đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông đường thủy nội địa và cuộc vận động "Văn hóa giao thông với bình yên sông nước".
Sở Giao thông vận tải thực hiện tốt việc quản lý nhà nước về giao thông vận tải, đẩy mạnh việc nâng cấp hạ tầng giao thông, đảm bảo tiến độ thi công các công trình giao thông trọng điểm, nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tổ chức quản lý duy tu, sửa chữa thường xuyên hệ thống đường tỉnh và các tuyến quốc lộ ủy thác đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân.
Công an tỉnh và Sở Giao thông vận tải đã chỉ đạo Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về TTATGT, đặc biệt là những vi phạm có nguy cơ cao gây TNGT. Chỉ tính riêng trong tháng 8/2016 trên đường bộ các lực lượng chức năng đã phát hiện lập biên bản 2.759 trường hợp vi phạm, phạt tiền 2,162tỷ đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 682 trường hợp, tạm giữ 483 xe.
Trên đường thủy, đã lập biên bản 73 trường hợp vi phạm, ra quyết định xử phạt thu nộp tại Kho bạc Nhà nước 9.210.000đ. Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động đã tiến hành kiểm tra 1.237 xe, xử phạt 53 xe vi phạm tải trọng, phạt tiền 447,2 triệu đồng, tước 11 giấy phép lái xe; cân điện tử xách tay đã kiểm tra 220 xe, xử phạt 7 xe vi phạm tải trọng, 10 xe vi phạm kích thước thùng hàng, phạt tiền 47,8 triệu đồng, tước 5 giấy phép lái xe.
Từ những nỗ lực nêu trên, 8 tháng đầu năm 2016 tỉnh hình TNGT trên địa bàn tỉnh so với cùng kỳ năm trước tiếp tục giảm trên cả 3 tiêu chí (giảm 3 vụ, giảm 2 người chết và giảm 4 người bị thương); trên các tuyến giao thông thuộc địa bàn tỉnh, đặc biệt là tuyến quốc lộ, tỉnh lộ không xảy ra ùn tắc giao thông.
Trật tự an toàn giao thông được đảm bảo, ý thức và trách nhiệm của người tham gia giao thông được nâng lên. Tỉnh Ninh Bình là một trong số các tỉnh, thành trong cả nước giảm TNGT ở cả 3 tiêu chí, được Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia ghi nhận, đánh giá cao.
PV: Xin đồng chí cho biết nhiệm vụ trọng tâm trong tháng ATGT năm nay và các giải pháp để giảm thiểu TNGT trong những tháng cuối năm 2016?
Đ/c Lê Trọng Thành: Tháng ATGT năm 2016 là đợt cao điểm quan trọng thực hiện sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong công tác bảo đảm TTATGT theo các Chỉ thị của Đảng và Nghị quyết của Chính phủ, là dịp để các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện các giải pháp để đạt được các chỉ tiêu nhiệm vụ đã đề ra trong công tác bảo đảm TTATGT năm 2016 và cũng là đợt hoạt động mạnh để thu hút sự quan tâm của toàn xã hội, nhằm tạo sự đồng thuận của các cấp, các ngành và nhân dân trong công tác đảm bảo TTATGT và tạo động lực tiền đề cho việc triển khai các giải pháp bảo đảm TTATGT trong các tháng tiếp theo đạt hiệu quả.
Ngoài những nhiệm vụ đã được đề ra trong Kế hoạch đảm bảo trật tự TTATGT năm 2016, trong những tháng còn lại năm 2016, Ban ATGT tỉnh sẽ tập trung triển khai tuyên truyền, vận động, kiểm tra, xử lý các hành vi là nguyên chính gây ra tai nạn giai thông; đó là: việc chấp hành quy định sử dụng rượu, bia, chất có cồn khi điều khiển phương tiện giao thông, quy định việc mặc áo phao khi đi đò, việc chấp hành các quy định về hoạt động vận tải…
Từ nhận thức trên, thực hiện Công điện của Thủ tướng chính phủ về bảo đảm TTATGT, Ban An toàn giao thông tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương về bảo đảm TTATGT trong thời gian nghỉ Lễ 2-9-2016 và khai giảng năm học mới; Ban ATGT tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 125 về tổ chức đợt hoạt động cao điểm bảo đảm TTATGT trong tháng 9-2016.
Thực hiện chỉ đạo của Ban ATGT tỉnh và Bộ Công an, ngày 15/8/2016 tại trung tâm thành phố Ninh Bình, Công an tỉnh đã chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Lễ ra quân bảo đảm TTATGT năm 2016 và diễu hành tuyên truyền trên các tuyến đường chính; ngày 31/8/2016, Ban ATGT các huyện, thành phố đã chỉ đạo tổ chức Lễ phát động và ra quân bảo đảm TTATGT trên địa bàn phụ trách đảm bảo nội dung, thời gian và yêu cầu đề ra.
Theo kế hoạch, Ban ATGT tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về TTATGT, cảnh báo nguy cơ mất ATGT, hậu quả của TNGT; khuyến cáo các biện pháp phòng ngừa TNGT đến đông đảo nhân dân; khuyến khích người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng, hạn chế đi lại bằng phương tiện cá nhân.
Công an tỉnh chủ trì phối hợp tập trung triển khai tổ chức điều tiết giao thông hợp lý, tăng cường công tác tuần tra kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về TTATGT, nhất là các vi phạm về tốc độ, nồng độ cồn, đi sai phần đường, làn đường, chở quá số khách và chở hàng hóa quá tải trọng theo quy định, sử dụng phương tiện quá niên hạn, quá thời gian kiểm định.
Tăng cường đảm bảo TTATGT đường thủy nội địa trên các tuyến luồng, các bến khách ngang sông, bến đò chở khách du lịch.
Về kết cấu hạ tầng, Sở Giao thông vận tải tăng cường kiểm tra điều kiện an toàn các công trình kết cấu hạ tầng giao thông; chỉnh trang, khắc phục các vị trí mặt đường bị hư hỏng, sạt lở; lắp đặt bổ sung biển báo, đèn tín hiệu, thiết bị cảnh báo tại các vị trí tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Siết chặt quản lý chất lượng và an toàn giao thông đối với các phương tiện vận tải hành khách; yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải, các bến xe, nhà ga, cảng, bến tàu, phà có phương án tổ chức vận tải hành khách phù hợp đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.
Một số giải pháp được đặt ra trong công tác bảo đảm TTATGT từ nay đến cuối năm 2016 đó là:
Ban ATGT tỉnh, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh tiếp tục tăng cường chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra theo kế hoạch, trong đó các cơ quan báo chí, thông tin tuyên truyền và hệ thống đài truyền thanh các cấp duy trì chuyên trang chuyên mục, tuyên truyền về TTATGT trên sóng phát thanh truyền hình, tuyên truyền pháp luật về TTATGT thông qua các hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật tại các cơ quan, đơn vị và địa phương, tuyên truyền tới mọi gia đình, cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh nhằm thực hiện tốt phong trào "Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông".
Siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải khách bằng ô tô; nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe góp phần làm giảm thiểu tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.
Tổ chức thực hiện tốt Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014 - 2020 trên địa bàn tỉnh và cương quyết không để phát sinh thêm đường ngang trái phép. Đẩy mạnh công tác quản lý, bảo trì và cải tạo nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông, làm tốt việc phát hiện khắc phục các khiếm khuyết về hạ tầng giao thông, xử lý các vi phạm về hành lang ATGT.
Thực hiện đảm bảo tiến độ, chất lượng các dự án xây dựng giao thông để đáp ứng nhu cầu vận tải và công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng và phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân thông suốt thuận tiện, an toàn.
Tăng cường việc tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về TTATGT trên địa bàn, nhất là các hành vi vi phạm quy định về tốc độ, chở hàng quá trọng tải, chở quá số người quy định, vi phạm về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện, phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật; đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành quy định về an toàn giao thông đường thủy nội địa, đình chỉ hoạt động của các cảng, bến và phương tiện thủy nội địa chưa đáp ứng quy định về an toàn.
Triển khai tổ chức thực hiện phương án phân luồng giao thông trên các tuyến giao thông trọng điểm của tỉnh và khu vực trung tâm thành phố Ninh Bình theo hướng đối với xe khách không có lộ trình vào trung tâm thành phố và phân luồng theo đường kết nối cao tốc với QL.1 và đường tránh QL.1 qua thành phố Ninh Bình và cấm xe tải trên 10 tấn hoạt động trong thành phố Ninh Bình từ 6h đến 22h.
Duy trì và đổi mới công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành của người tham gia giao thông và toàn thể cộng đồng; đồng thời luôn thực hiện nghiêm các chế tài xử lý vi phạm về TTATGT để vừa tuyên truyền giáo dục vừa răn đe những trường hợp cố tình vi phạm.
Bên cạnh đó phải tạo ra được sự đồng thuận cao trong cộng đồng và xã hội về công tác đảm bảo TTATGT từ đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật TTATGT trong nhân dân bằng các hoạt động giám sát của nhân dân, trong đó bao gồm việc nhân dân tự giám sát, đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật và nhân dân tham gia giám sát hoạt động của các lực lượng chức năng khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ TTATGT.
PV: Xin Cám ơn đồng chí!
Trần mạnh Dũng (Thực hiện)