Phóng viên (P.V): Xin đồng chí cho biết về tình hình dịch bệnh năm nay?
Đ/c Lê Hoàng Nam: Công tác phòng, chống dịch bệnh tại Ninh Bình trong nhiều năm qua luôn được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Sở Y tế, sự tham gia phối hợp giữa các ngành liên quan nên đã đạt được một số kết quả tốt: Không có dịch lớn, dịch nguy hiểm xảy ra, các dịch nhỏ lẻ, tản phát được khống chế kịp thời, không để dịch lây lan rộng, không có ca bệnh ở một số bệnh truyền nhiễm ở trẻ em trong diện tiêm chủng, không có tử vong do các bệnh dịch nguy hiểm; công tác thông tin báo dịch, công tác tập huấn, giám sát và phòng, chống dịch được chú trọng thường xuyên, tổ chức các lớp tập huấn lồng ghép giám sát dịch tại địa bàn các huyện, thành phố và một số xã về tiêm chủng mở rộng, phòng, chống sốt xuất huyết, phòng, chống sốt rét…
Trên địa bàn tỉnh, tình hình bệnh truyền nhiễm trong 10 tháng đầu năm 2013 diễn biến phức tạp, nhưng cơ bản đã được kiểm soát, hầu hết tỷ lệ mắc một số bệnh truyền nhiễm đều giảm so với cùng kỳ năm 2012, không có dịch lớn xảy ra, không có tử vong do dịch bệnh: thủy đậu: 208 ca mắc; tiêu chảy: 7.701 ca mắc; rubella: 30 ca mắc; bệnh sốt rét: 82 bệnh nhân; bệnh tay chân miệng ghi nhận 910 trường hợp; cúm có 16.135 ca mắc; quai bị có 190 ca mắc; lỵ trực trùng: 295 ca mắc... Tuy nhiên, vẫn phải quan tâm, chú ý đến một số bệnh dịch khác đang tiềm ẩn, có nguy cơ bùng phát thành dịch do người dân đi làm ăn xa ở các tỉnh có dịch đưa về …
P.V: Những chuẩn bị của Trung tâm Y tế dự phòng trong việc chủ động phòng chống dịch bệnh?
Đ/c Lê Hoàng Nam: Với chức năng được giao, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh nói riêng, hệ thống y tế dự phòng nói chung từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên được quan tâm củng cố và kiện toàn nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh, không để dịch bệnh xảy ra trên địa bàn, góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân. Để phòng, chống dịch bệnh, hệ thống y tế dự phòng từ tỉnh đến cơ sở đã đẩy mạnh công tác truyền thông, phối hợp với các đơn vị có liên quan tuyêntruyền, vận động để người dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh, vận động người dân tích cực thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho gia đình và cộng đồng thông qua việc quan tâm thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, vệ sinh ăn uống…
Bên cạnh đó, tăng cường và duy trì giám sát bệnh truyền nhiễm tại tất cả các tuyến, tăng cường giám sát bệnh chủ động, phát hiện sớm trường hợp mắc mới để có biện pháp cách ly, thu dung, điều trị kịp thời. Thực hiện đầy đủ các quy định tại Thông tư 48/2010/TT-BYT ngày 31-12-2010 của Bộ Y tế. Thực hiện điều tra dịch tễ ca bệnh, phân tích, dự báo xu hướng phát triển của dịch bệnh ở từng ổ dịch để có biện pháp phòng, chống thích hợp.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, ngành Y tế đã củng cố và kiện toàn đội cơ động chống dịch các cấp, sẵn sàng ứng phó khi có dịch xảy ra, thực hiện xử lý ca bệnh, ổ dịch triệt để; Chủ động dự báo các bệnh dịch nguy hiểm xảy ra tại địa phương để có biện pháp phòng, chống, tổ chức trực dịch 24/24 giờ trong thời gian có dịch; Tăng cường công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; Chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị cần thiết cho công tác phòng, chống dịch trên địa bàn; Tổ chức kiểm tra, giám sát và xử lý y tế tại cảng ngăn chặn các dịch bệnh nguy hiểm (H7N9); Phát huy tối đa các biện pháp phòng bệnh chủ động bằng vắc xin, đặc biệt là các hoạt động của chương trình tiêm chủng mở rộng. Đảm bảo tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt trên 90% và đảm bảo an toàn trong tiêm chủng. Trong đó, tập trung vào nhóm dịch bệnh nguy hiểm: Nhóm dịch bệnh nguy cơ gây đại dịch cúm A ( H5N1); Nhóm dịch bệnh mới nổi và tái xuất hiện, có tỷ lệ tử vong cao; Tay chân miệng, Rubella, viêm màng não mô cầu, liên cầu lợn; Nhóm dịch bệnh lưu hành: Quai bị, thủy đậu, viêm não do vi rút…
P.V: Thưa đồng chí, hiện nay là thời điểm giao mùa, vậy công tác phòng, chống dịch bệnh cần chú trọng đến những vấn đề gì?
Đ/c Lê Hoàng Nam: Vào mùa đông, thời tiết có nhiều biến động thất thường, nhiệt độ giảm mạnh, độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi làm các dịch bệnh phát sinh và phát triển, nhất là các bệnh về đường hô hấp như: cúm A/H5N1, viêm phổi, viêm phế quản, viêm màng não, tay-chân-miệng...
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, người dân cần quan tâm thực hiện tốt việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và người xung quanh thông qua việc giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, vệ sinh ăn uống, tăng cường và có chế độ dinh dưỡng hợp lý, hạn chế ra ngoài vào những ngày thời tiết lạnh, nhiệt độ xuống thấp, nhất là trẻ em và người cao tuổi...
Để chủ động và kịp thời ngăn chặn các dịch bệnh trong mùa đông, hạn chế tối đa những tác hại có thể xảy ra cho sức khỏe và tính mạng của người dân, ngành Y tế đã tăng cường các hoạt động chuyên môn nhằm phòng, chống dịch bệnh như: Tăng cường giám sát bệnh chủ động, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đầu tiên để có biện pháp cách ly, thu dung, điều trị kịp thời; Thực hiện điều tra dịch tễ ca bệnh, phân tích, dự báo xu hướng phát triển của bệnh dịch ở từng ổ dịch để có biện pháp phòng, chống thích hợp; Củng cố và kiện toàn đội cơ động chống dịch các cấp, sẵn sàng khi có dịch xảy ra. Tổ chức trực dịch 24/24 giờ trong thời gian có dịch; Tăng cường công tác an toàn vệ sinh thực phẩm; Chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị cần thiết cho công tác phòng, chống dịch trên địa bàn toàn tỉnh; Tổ chức kiểm tra, giám sát và xử lý y tế tại cảng ngăn chặn các bệnh dịch nguy hiểm.
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí !
Phan Hiếu (Thực hiện)