Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Bùi Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Với phương châm "Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục có hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão lũ gây ra", huyện Gia Viễn đã tích cực triển khai công tác PCLB và TKCN, xây dựng các phương án PCLB, TKCN sát với thực tế địabàn. Rút kinh nghiệm từ công tác phòng, chống lụt bão những năm trước, trong mùa mưa bão năm nay, Gia Viễn chủ động thực hiện phương châm "4 tại chỗ"(chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ) và 3 kịp thời (phát hiện kịp thời, xử lý kịp thời, thông tin kịp thời, đầy đủ và chính xác). Để thực hiện mục tiêu trên, huyện duy trì thường xuyên chế độ kiểm tra hệ thống đê, kè, cống, nhất là những vùng có nguy cơ sạt lở cao. Các xã đều bố trí lực lượng xung kích là những người có sức khỏe, sẵn sàng ứng cứu khi cần. Huyện còn hợp đồng với lực lực quân đội, công an trên địa bàn tham gia PCLB &TKCN. Các vật tư thông dụng đã được huyện chuẩn bị dự trữ như: đất 1.300m3 dự phòng cho các cống dưới đê, đá chống lụt 6.647m3, bao tải 6.000 chiếc, phao cứu sinh 280 cái, 19 nhà bạt các loại, 2 máy phát điện; lương khô 300kg. Tại huyện Kim Sơn, đồng chí Trần Văn Công, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Kim Sơn là vùng trọng điểm của tỉnh trong công tác phòng, chống bão gió, nước biển dâng. Trước khi bão gió có khả năng đổ bộ vào địa bàn thì nhiệm vụ hàng đầu của huyện là di dời dân ở ngoài đê Bình Minh II về nơi an toàn, tổ chức chằng, chống nhà cửa và có phương án bảo vệ tài sản, hoa màu trước, trong và sau bão. Khi đó cần phải có lực lượng công an, quân đội xung kích cùng các phương tiện vận chuyển (xe khách, xe tải, xuồng máy...) và lương thực, thực phẩm. Những vấn đề trên huyện đã có phương án cụ thể và có kế hoạch chi tiết giao cho các địa phương, đơn vị chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng khi cần.
Đồng chí Nguyễn Văn Cao, Chi cục trưởng Chi cục PCLB, Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh cho biết: Lượng vật tư PCLB do tỉnh quản lý hiện có: 22.154 m3 đá hộc, được để tại các tuyến đê của huyện Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư, Yên Khánh, Kim Sơn, Yên Mô; ngoài ra còn có 422 m3 đá 2x4 để tại đê hữu Đáy, tả Hoàng Long và 5.578 m3 đá hộc của Trung ương để tại các tuyến đê của Nho Quan, Gia Viễn và Kim Sơn. Bạt chống sóng có 54.200 m2; bao tải nilon 408.775 cái; vải bọc 5.050 m2; rọ thép 2.859 bộ; dây thép 13.967 kg cùng nhiều mai, cuốc, xẻng được để tại các kho: Bến Đế, Ngô Đồng, Ninh Giang và Kim Sơn.
Đối với phương tiện tham gia PCLB, tỉnh có kế hoạch huy động xe của 16 cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Về lực lượng, ngoài lực lượng xung kích thường trực PCLB của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn các huyện, thành phố, thị xã, tỉnh còn có kế hoạch huy động thêm lực lượng cơ động của Quân đội đóng trên địa bàn từ 1.310 đến 1.510 người tăng cường cho các địa phương nhằm bảo vệ những điểm xung yếu, vùng trọng điểm và tham gia ứng cứu sự cố cũng như công tác tìm kiếm cứu nạn khi có bão lũ xảy ra.
Với phương châm lấy phòng là chính, chống phải tích cực, kịp thời ngay từ giờ đầu, phút đầu, vì vậy thực hiện tốt phương châm 4 "tại chỗ" là đã góp phần tích cực vào sự thắng lợi của công tác PCLB&TKCN cũng như hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa, bão, lũ, lụt khi có xảy ra.
Đinh Chúc