Thực hiện Di chúc của Bác, trong 40 năm qua, nhất là từ năm 1992 đến nay, Hội Phụ nữ tỉnh đã bám sát sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, sự chỉ đạo và định hướng của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, từ thực tiễn phong trào phụ nữ để xây dựng kế hoạch công tác Hội và tổ chức thực hiện để phụ nữ Ninh Bình tự tin, có ý thức phấn đấu vươn lên, tham gia tích cực vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Qua đó khẳng định vai trò, vị trí của người phụ nữ trong gia đình và xã hội.
Để đẩy mạnh phong trào và hoạt động của Hội phụ nữ các cấp, góp phần tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ của địa phương, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước theo từng thời kỳ, giai đoạn cách mạng nên đã thu hút đông đảo hội viên, phụ nữ tham gia như: phong trào "Ba đảm đang" từ năm 1965-1975, phong trào "Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" từ năm 1978-1988, cuộc vận động "Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình" từ năm 1989-1997…
Các phong trào, các cuộc vận động không chỉ thu hút số đông hội viên, phụ nữ tham gia mà còn phát hiện các nhân tố, điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua, xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả. Thông qua các phong trào, các cuộc vận động, nhiều hội viên, phụ nữ đã mạnh dạn, tự tin hơn khi được tham gia sinh hoạt Hội, được tập huấn chuyển giao KHKT, được giúp đỡ giảm nghèo…
Song hành cùng các phong trào thi đua, các cuộc vận động, các cấp Hội phụ nữ đã quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao kiến thức, trình độ và năng lực của phụ nữ. Nội dung tuyên truyền ngày càng thiết thực hơn và bám sát thực tiễn cuộc sống như: tuyên truyền về các nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của Hội phụ nữ các cấp, giáo dục truyền thống, vấn đề bình đẳng giới, kiến thức KHKT, chăm sóc sức khỏe, nuôi dạy con theo khoa học, xây dựng gia đình hạnh phúc, vệ sinh môi trường…
Hình thức tuyên truyền được đa dạng hóa với nội dung phong phú, đa dạng như: câu lạc bộ, nói chuyện chuyên đề, hội thi, sinh hoạt hội viên… Hàng năm, có trên 85% số phụ nữ được tiếp cận với các thông tin của Hội, tăng so với năm 1992 từ 20-25%. Các cấp Hội còn đặc biệt quan tâm đẩy mạnh các hoạt động giúp đỡ, hỗ trợ hội viên, phụ nữ vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Hiện nay, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đang quản lý số vốn là 503.495 triệu đồng cho 60.014 lượt phụ nữ vay để phát triển sản xuất, kinh doanh, trong đó có 26.135 lượt phụ nữ nghèo và 8.048 hộ nghèo do phụ nữ là chủ hộ. Hoạt động chuyển giao KHKT được tổ chức đến tận các chi hội. Hoạt động dạy nghề được mở rộng đến các xã vùng sâu, vùng xa, nơi có tỷ lệ hộ nghèo cao, nơi giải phóng mặt bằng…
Việc giúp phụ nữ nghèo thoát nghèo được thực hiện theo hướng: giúp có địa chỉ và "cầm tay chỉ việc". Trung bình hàng năm, toàn tỉnh có từ 400-500 phụ nữ được hỗ trợ thoát nghèo. Công tác phối hợp chỉ đạo tổ chức thực hiện các chương trình chăm sóc sức khỏe phụ nữ, trẻ em, dân số - kế hoạch hóa gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng, chống các tệ nạn xã hội… đạt hiệu quả cao, mang lại quyền lợi thiết thực cho phụ nữ. Hiện nay, Hội phụ nữ cơ sở đã xây dựng được các mô hình: chi hội không có người sinh con thứ ba trở lên, chi hội không có người thân mắc tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật, mô hình tổ phụ nữ tự quản thu gom rác thải, xây dựng hầm biogas, nước sạch… và hơn 400 câu lạc bộ các loại như: CLB gia đình hạnh phúc, CLB vì sự tiến bộ của phụ nữ, CLB phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em…
Được tham gia sinh hoạt Hội và là thành viên của các CLB, mô hình đã giúp nhiều hội viên, phụ nữ áp dụng những kiến thức, kinh nghiệm được truyền đạt, học tập trong xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con cái. Đến nay, có 85% gia đình hội viên phụ nữ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ Hội từ tỉnh đến cơ sở được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị đã góp phần quan trọng thúc đẩy phong trào phụ nữ và công tác Hội. Hệ thống tổ chức Hội được xây dựng vững chắc từ tỉnh đến cơ sở. Hiện nay tỷ lệ tập hợp hội viên đạt 77,8% so với số phụ nữ từ 18 tuổi trở lên, tăng 17,8% so với năm 1992.
Từ các phong trào thi đua, các cuộc vận động của Hội phụ nữ, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người phụ nữ được thực hiện đầy đủ hơn, góp phần quan trọng nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội. Trong nhiều khóa Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đều có đại biểu nữ, riêng khóa XII, nữ đại biểu Quốc hội đạt tỷ lệ 33,3%. Ngày càng có thêm nhiều cán bộ nữ tham gia cấp ủy các cấp. Nhiệm kỳ 2005-2010 có một nữ ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, 5/8 huyện, thành, thị ủy có ủy viên Ban Thường vụ là nữ, có 14 chị là Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy cơ sở. Nữ tham gia HĐND cấp tỉnh đạt 28,89%, cấp huyện đạt 24,9%, cấp xã đạt 19,84%. Toàn tỉnh có 23 nữ là trưởng, phó các sở, ban, ngành cấp tỉnh; 3/8 huyện, thành phố, thị xã có Phó Chủ tịch UBND huyện là nữ; 20 xã, phường, thị trấn có nữ lãnh đạo chủ chốt HĐND, UBND, nữ chủ doanh nghiệp chiếm 25% trong tổng số doanh nghiệp của tỉnh. Trong 40 năm qua, với những kết quả đạt được từ phong trào phụ nữ và công tác Hội, cán bộ, hội viên Hội LHPN tỉnh được Chủ tịch nước, Chính phủ, Trung ương Hội LHPN Việt Nam, các Bộ, ngành và UBND tỉnh tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhất, cờ thi đua xuất sắc, bằng khen…
Bùi Diệu