Để NQ 54-NQ/T.Ư đi vào cuộc sống, những năm qua, tỉnh đã cụ thể hóa các nội dung nêu trong Nghị quyết thành những chương trình, kế hoạch, cơ chế, chích sách và nhiệm vụ ở địa phương. Đồng thời chỉ đạo các cấp, các ngành rà soát, điều chỉnh mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2006 - 2010, bổ sung những nội dung, nhiệm vụ, chương trình hành động theo tinh thần của NQ 54, trên cơ sở khai thác tối đa lợi thế tài nguyên và các nguồn lực. Nhiều Nghị quyết ra đời tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân, phát huy được sức mạnh của hệ thống chính trị và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Điển hình như NQ số 05-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển vùng kinh tế biển; Kế hoạch số 18/KH-TU của Tỉnh ủy và Đề án số 07/ĐA-UBND của UBND tỉnh về phát triển công nghiệp đến năm 2010; NQ số 04-NQ/TU về phát triển trồng, chế biến cói, thêu ren và chế tác đá mỹ nghệ; NQ số 15-NQ/TU về phát triển du lịch; NQ số 08/2008/NQ-HĐND về hỗ trợ xây mới, cải tạo, sửa chữa nhà dột nát trên địa bàn; NQ số 03-NQ/TU về phát triển sản xuất vụ đông đến năm 2010; chính sách phát triển lúa chất lượng cao, lúa cao sản, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chính sách giảm nghèo theo NQ số 10-NQ/TU; các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển vào các khu, cụm công nghiệp…
Các nghị quyết, cơ chế, chính sách được triển khai, đi vào cuộc sống mang lại hiệu quả rõ nét: Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm của tỉnh đạt 16,5% (mục tiêu chung của NQ 54-NQ/T.Ư là 11-12%), quy mô của nền kinh tế tăng nhanh, GDP năm 2010 đạt trên 7 nghìn tỷ đồng, gấp gần 2,1 lần so với năm 2005. GDP trên đầu người tăng từ 5,57 triệu đồng (năm 2005) lên 20,9 triệu đồng (năm 2010), cao hơn so với bình quân chung vùng đồng bằng sông Hồng.
Trong sản xuất công nghiệp, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân đạt 28,4%/năm. Tỉnh đã quan tâm, ưu tiên phát triển theo hướng tập trung vào các sản phẩm có khả năng cạnh tranh trên thị trường, có giá trị sản xuất lớn như sản xuất, lắp ráp ô tô, phân bón, vật liệu xây dựng, kính, may mặc… Việc quy hoạch, hình thành, phát triển các khu, cụm công nghiệp đảm bảo theo đúng quy định. Toàn tỉnh hiện có 7 khu công nghiệp là Khánh Phú, Tam Điệp, Gián Khẩu, Khánh Cư, Phúc Sơn, Xích Thổ, Sơn Hà với tổng diện tích 1.961 ha. Tổng số dự án đầu tư vào các khu công nghiệp được cấp giấy chứng nhận là 67 dự án, với số vốn đăng ký là 37.741 tỷ đồng, trong đó có 15 dự án có vốn đầu tư nước ngoài. ở các khu công nghiệp đã có 36 dự án đi vào sản xuất, tạo ra khối lượng sản phẩm đa dạng, doanh thu cao, tăng số thu nộp ngân sách. Chỉ trong năm 2010, giá trị sản xuất của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đạt 3.242 tỷ đồng, nộp ngân sách 665 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu trên 39 triệu USD, giải quyết việc làm cho 13.450 lao động. Đối với tiểu thủ công nghiệp, sản xuất không ngừng phát triển, bên cạnh những ngành nghề mới được chú trọng đưa vào, các ngành nghề, làng nghề truyền thống được khôi phục, duy trì, mở rộng như chế tác đá mỹ nghệ, thêu ren, mộc, cói, mây tre đan…, góp phần quan trọng giải quyết việc làm tại chỗ cho nhiều lao động địa phương, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng CNH, HĐH.
Lĩnh vực thương mại, dịch vụ ngày càng sôi động, giá trị sản xuất tăng bình quân 19,12%/năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu 5 năm qua của tỉnh đạt gần 240 triệu USD, tăng bình quân 26,2%/năm (mục tiêu chung của NQ 54-NQ/T.Ư là 9-10%), năm 2010 đạt 80 triệu USD. Riêng lĩnh vực du lịch, có sự bứt phá mạnh mẽ, năm 2010 có gần 3,3 triệu lượt khách du lịch đến Ninh Bình, gấp 3,3 lần so với năm 2005, doanh thu đạt 550 tỷ đồng.
Về nông nghiệp, giá trị sản xuất tăng bình quân 4,3%/năm, ngành trồng trọt từng bước chuyển sang sản xuất hàng hóa và hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh như vùng nuôi trồng thủy sản, vùng sản xuất nguyên liệu cói ở Kim Sơn; vùng lúa chất lượng cao (Yên Khánh, Kim Sơn); vùng nuôi lợn sữa, lợn siêu nạc (Yên Khánh); vùng lúa, cá vụ mùa (Hoa Lư, Gia Viễn, Nho Quan); vùng cây ăn quả (thị xã Tam Điệp, Nho Quan); vùng sản xuất rau sạch ở thành phố Ninh Bình. Diện tích gieo trồng cây lương thực hàng năm ổn định, năng suất, chất lượng tăng, đảm bảo an ninh lương thực. Vụ đông đang dần trở thành vụ sản xuất chính. Trong những năm qua, hàng nghìn ha đất trồng cây có giá trị kinh tế thấp trên địa bàn được chuyển đổi sang nuôi trồng các loại cây, con có giá trị kinh tế cao như tôm, cua, ba ba, cá… Các mô hình kinh tế, các hình thức tổ chức phát triển sản xuất và dịch vụ ở nông thôn theo đó cũng phát triển mạnh; ngành nghề chế biến nông, lâm, thủy hải sản, đồ gỗ, mây tre đan… mở rộng quy mô. Chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản chuyển dịch tích cực với các mô hình doanh nghiệp và trang trại nông nghiệp theo hướng công nghiệp, bằng những con nuôi đặc sản, có giá trị cao. Phương thức canh tác nông nghiệp sinh thái sạch, công nghệ cao được tăng cường, hình thành rõ 3 vùng sinh thái là vùng đồng bằng, vùng đồi núi và vùng ven biển, hạn chế việc sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật nhằm phát triển bền vững.
Thực hiện các mục tiêu mà NQ 54-NQ/T.Ư đề ra, tỉnh đã tập trung đầu tư xây dựng, tạo sự khởi sắc cho hạ tầng cơ sở đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế trên địa bàn. Một số khu du lịch mang tầm Quốc gia và khu vực được xây dựng khang trang như Khu du lịch sinh thái Tràng An, Khu du lịch tâm linh núi chùa Bái Đính, Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, Khu du lịch sinh thái Vân Long… Kết cấu hạ tầng như thủy lợi, giao thông, trường học, trạm y tế, chợ, nhà văn hóa thôn, bản, các công trình phòng, chống lụt bão như đê Bình Minh, đê sông Hoàng Long… được chú trọng đầu tư kiên cố, vững chãi. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 5 năm tăng cao, đạt trên 52 nghìn tỷ đồng. Từ nguồn vốn đầu tư này, nhiều công trình, dự án được đi vào hoạt động, có giá trị kinh tế - xã hội to lớn.
Từ một tỉnh có trình độ phát triển thấp, quy mô nền kinh tế nhỏ, Ninh Bình vươn lên trở thành tỉnh trung bình khá và có nền kinh tế phát triển năng động nhất trong tiểu vùng Nam đồng bằng sông Hồng, đóng vai trò không nhỏ tạo nên kết quả đó là từ sức bật của các Nghị quyết, trong đó có NQ 54-NQ/T.Ư.
Thanh Thủy