Có rất nhiều các cuộc họp như: họp tham mưu, tư vấn; họp làm việc; họp chuyên môn; họp giao ban; họp tập huấn, triển khai; họp sơ kết, tổng kết…. Do vậy, họp có vai trò rất quan trọng và là hoạt động không thể thiếu được trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền các cấp và các tổ chức, cơ quan, đơn vị.
ở tỉnh ta trong những năm qua, việc chấp hành chế độ hội họp của các cơ quan, đơn vị nhìn chung đã thực hiện theo đúng quy định, phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Tuy vậy, ở một số hội nghị còn tình trạng cơ quan chủ trì tổ chức hội họp và người đến dự họp chưa chấp hành nghiêm túc nền nếp, kỷ cương, chế độ hội họp như: đi họp không đúng thành phần; đại biểu dự họp nói chuyện riêng, nghe và nói chuyện điện thoại ngay trong hội trường; sử dụng các thiết bị máy tính, điện thoại vào mạng xem phim, đọc báo; bỏ họp giữa giờ không có lý do, cá biệt còn có người ngủ gật.… làm ảnh hưởng đến hiệu quả và tính nghiêm túc của hội nghị.
Nguyên nhân của tình trạng trên chủ yếu là do ý thức trách nhiệm dự họp của một số đại biểu chưa cao.
Để khắc phục những hạn chế trong hội họp nêu trên, vừa qua, Tỉnh ủy đã ban hành công văn chỉ đạo yêu cầu các ban cán sự Đảng, đảng đoàn, các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc, các sở ban, ngành, đoàn thể thực hiện nghiêm túc một số nội dung về chế độ hội họp.
Trong đó nhấn mạnh: Các cơ quan, đơn vị cân nhắc việc tổ chức hội nghị để đảm bảo tính hiệu quả và sự cần thiết. Hạn chế tổ chức các hội nghị, có thể lồng ghép các nội dung vấn đề, công việc cần xử lý, kết hợp các cuộc họp với nhau đảm bảo hợp lý, khoa học, nhằm giảm bớt số lượng, nâng cao chất lượng các hội nghị, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính.
Thiết nghĩ, trước khi tổ chức hội họp, thủ trưởng cơ quan, đơn vị chủ trì phải chỉ ra được mục đích, nội dung của hội nghị từ đó sẽ xác định được thành phần đại biểu tham gia.
Tùy theo tính chất, nội dung, mục đích, yêu cầu của cuộc họp, người triệu tập cuộc họp sẽ phải cân nhắc kỹ và quyết định thành phần, số lượng người tham dự cuộc họp cho phù hợp, bảo đảm tiết kiệm và hiệu quả.
Khi tổ chức hội nghị, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải nghiên cứu bố trí thời gian và địa điểm hợp lý; chuẩn bị tài liệu kỹ, đầy đủ, đúng yêu cầu nội dung cuộc họp. Tài liệu có thể gửi trước bằng đường công văn, hoặc bằng mạng internet đến cho các đại biểu dự họp để nghiên cứu, chuẩn bị ý kiến đóng góp.
Các đại biểu được mời dự hoặc được triệu tập đến họp phải tham dự đầy đủ, đúng thành phần và thời gian theo giấy mời. Trường hợp đặc biệt có lý do chính đáng không thể dự họp mà cử cấp phó hoặc người khác đi họp thay thì phải xin phép và được người chủ trì đồng ý trước khi diễn ra hội nghị.
Người đi họp thay phải xin ý kiến chỉ đạo, quan điểm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị mình về những vấn đề liên quan đến nội dung hội nghị, chuẩn bị ý kiến tham gia phát biểu.
Sau hội nghị, người đi họp thay phải báo cáo đầy đủ tình hình, kết quả hội nghị cho thủ trưởng cơ quan, đơn vị cử đi họp biết.
Trong thời gian diễn ra hội nghị, các đại biểu dự họp cần nâng cao ý thức trách nhiệm, tập trung nghiên cứu nội dung tài liệu, phát biểu tham gia ý kiến, tham luận tại hội nghị ngắn, gọn, đúng vấn đề, thể hiện rõ chính kiến và các kiến nghị, đề xuất để thống nhất về nhận thức, quan điểm, hướng giải quyết công việc; không nói chuyện và làm việc riêng, không nghe và nói chuyện điện thoại ngay trong hội trường; không sử dụng các thiết bị máy tính, điện thoại vào mạng xem phim, đọc báo; không rời hội nghị trước khi kết thúc nếu chưa được người chủ trì hội nghị đồng ý…
Hiện tại là thời điểm cuối năm, các tổ chức, cơ quan, đơn vị đang tiến hành nhiều cuộc họp sơ, tổng kết nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2016 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2017.
Vì vậy, việc tổ chức và duy trì các cuộc họp đảm bảo đạt được mục đích, yêu cầu; đúng nội dung, thành phần và tiết kiệm được tiền của, thời gian của Nhà nước và nhân dân là hết sức cần thiết, góp phần đổi mới phong cách làm việc trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước để tập trung vào việc phục vụ nhân dân và doanh nghiệp. Mong rằng các tổ chức, cơ quan, đơn vị và mỗi đại biểu dự họp hãy chấp hành đúng và thực hiện nghiêm túc nền nếp, kỷ cương chế độ hội họp.
Nguyễn Đông