Lễ hội đền Thung Lá (xã Gia Hưng, huyện Gia Viễn) được tổ chức vào ngày 10 tháng Giêng hàng năm. Ngay từ những ngày giáp Tết, mọi công tác chuẩn bị cho một mùa lễ hội mới cũng đã được địa phương hoàn tất. Trước kia, đời sống của bà con địa phương còn bộn bề khó khăn. Ai cũng phải bươn chải lo kiếm sống, nhưng cứ vào khoảng thời gian làng tổ chức lễ hội, ai nấy cũng thu xếp công việc để về dự và mang đến những sản vật do chính tay mình làm ra để lễ Quốc mẫu, Vương bà, cầu cho quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt, sức khỏe dồi dào.
Ngày nay, đời sống của bà con đã khá lên nhiều, song những phong tục truyền thống trong ngày hội vẫn được gìn giữ như một "báu vật". Ngoài phần "lễ" là phần "hội" với nhiều trò chơi truyền thống như: đấu vật, thi nấu cơm, cờ người, chọi gà… đặc biệt, trong lễ hội luôn duy trì một tiết mục rất độc đáo, đó là "tập trận cờ lau". Về với lễ hội không chỉ là con em quê hương mà còn là hàng ngàn lượt khách thập phương về chiêm bái và lễ cầu sức khỏe.
Để di tích lịch sử Thung Lau, Thung Lá và những ngày hội làng thực sự trở thành nét đẹp văn hóa của địa phương và là nơi về nguồn ý nghĩa trong tâm linh mỗi người, những năm qua, địa phương đã tăng cường các hoạt động quản lý lễ hội, quản lý di tích.
Theo đó, UBND xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức, lòng tự hào cho người dân địa phương về việc bảo vệ di tích. Đặc biệt, việc quản lý, tổ chức lễ hội làng, tiền công đức đều do UBND xã chịu trách nhiệm trên cơ sở thành lập một Ban Quản lý di tích. Để quán xuyến công việc hiệu quả hơn, Ban Quản lý này thành lập thêm các tổ công tác chuyên trách như tổ kiểm két, tổ thủ từ, tổ vệ sinh, tổ bảo vệ...
Các tổ công tác không chỉ phục vụ mùa lễ hội mà còn duy trì hoạt động liên tục trong năm. Riêng tổ thủ từ có trách nhiệm bố trí lực lượng trực tại các điểm lễ chính, hướng dẫn nhân dân đặt tiền lễ đúng nơi quy định.
Hoạt động quản lý di tích trên địa bàn xã nhiều năm nay đều rất bài bản. Ngay cả vào mùa lễ hội, lượng khách tăng đột biến nhưng địa phương không để xảy ra tình trạng lộn xộn, mất an ninh trật tự trong khu di tích, ảnh hưởng tới khách du lịch. 100% tiền công đức đều được sử dụng phục vụ công tác xây dựng, đầu tư, tu bổ di tích và các hạng mục, công trình hạ tầng; đầu tư các công trình phúc lợi xã hội, làm công tác từ thiện, cứu trợ xã hội, phẫu thuật tim cho trẻ em nghèo… Bên cạnh đó, công tác bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường luôn được Ban Quản lý di tích quan tâm, chú trọng.
Theo ông Phạm Ngọc Văn, Trưởng phòng Gia đình và nếp sống văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta có gần 1.500 di tích, được phân bổ đều khắp ở các địa phương. Toàn tỉnh có 228 lễ hội, tất cả các lễ hội đều được tổ chức dịp đầu xuân năm mới.
Nhiều lễ hội là lễ hội làng. Bởi vậy, các lễ hội mang đậm nét văn hóa làng quê, là dịp để nhân dân trong vùng tỏ lòng tri ân công đức các vị thần có công với dân với nước. Cùng với nỗ lực tổ chức lễ hội mang đậm nét văn hóa truyền thống, công tác quản lý và tổ chức lễ hội luôn được các địa phương quan tâm.
Để duy trì nếp sống văn minh trong tổ chức lễ hội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hướng dẫn các địa phương, Ban quản lý di sản nơi tổ chức lễ hội và Ban tổ chức lễ hội tổ chức sắp xếp hợp lý các dịch vụ phục vụ du khách và hướng dẫn du khách thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội như: làm biển chỉ dẫn sơ đồ các khu vực trong khuôn viên di tích; bảng tóm tắt giới thiệu lịch sử, giá trị kiến trúc, văn hóa nghệ thuật của di tích.
Bố trí, sắp xếp hợp lý hòm công đức, nơi đặt tiền giọt dầu, lư hương, hạn chế đốt vàng mã, không đốt đồ mã. Hướng dẫn khách tham quan và người hành lễ không ném tiền bừa bãi, gài tiền vào tượng cũng như các hiện vật khác làm ảnh hưởng đến tính tôn nghiêm của di tích.
Đối với các lễ hội quy mô lớn như: Lễ hội Cố đô Hoa Lư, chùa Bái Đính, đền Thái Vi… UBND các địa phương cùng với ngành Giao thông - Vận tải và các cơ quan có liên quan chỉ đạo xây dựng phương án, các biện pháp nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, bảo đảm cho nhân dân đi lại thuận lợi.
Đặc biệt, kiên quyết dỡ bỏ các biển quảng cáo dựng trái phép, nội dung phản cảm, gây nhầm lẫn cho du khách dọc các tuyến đường dẫn vào khu vực lễ hội. Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng xây dựng kế hoạch tuyên truyền, quảng bá về lễ hội và hình ảnh đất nước, con người Ninh Bình với bạn bè trong nước và quốc tế; có thời lượng hợp lý phản ánh những nét đẹp văn hóa truyền thống trong hoạt động lễ hội, biểu dương, cổ vũ các nhân tố mới, điển hình tiên tiến, đồng thời phê phán những hiện tượng tiêu cực về công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các ngành liên quan và UBND các địa phương tổ chức kiểm tra liên ngành, kiểm tra trước, trong và sau lễ hội.
Đặc biệt, quản lý giá cả hàng hóa dịch vụ trong lễ hội và xử lý những sai phạm trong công tác tổ chức và quản lý lễ hội, ngăn chặn tình trạng đeo bám, chèo kéo, nâng giá, ép giá dịch vụ… phối hợp với lực lượng công an tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm, các tệ nạn xã hội, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho nhân dân, tuyệt đối không để xảy ra tai nạn cháy nổ.
Nguyễn Hùng