Khắc phục xã "trắng" về công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn
Tại kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XIII, có nhiều ý kiến cử tri phản ánh về tình trạng một số công trình nước sạch nông thôn đã đầu tư hàng chục tỷ đồng nhưng việc quản lý, khai thác lại chưa tương xứng, chưa có hiệu quả, dẫn đến tình trạng xuống cấp nghiêm trọng hoặc nhiều công trình dang dở, chưa bàn giao đưa vào sử dụng.
Để giải quyết vấn đề trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài chính, UBND các huyện, thành phố, thị xã và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện thống kê phân loại số lượng, chất lượng các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung. Theo đó, trên địa bàn tỉnh có 105 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn (85 công trình đang hoạt động; 20 công trình dừng hoạt động, 10 công trình xây dựng dở dang và 3 công trình chuẩn bị đầu tư). Thực hiện Thông tư số 54/2013/TT-BTC ngày 04/5/2013 của Bộ Tài chính quy định về quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung, tỉnh sẽ điều chuyển (chuyển chủ quản lý); chuyển nhượng, cho thuê thanh lý (kể cả công trình dở dang, công trình hư hỏng và công trình đang chuẩn bị đầu tư) theo hình thức xã hội hóa nhằm nâng cao hiệu quả quản lý.
Các đơn vị tiếp nhận công trình sẽ phải thực hiện khấu hao tài sản cố định theo quy định và hoàn trả ngân sách Nhà nước để có nguồn vốn thực hiện sửa chữa định kỳ (trong đó có các công trình cấp nước sạch xã Yên Phong (huyện Yên Mô) xã Quảng Lạc (huyện Nho Quan)).
Đồng thời tổ chức lập quy hoạch cấp nước sinh hoạt nông thôn của tỉnh đến năm 2020 - định hướng đến năm 2030, trong đó sẽ tính toán, bố trí nguồn vốn (vốn trung ương, vốn địa phương và vốn xã hội hóa) để sớm hoàn thiện các công trình đang xây dựng dang dở và từng bước khắc phục xã "trắng" về công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn (trong đó có các công trình xã Quỳnh Lưu (huyện Nho Quan); xã Gia Minh và xã Gia Sinh (Gia Viễn).
Bên cạnh đó, về quản lý chất lượng nước sạch, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và PTNT, các ngành có liên quan xây dựng Quy chế phối hợp thực hiện Chương trình MTQG nước sạch và VSMT nông thôn giai đoạn 2012-2015 nhằm giám sát, đánh giá, kiểm tra việc cung cấp nước sạch, đảm bảo chất lượng nước phục vụ người dân nông thôn. Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác đảm bảo chất lượng nước sạch theo đúng Quy chuẩn Việt Nam, thực hiện công bố chất lượng nước định kỳ theo Thông tư số 15/2006/TT-BYT ngày 30/11/2006 cùa Bộ Y tế.
Xử lý nghiêm vi phạm hành lang bảo vệ đê điều
Một nội dung khác mà cử tri đề nghị UBND tỉnh cần có sự chỉ đạo kịp thời, sát sao đó là trên tuyến đê hữu Đáy từ xã Ninh Phúc (thành phố Ninh Bình) đến xã Khánh An (huyện Yên Khánh) ở khu vực bãi ngoài sông, một số công ty, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cảng, kho bãi vi phạm Luật Đê điều, Luật Phòng chống thiên tai, gây ô nhiễm môi trường. Giải quyết kiến nghị này của cử tri, UBND tỉnh đã nhanh chóng chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, UBND thành phố Ninh Bình, UBND huyện Yên Khánh tiến hành kiểm tra việc thực hiện đầu tư xây dựng, sản xuất kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp và tổ chức giải tỏa các vi phạm theo quy định của pháp luật.
UBND thành phố Ninh Bình đã kiểm tra 5 đơn vị vi phạm Luật Đê điều và Luật Phòng chống thiên tai trên tuyến đê hữu Đáy. Qua kiểm tra đã yêu cầu các đơn vị hoàn thiện các thủ tục cần thiết trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Đối với các hạng mục xây dựng vi phạm thì phải tự giác giải tỏa, tháo dỡ; có biện pháp xử lý bụi trong khâu vận chuyển và bốc xếp hàng hóa, tránh gây ô nhiễm môi trường. Đơn vị nào cố tình vi phạm và không thực hiện, UBND thành phố Ninh Bình sẽ tiến hành xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. UBND huyện Yên Khánh đã kiểm tra 14 đơn vị và một số hộ gia đình vi phạm, yêu cầu các doanh nghiệp và các hộ vi phạm tự tháo dỡ, hoàn trả hiện trạng mặt bằng ban đầu cho tuyến đê nói trên.
Thực hiện quyết liệt các giải pháp trên, đến nay, vấn đề ô nhiễm môi trường ở khu vực trên đã từng bước được khắc phục, UBND tỉnh cũng đã yêu cầu UBND thành phố Ninh Bình, UBND huyện Yên Khánh tiếp tục xử lý dứt điểm các công trình vi phạm trong hành lang bảo vệ đê, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 31/12/2014.
Chấn chỉnh tình trạng thu và phát hành hóa đơn không đúng quy định tại một số khu, điểm du lịch
Ở lĩnh vực du lịch, cử tri đã phản ánh nhiều đơn vị kinh doanh du lịch chưa nghiêm túc thực hiện mức thu và phát hành hóa đơn (biên lai) thu phí theo quy định của Bộ Tài chính và Nghị quyết số 22/2011/NQ-HĐND ngày 15/12/2011 của HĐND tỉnh, như phí trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô, phí qua cầu, phí chở đò trong các khu du lịch...
Để giải quyết vấn đề trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh, BQL quần thể danh thắng Tràng An và các cơ quan liên quan tích cực kiểm tra, hướng dẫn đơn vị thu phí thực hiện nghiêm túc chấp hành các quy định về quản lý thu phí, đặc biệt là tại các khu du lịch trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Khu du lịch Tràng An, Bái Đính, Tam Cốc - Bích Động, đơn vị quản lý thu phí là Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường đã thực hiện in Biên lai thu phí danh lam thắng cảnh, thu phí chở đò, vé xe điện theo quy định và đã đăng ký sử dụng từ ngày 1/8/2014. Riêng phí trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô tại khu du lịch Tràng An, Bái Đính, Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đăng ký sử dụng biên lai thu phí do Cục Thuế tỉnh đặt in, thông báo phát hành và thực hiện từ 1/8/2014. Về mức thu, Doanh nghiệp thực hiện theo đúng quy định tại Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐND ngày 16/7/2014 của HĐND tỉnh (Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 22/2011/NQ-HĐND ngày 15/12/2011 của HĐND tỉnh).
Đối với Khu du lịch Cố đô Hoa Lư, Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Hoa Lư (thuộc Ban Quản lý quần thể danh thắng Tràng An) tổ chức thu phí đã đặt in Biên lai thu phí, thông báo phát hành và đưa vào sử dụng đúng theo quy định, mức thu thực hiện theo đúng theo quy định tại Nghị quyết số 01 của HĐND tỉnh.
Cùng với việc báo cáo kết quả giải quyết vấn đề này, UBND tỉnh cũng thẳng thắn nhìn nhận, qua kiểm tra thực tế cho thấy vẫn còn một số tồn tại như: Một số khu du lịch sử dụng biên lai không đúng với biên lai đã thông báo phát hành với cơ quan Thuế; mức thu một số khoản phí cao hơn mức thu theo Nghị quyết 01 của HĐND tỉnh; doanh nghiệp chưa phát hành Biên lai thu phí cho các đối tượng người khuyết tật, người cao tuổi, người được hưởng thụ chính sách ưu đãi văn hóa.
Về vấn đề này, UBND tỉnh đã có Thông báo số 53 yêu cầu Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường thu các khoản phí theo đúng mức thu quy định tại Nghị quyết HĐND tỉnh, sử dụng đúng Biên lai thu phí, tiến hành in, thông báo phát hành và sử dụng vé dành riêng cho các đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi. Đồng thời đã yêu cầu Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh, BQL Quần thể danh thắng Tràng An và các đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao thường xuyên kiêm tra, hướng dẫn Doanh nghiệp Xuân Trường thực hiện theo đúng quy định về việc quản lý, sử dụng biên lai thu phí, áp dụng mức thu phí và thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước theo đúng quy định.Duy Hiền-Đinh Ngọc-Thế Minh