Điểm sáng trong công tác giảm nghèo Khác với thời điểm trước đó, trong 4 năm trở lại đây, việc triển khai công tác giảm nghèo của tỉnh đã được chú trọng gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Nhờ vậy sau 4 năm, tỷ lệ hộ nghèo bình quân khu vực NTM toàn tỉnh còn trên 2,5%, giảm gần 3% so với năm 2013, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc.
Nếu như năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo ở xã Khánh Hải (Yên Khánh) là 15,5% thì nay giảm xuống còn 2,73%. Ông Nguyễn Văn Nghị, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hải cho biết: Có được kết quả trên là do thời gian qua địa phương đã triển khai đồng bộ các giải pháp giúp hộ nghèo phát triển kinh tế, hướng tới thoát nghèo bền vững như triển khai thực hiện tốt các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo, mở các lớp dạy nghề giải quyết việc làm; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhân rộng các mô hình chăn nuôi, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân… Để đạt tiêu chí hộ nghèo trong xây dựng NTM, Khánh Hải còn huy động các hội, đoàn thể như hội phụ nữ, nông dân và đoàn thanh niên cùng vào cuộc giúp đỡ các hộ nghèo vươn lên thoát nghèp thông qua việc hướng dẫn, tạo điều kiện cho họ được vay vốn. Từ đó nhiều gia đình có điều kiện đầu tư phát triển chăn nuôi, mở rộng ngành nghề và vươn lên thoát nghèo bền vững. Đồng thời vận động hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp đỡ các hộ nghèo về vốn, giống, khoa học kỹ thuật.
Khác với Khánh Hải, việc tạo điều kiện cho người nghèo học nghề và phát triển nghề truyền thống ở địa phương là một trong những giải pháp giảm nghèo hiệu quả mà cấp ủy, chính quyền xã Thượng Kiệm (Kim Sơn) đang triển khai. Để duy trì và phát triển làng nghề, hàng năm xã tổ chức các lớp dạy nghề cho người lao động, đồng thời có chính sách hỗ trợ vay vốn đối với các chủ cơ sở sản xuất, tìm đầu ra cho sản phẩm nên nhiều hộ đã mạnh dạn vay vốn mở rộng nhà xưởng, cũng như mua máy móc hiện đại để cải tiến và nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, tạo thương hiệu cho làng nghề. Đến nay, toàn xã có 21 tổ hợp và doanh nghiệp chuyên cung cấp và bao tiêu sản phẩm cho nhân dân, giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 600 lao động với mức thu nhập từ 1,8-2 triệu đồng/người/tháng. Nhờ sự phát triển tập trung cùng cơ chế, chính sách hỗ trợ hợp lý, mỗi năm nghề sản xuất và chế biến cói đã mang lại nguồn thu lớn cho xã Thượng Kiệm, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 2,98% (cuối năm 2010 là 11%).
Cùng với sự chủ động vào cuộc của các địa phương, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể phối hợp lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án mở lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất, hỗ trợ trực tiếp các mô hình kinh tế. Do đó, qua gần 4 năm triển khai thực hiện, đến nay tỉnh ta đã có trên 470 đề án phát triển sản xuất, dự án, mô hình kinh tế có hiệu quả ở các địa phương trong tỉnh; gần 200 mô hình kinh tế đem lại hiệu kinh tế cao như mô hình chuyển đổi đất chuyên lúa sang đa canh cây trồng kết hợp nuôi trồng thủy sản, mô hình chăn nuôi gia cầm. Với những giải pháp thiết thực, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực cố gắng của người dân, thu nhập bình quân đầu người thời điểm này ở những xã điểm nông thôn mới đạt trên 26 triệu đồng/người/năm, tăng 10 triệu đồng so với năm 2011.
Triển khai đồng bộ các giải pháp
Có thể nói, kết quả giảm nghèo ở các xã điểm xây dựng nông thôn mới đã trở thành điểm sáng trong công tác này những năm vừa qua. Thực tiễn triển khai ở các địa phương về hỗ trợ vốn, hỗ trợ khoa học kỹ thuật cho hộ nghèo... cũng là kinh nghiệm hữu ích cho quá trình thực hiện giảm nghèo trong toàn tỉnh. Bởi theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, có tới 10 nguyên nhân khác nhau dẫn đến thực trạng nghèo của các hộ dân trên địa bàn. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo do thiếu vốn sản xuất chiếm tỷ lệ cao nhất, 17,45%. Chính vì vậy, việc tập trung nguồn lực giải quyết khó khăn này được ưu tiên hàng đầu. Trong 4 năm qua, số hộ nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi trong toàn tỉnh là 218.919 triệu đồng, dư nợ 360.215 triệu đồng. Ngoài ra, các hộ nghèo còn được vay vốn từ các chương trình tín dụng học sinh, sinh viên, xuất khẩu lao động, làm nhà ở, xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường.
Ông Nguyễn Hữu Tuyến, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Qua khảo sát của chúng tôi, số hộ nghèo do không biết cách làm ăn cũng chiếm tỷ lệ không nhỏ. Thực tế cho thấy, giải quyết được hạn chế này mới có thể phát huy được hiệu quả của các giải pháp giảm nghèo khác mà tỉnh đang tập trung triển khai. Từ năm 2011 đến nay, các cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp đào tạo nghề gắn với tạo việc làm trên địa bàn tỉnh đã đào tạo nghề cho hơn 1 nghìn lao động nghèo với các nghề chủ yếu là thủ công mỹ nghệ, trồng trọt, chăn nuôi, may công nghiệp..., tổng kinh phí là hơn 3 tỷ đồng. Mỗi năm tỉnh tổ chức 64 lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho gần 7 nghìn lượt người thuộc hộ nghèo với tổng kinh phí hơn 7 tỷ đồng.
Cùng với hỗ trợ về vốn, kiến thức, tỉnh ta còn triển khai đồng bộ các chính sách về giảm nghèo khác. Từ năm 2011, toàn tỉnh đã thực hiện cấp thẻ BHYT miễn phí cho người nghèo và hỗ trợ mua thẻ BHYT cho đối tượng thuộc hộ cận nghèo. Đến năm 2013 đã thực hiện cấp thẻ BHYT cho 254.057 người nghèo với tổng kinh phí trên 126 tỷ đồng. Thực hiện miễn giảm học phí cho 194 nghìn lượt học sinh nghèo... Đặc biệt từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã dành nhiều nguồn lực, huy động nguồn xã hội hóa từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng được gần 3 nghìn ngôi nhà cho hộ nghèo, hộ chính sách có khó khăn về nhà ở với tổng số tiền 77.540 triệu đồng. Theo báo cáo của các địa phương, toàn tỉnh hiện còn 3.862 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình chính sách cần được hỗ trợ về nhà ở. UBND tỉnh đã xây dựng đề án hỗ trợ người nghèo xây dựng nhà ở trình Bộ Xây dựng và Chính phủ.
Được biết, hàng năm nguồn lực để triển khai thực hiện công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh được lồng ghép bằng các nguồn ngân sách Trung ương, nguồn ngân sách của tỉnh và các chương trình, dự án. Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo toàn tỉnh trong 2 năm 2012-2013 là 23.600 triệu đồng. Ngoài việc sử dụng hiệu quả nguồn hỗ trợ của Trung ương và địa phương, tỉnh ta đã đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức huy động nguồn lực cho mục tiêu giảm nghèo như vận động các doanh nghiệp, sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân. Từ năm 2011 đến 2013 đã huy động, vận động đóng góp được trên 52,5 tỷ đồng. Nổi bật là Tập đoàn Xuân Thành hỗ trợ xây 166 nhà tình nghĩa cho hộ nghèo, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam hỗ trợ xây mới 130 ngôi nhà tình nghĩa...
Trên cơ sở những kết quả đạt được, tỉnh ta phấn đấu đến năm 2020 giảm số hộ nghèo xuống dưới 2%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn dưới 3%. Đây là một định hướng lớn cho các cấp, các ngành trong tổ chức chỉ đạo và triển khai thực hiện.
Đào Duy