Hệ thống chính trị các cấp trên địa bàn tỉnh luôn xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ quan trọng và được đặt trong Chương trình tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và ở mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh nói riêng. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và cấp huyện, cấp cơ sở đều có chỉ tiêu giảm nghèo. Đặc biệt, ngày 15-10-2007, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU về tăng cường lãnh đạo công tác giảm nghèo. Nghị quyết đã được triển khai nghiêm túc, đem lại hiệu quả thiết thực.
Trong quá trình triển khai, các cấp, các ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh về tầm quan trọng của công tác giảm nghèo, tích cực tham gia các biện pháp giảm nghèo trên địa bàn. Các chính sách, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đã được các cấp, các ngành quan tâm triển khai, tác động trực tiếp đến đời sống người nghèo. Có vốn, có tay nghề, nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo có điều kiện đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng thêm thu nhập, giúp họ từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững. Chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo cũng được triển khai thực hiện có hiệu quả. Cùng với đó, tỉnh ta đã thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục-đào tạo, trợ giúp pháp lý cho người nghèo.
Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm dần từng năm. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đến nay, bình quân mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh ta giảm hơn 2%. Đến cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 4,5%. Việc thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo đã đem lại hiệu quả rõ nét. Đời sống của nhân dân, nhất là nhóm hộ nghèo được cải thiện, nâng lên rõ rệt.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các ngành chức năng thì kết quả giảm nghèo những năm qua vẫn chưa thực sự bền vững, số hộ tái nghèo vẫn còn, tỷ lệ hộ cận nghèo còn cao. Theo số liệu thống kê, số người nghèo hết tuổi lao động trên địa bàn tỉnh là hơn 4 nghìn người, chiếm tỷ lệ trên 10% số khẩu nghèo, ngoài ra, còn số hộ nghèo là người cao tuổi cô đơn, ốm đau gặp bệnh hiểm nghèo. Bởi vậy, biện pháp giảm nghèo bền vững trong giai đoạn tiếp theo hết sức khó khăn, đòi hỏi phải có sự chung tay của cả cộng đồng.
Xóa đói, giảm nghèo là chiến lược lớn của Đảng và Nhà nước ta. 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ninh Bình đã đạt được những thành tựu to lớn trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Phát huy những kết quả đã đạt được, năm 2015, tỉnh ta đề ra mục tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 4,5%, đặc biệt, công tác giảm nghèo phải chú trọng đến yếu tố bền vững. Các cấp ủy Đảng tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chương trình giảm nghèo của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết số10-NQ/TU của Tỉnh ủy, tập trung ưu tiên thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, học nghề, tạo việc làm gắn với xây dựng nông thôn mới.
Để hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững, yêu cầu đặt ra là công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải tập trung, quyết liệt, cụ thể, sâu sát, có kiểm tra, đôn đốc thường xuyên. Coi trọng công tác thông tin tuyên truyền, tạo sự thống nhất ý chí trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, tiếp tục huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội tham gia vào công tác xóa đói, giảm nghèo. Việc khảo sát, thống kê, phân loại hộ nghèo phải chính xác để đầu tư đúng hướng, thực hiện chế độ, chính sách đối với hộ nghèo phải công khai, dân chủ, đúng tiêu chí và phải được giám sát chặt chẽ. Thường xuyên rà soát, bổ sung chính sách để giảm nhanh hộ nghèo, chống tái nghèo, đưa hộ cận nghèo lên khá. Quyết tâm xây dựng thành công nông thôn mới để giải quyết đồng bộ các vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn cũng là giải pháp then chốt để cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị, tạo nền tảng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Minh Châu